Chơi sách đặc biệt: Còn nhiều tiềm năng

24/05/2020 06:56 GMT+7

Theo nhà sưu tập sách Yên Ba, việc thực hiện ấn bản đặc biệt vẫn có tiềm năng phát triển vì nhu cầu sưu tầm đang tăng.

Với người chơi sách lâu năm như ông và bạn bè, những ấn bản sách đặc biệt gần đây có gì khác xưa, thưa ông?
Nhà sưu tập sách Yên Ba: Trước đây, những ấn bản đặc biệt là của hiếm, khái niệm ấn bản đặc biệt chỉ có trong những cuốn sách xưa. Phải may mắn lắm mới có những ấn bản đặc biệt còn sót lại, từ một nhà sưu tầm, hay rơi rớt từ một tủ sách cũ nào đó. Đơn giản, ấn bản đặc biệt xưa rất quý và hiếm. Người chơi sách gạo cội thường giữ nó rất kỹ, khó lọt ra bên ngoài được.
Bây giờ, các nhà sách cũng hiểu giá trị ấn bản đặc biệt. Vì thế, mỗi lần có ấn bản mới có giá trị văn chương, lịch sử hay tiền bạc, thì họ luôn làm kèm theo ấn bản đặc biệt.
Tức là chỉ những tác phẩm rất lớn nhà sách mới làm ấn bản đặc biệt?
Đúng thế. Nhưng nó lại kéo theo câu hỏi thế nào là tác phẩm lớn. Một tác phẩm, với nhà sách này là lớn, với nhà sách khác hoặc với từng người đọc cụ thể, có thể không phải như vậy.
Tác phẩm Răng sư tử của ông cũng có ấn bản đặc biệt?
Ấn bản đặc biệt của tôi là do tôi tự làm, không phải do nhà xuất bản làm. Tôi lấy 10 ruột sách từ nhà in và gửi cho nghệ nhân đóng sách, họ làm cho tôi bìa vải hay da cừu. Theo luật, tôi không có gì sai. Bản thân tôi cũng có thể mua sách của mình về đóng bìa và coi đó là ấn bản đặc biệt. Không có quy định nào bắt buộc ai mới được làm ấn bản đặc biệt.
Đông A vừa ra cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ với mấy loại ấn bản đặc biệt khác nhau. Còn sách xưa trước đây thì sao, thưa ông?
Ngày xưa, các cụ làm ấn bản đặc biệt là một loại giấy hoàn toàn khác, rồi sau đó đánh số, khi đánh số lại có giấy bạch vân, giấy dó, mỗi một loại giấy là một ấn bản đặc biệt. Một cuốn sách có thể có khoảng 4 - 5 loại ấn bản đặc biệt. Ví dụ 100 ấn bản loại giấy Bạch Vân, 50 ấn bản đặc biệt khác là trên một loại giấy khác. Rồi có thể có 5 cuốn loại ấn bản siêu đặc biệt.
Thí dụ như sách của ông Vũ Trọng Phụng. Có đầu sách của cụ Phụng, 100 cuốn là dành cho những nhà sưu tập sách, 50 cuốn là dành cho nhà xuất bản, và 5 cuốn siêu đặc biệt chỉ dành cho những người bạn thân; 5 cuốn đó đánh số cũng khác. Nếu 100 cuốn đánh số từ 1 đến 100, thì 5 cuốn siêu đặc biệt sẽ đánh theo kiểu: đánh V là bản dành cho Tô Ngọc Vân, đánh X là dành cho họa sĩ Lương Xuân Nhị…
Theo ông, ấn bản đặc biệt có mang đến lợi nhuận cho nhà sách không? Hay chỉ đơn thuần là cách làm thương hiệu?
Tôi nghĩ nhà sách làm ấn bản đặc biệt chủ yếu để làm thương hiệu. Làm bản đặc biệt nếu chăm chút công phu thì khó có thể có lãi. Tuy nhiên, việc thực hiện ấn bản đặc biệt vẫn có tiềm năng phát triển vì nhu cầu sưu tầm đang tăng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.