Lựa chọn này giúp thí sinh vừa tiết kiệm thời gian vừa có thể kiếm được việc làm ngay sau khi ra trường với mức lương tốt.
Mỗi năm cần hàng chục vạn lao động trình độ trung cấp
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu tuyển dụng trong những năm tới sẽ tập trung nhiều vào những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ như nhân viên kinh doanh, bán hàng, chăm sóc sức khỏe, du lịch, tư vấn - bảo hiểm... Ngoài ra còn có nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong các ngành nghề như cơ khí, xây dựng, điện tử, điện - điện công nghiệp - điện lạnh... Trong đó, hằng năm cần tuyển 37.800 lao động trình độ trung cấp.
Theo ông Phạm Như Nghệ - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT, các ngành đang được đào tạo ở bậc TCCN có nhu cầu tuyển dụng cao trên toàn quốc là sư phạm mầm non, điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ, du lịch, nhà hàng khách sạn, giao thông, xây dựng… “Trong giai đoạn hiện nay, nếu làm việc giỏi, có những ngành nghề mà nhiều doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng trả các em mức lương khởi điểm 5 - 7 triệu đồng” - ông Nghệ khẳng định.
|
Nói về ngành chăm sóc sức khỏe, thạc sĩ Phan Dũng Danh - Hiệu trưởng Trường trung cấp Tổng hợp Đông Nam Á - cho biết đa số học sinh ngành dược bậc trung cấp ra trường sẽ có chuyên môn để mở nhà thuốc tư nhân hoặc làm việc trong các bệnh viện, công ty sản xuất và kinh doanh sản phẩm dược. Với ngành điều dưỡng, ngoài bệnh viện, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về sức khỏe thì nhu cầu được phục vụ tại nhà của các hộ gia đình rất lớn. Tại Việt Nam, trung bình mỗi giờ làm việc, nhân viên điều dưỡng được trả 150.000 đồng.
PGS-TS Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động-Thương binh -Xã hội, cũng khẳng định hệ thống các trường đào tạo nghề đang có rất nhiều ngành như hàn, công nghệ ô tô, kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ, điện tử công nghiệp... luôn có nhu cầu lao động cao và mức lương hơn chục triệu mỗi tháng.
Xóa bỏ tâm lý chuộng bằng cấp
Ông Phạm Như Nghệ nhận định: “Nhà tuyển dụng ngày nay không còn chú trọng nhiều đến bằng cấp. Họ quan tâm tới hiệu quả công việc, bất kể ứng viên học ĐH hay trung cấp. Đó chính là lợi thế của học sinh TCCN, nếu các bạn có chuyên môn giỏi, kỹ năng tốt”.
Bà Hà Thị Thanh Thanh, Hiệu trưởng Trường trung cấp Tin học - Kinh tế Sài Gòn, cho biết: “Nhiều em học TCCN ra ham học hỏi, năng động vẫn có thể mở những doanh nghiệp nho nhỏ thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình để kinh doanh, và rất nhiều em thành công. Không ít em có năng lực, được các doanh nghiệp bồi dưỡng thêm kiến thức và có vị trí nhất định”. Ông Đỗ Hữu Khoa, Chủ tịch khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TP.HCM, Hiệu trưởng Trường trung cấp Công nghệ thông tin Sài Gòn, cũng nhìn nhận: “Tâm lý chuộng bằng cấp khiến thí sinh có học lực trung bình vuột mất các cơ hội có khi tốt hơn là vào bằng được ĐH. Nếu các em giỏi thì vào ĐH-CĐ là điều tốt, nhưng khi khả năng không đủ thì trung cấp là lựa chọn vừa sức nhất. Chỉ cái gì phù hợp với mình thì mới có thể phát huy mạnh mẽ được”.
Chỉ tiêu cho bậc TCCN trên toàn quốc năm 2013 là khoảng 400.000. Ở hệ thống đào tạo nghề (gồm CĐ, trung cấp và sơ cấp), lượng chỉ tiêu lên tới hàng triệu. Riêng TP.HCM xét tuyển khoảng 34.000 học sinh trình độ CĐ và trung cấp nghề. Do đó, cánh cửa luôn rộng mở để thí sinh không đậu ĐH vẫn có thể tìm được hướng học tập phù hợp với mình.
Mỹ Quyên
>> Dinh dưỡng giúp tăng hiệu quả học tập
>> Tìm hiểu nhu cầu học tập của người dân
>> Để không “lạc lối” khi học tập
>> Đẩy mạnh việc học tập và làm theo gương Bác Hồ
>> Nhiều chương trình vay vốn học tập
Bình luận (0)