Trung tuần tháng này, các doanh nghiệp Việt Nam (VN) đã xuất 2 tấn chôm chôm vào Mỹ, theo dạng thăm dò thị trường. Còn theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, tới đây sẽ tiếp tục mở cửa cho nhiều loại trái cây khác của VN thâm nhập thị trường này. Những tín hiệu lạc quan trên hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới và nâng cao giá trị cho trái cây VN.
Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi trong thời gian qua người trồng cây ăn trái thường xuyên gặp cảnh “bí” đầu ra. Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, cả nước có khoảng 776.000 ha trồng cây ăn trái, với sản lượng từ 7 - 8 triệu tấn mỗi năm, tập trung ở ĐBSCL. Trong đó có nhiều loại trái cây ngon nổi tiếng, song kim ngạch xuất khẩu vẫn thấp - năm 2010, chỉ đạt khoảng 470 triệu USD so với trên 19,2 tỉ USD tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và chưa bằng 50% so với Thái Lan. Trái cây VN hiện đã có mặt ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, song thị trường chủ yếu vẫn là Trung Quốc, với khoảng 1/2 sản lượng xuất khẩu. Theo các chuyên gia, sở dĩ trái cây VN bị “bí” đầu ra là do tập quán sản xuất nhỏ lẻ dẫn đến chất lượng và mẫu mã không đồng đều nên chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường. Bên cạnh đó là khâu bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu, ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm ở nhiều nơi chưa được quan tâm…
Ý thức được những hạn chế đó, thời gian vừa qua, nhiều nhà vườn ở ĐBSCL đã chủ động liên kết lại với nhau để sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng như: VietGAP, GlobalGAP… Mong muốn của các nhà vườn là nâng cao giá trị của trái cây VN và tăng thu nhập. Theo ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Kinh tế H.Chợ Lách (Bến Tre), hiện địa phương có gần 40 ha trồng chôm chôm “chất lượng cao”. Nhiều nhà vườn đang rất phấn khởi với những tin vui trên và nếu việc xuất khẩu thành công thì nông dân sẽ mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo nhiều chuyên gia, trái cây VN có tiềm năng lớn nhưng khâu đầu tư cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu còn chưa xứng tầm. Hiện thị trường đã có nhiều tín hiệu khả quan, vấn đề là làm sao để nắm bắt và phát huy nó một cách hiệu quả, nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu trái cây đạt kim ngạch 1 tỉ USD vào năm 2015, như kế hoạch của Bộ NN-PTNT đề ra.
Chí Nhân
Bình luận (0)