Chơi xe Vespa cổ ở miền Tây

31/12/2012 11:18 GMT+7

Việc các đoàn xe mô tô diễu hành trong những ngày lễ hội có lẽ rất quen thuộc với mọi người, nhưng với hàng chục xe Vespa cổ diễu hành thì quả là điều hiếm thấy. Loại xe cổ này có từ thập niên 50-60, lần hồi tàn theo thời gian, chẳng khác nào đống phế liệu "cà tàng". Nhưng đã được tân trang phục chế rồi thì trở thành "hàng hiếm" mà không phải ai cũng tìm mua được.

Việc các đoàn xe mô tô diễu hành trong những ngày lễ hội có lẽ rất quen thuộc với mọi người, nhưng với hàng chục xe Vespa cổ diễu hành thì quả là điều hiếm thấy. Loại xe cổ này có từ thập niên 50-60, lần hồi tàn theo thời gian, chẳng khác nào đống phế liệu "cà tàng". Nhưng đã được tân trang phục chế rồi thì trở thành "hàng hiếm" mà không phải ai cũng tìm mua được.

Ngày lễ 30/4/2005 vừa qua, đi sau đoàn xe mô tô là đoàn xe Vespa (tiếng Ý có nghĩa là "con ong") cổ khoảng hơn 60 chiếc với đủ kiểu dáng, màu sắc diễu hành trên khắp các đường phố Cần Thơ qua các quận, huyện làm nhiều người có "cảm tình" với loại xe "phạch phạch" này (ba, bốn chục năm trước, nhà nào có chiếc Vespa là sang lắm rồi).

Cơn sốt Vespa cổ miền Tây tăng nhiệt

Anh Trương Vinh - trưởng nhóm chơi xe Vespa cổ Cần Thơ cho biết: Hiện nay, nhóm có 40 thành viên là dân ghiền Vespa với đủ mọi thành phần, từ CB-CNV, cho đến học sinh, sinh viên, thợ, thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư... Dù đủ mọi ngành nghề, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng họ đều có chung niềm đam mê là chơi xe Vespa cổ. Nhóm chơi xe được thành lập vào tháng 9/2004. Thật ra, trước đó vài năm anh Vinh đã tập hợp một số anh em thích sưu tầm chơi xe Vespa cổ, rồi ngày qua tháng nọ lại có thêm nhiều anh em tham gia. Khi trở thành phong trào thì việc săn lùng các loại xe cổ này không phải dễ, nhiều anh em trong nhóm muốn mua được xe phải đi vào các vùng nông thôn sâu xa để "săn", bất kể là ở tỉnh nào trong khu vực miền Tây.

Điều khá lý thú là hầu hết các xe cổ này có tuổi đời gấp 2-3 lần chủ nhân của nó, nên ít khi nào còn nguyên vẹn, nhưng càng cổ giá càng cao, các loại xe cổ phải được xem là xuất xưởng trước năm 1960. Còn nói đến xe Vespa đẹp phải nói đến dòng xe sản xuất ở giai đoạn năm 1948 - 1953, trong đó có loại xe ACMA được xem là viên ngọc quyến rũ đối với dân ghiền sưu tập Vespa. Sau khi mang về phải tìm đúng "thầy" mới phục chế tốt, xe mới có kiểu dáng đúng điệu. Chỉ cần khoảng 3 triệu đồng là có thể mua được một chiếc Vespa cổ chạy ngon lành. Đối với xe cổ "hàng độc" giá cũng phải vài chục triệu. Chị  Mỹ An, thành viên nhóm cho biết: Năm 1999 tôi mua chiếc Vespa cổ từ Sài Gòn với giá 1.800 USD, sau đó phục chế thêm 4 triệu đồng nữa và chạy tốt cho tới bây giờ. Xe chạy lên Sài Gòn về Cần Thơ, rồi đi Châu Đốc thường xuyên nhưng phải nói rất bền, có điều hơi hao xăng hơn các loại xe đời mới bây giờ. Chiếc ACMA, Vespa của anh Ngọc Lũ (Cần Thơ) đời 1953, dòng chính hiệu Italia là chiếc "đệ nhất" của giới chơi xe cổ Cần Thơ trị giá trên 30 triệu đồng. Anh Hà Hoàng Đạo - một thành viên ban điều hành nhóm Vespa Cần Thơ cho biết: “Thật ra, chơi xe cổ kiểu chúng tôi cũng khá công phu, ngoài việc tìm phụ tùng cho phù hợp với kiểu dáng, còn phải sưu tầm, chế những phụ kiện như lấy dây ống nước i-nốc là bao dây ga, thắng, ống pô hình củ khoai...”. Chú Bình - thành viên cao tuổi nhất nhóm (50 tuổi) hiện là ông chủ của hơn 10 chiếc xe Vespa cổ từ  Standard, PX 150 đến Sprint. Không những người có tuổi thích xe Vespa cổ mà ngay những nam thanh nữ tú ngày nay tại Cần Thơ cũng thích được sở hữu một chiếc Vespa cổ, chạy trên đường phố mới sành điệu và được nhiều người chú ý.

Nhu cầu về loại xe này ngày càng tăng ở các thành phố lớn trong cả nước. Biết được thị trường miền Tây hiện còn lưu giữ nhiều xe Vespa cổ, nên nhiều người đã đổ xô săn lùng, mua lại với giá cao, khiến "cơn sốt" Vespa miệt vườn miền Tây tăng nhiệt.

Và đoạn trường phục chế, sửa xe...

Để có những chiếc xe Vespa cổ chạy êm ái trên đường phố, ngoài việc dày công tìm mua "những đống sắt vụn" thì việc tìm phụ tùng và thợ "chính tông" để phục chế càng hiếm. Nói đến thợ thì tại TP Cần Thơ chỉ có 3 điểm sửa loại xe "quý tộc" này là Công viên Đồ Chiểu, đường Trần Hưng Đạo và Cách Mạng Tháng Tám. Nếu xe làm đúng mức, xe Dream chạy không lại, phụ tùng phổ biến hiện nay chủ yếu của Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ là giá tương đối, còn phụ tùng chính hiệu của hãng Italia thì rất đắt. Vì là xe cổ xưa phục chế, nên các thợ phải biết phục chế sao cho phù hợp, để tiếng máy nổ nghe ngọt, tiếng pô xe nghe phải phịch... phịch... êm tai. Còn bên ngoài từ ghi-đông, kiếng hậu, chóa đèn, công-tơ-mét phải là hàng chính hiệu được tân trang mới và muốn được như thế nhiều người phải hy sinh một chiếc xe cổ khác đế lấy các phụ tùng thay thế. Chiếc Vespa cổ sau khi phục chế tân trang thường được dân chơi xe cổ đặt cho cái tên "cô nàng đỏng đảnh". Sở dĩ có cái tên "đỏng đảnh" là vì loại xe cổ này hay "ba hồi" lắm, đang chạy ngon lành tự nhiên tắt máy, chủ nhân phải ì ách dựng xe tháo cốp, lau bugi rồi đạp toát mồ hôi mới chạy. Còn nếu không chạy thì chỉ có nước dẫn bộ chứ chưa chắc gì vào tiệm sửa xe mà "trị" được. Chú Lộc Út ở TP Long Xuyên, An Giang cho biết: “Mua chiếc Vespa cổ 2,5 triệu đồng, đại tu hết 500 ngàn đồng nữa mới có được chiếc Vespa cổ chạy lóa mắt bạn bè, nhưng khổ nỗi mỗi lần nó chết máy sửa một hồi nếu nóng tính chỉ muốn lấy búa đập cho tan nát, nhưng khi chạy quen xe một thời gian, tự anh em trong nhóm ai cũng có thể "trị" được các "cô nàng đỏng đảnh" này. Còn dịch vụ rửa xe thì chỉ có duy nhất một điểm trên đường Nguyễn Việt Hồng là biết cách "tắm" cho các "cô nàng đỏng đảnh". Nếu tắm không đúng chỗ đạp hết hơi luôn cũng chưa nổ máy, mà nếu có nổ tiếng pô không còn nghe phịch phịch nữa mà nghe pạch pạch... póc...

Anh Trương Vinh cho biết: "Hiện nay ở miền Tây, các tỉnh thành Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang đều có các nhóm chơi xe Vespa cổ, mỗi nơi vài chục, Cần Thơ có số lượng đông nhất. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các tỉnh với nhau để diễu hành, cổ động cho từng địa phương khi có nhu cầu. Chúng tôi cũng đang làm thủ tục để xin thành lập CLB xe Vespa Cần Thơ, trước mắt trụ sở hiện nay là Nhà thi đấu đa năng Cần Thơ. Nhưng thật ra chúng tôi tập hợp nhiều nhấát ở Công viên Đồ Chiểu, cà phê Bưu Điện (đại lộ Hòa Bình). Buổi sáng cả nhóm uống cà-phê và bình luận về các chiếc Vespa cũng như thông tin cho nhau về nhu cầu thị trường xe cổ. Anh em trong nhóm còn dấy lên phong trào sưu tầm và chơi hàng cổ như: dây nịt, bóp da, điện thoại, hộp quẹt, kiếng mắt... để cho đủ bộ... "cổ trang".

Trương Công Khả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.