Xu hướng tăng
Khi hai vấn đề nóng nhất là lạm phát và nhập siêu đã hạ nhiệt, thì mặt bằng lãi suất sẽ không những không tăng nữa mà còn có xu hướng giảm xuống; vàng và USD cũng sẽ không còn là nơi "trú ẩn" tránh lạm phát và sự mất giá của đồng nội tệ; lượng tiền tệ đổ vào thị trường địa ốc sẽ ít hơn nhiều so với số tiền rút ra khỏi thị trường này. Lượng tiền khổng lồ trong lưu thông đó sẽ được đưa vào đâu?
Ngoài việc đưa vào sản xuất, kinh doanh, xem ra đầu tư vào chứng khoán đang là kênh hấp dẫn hiện nay; điều đó lý giải, tại sao kể cả khi VN-Index và HaSTC ngày 28.8 giảm xuống, nhưng khối lượng cổ phiếu cũng như giá trị giao dịch, khớp lệnh lại đạt kỷ lục, cao hơn khi hai chỉ số này đạt đỉnh điểm vào đầu năm 2007, tại sao tổng giá trị vốn hóa thị trường của cả hai sàn chính thức cũng như OTC tăng mạnh trở lại?
Chỉ số giá chứng khoán nói chung sẽ có xu hướng tăng lên, nhưng không phải tăng liên tục, mà vẫn biến động theo hình "răng cưa" (lúc tiến, lúc lùi, nhưng nếu trước đây là "một bước tiến, hai bước lùi" thì nay có thể là "hai bước tiến, một bước lùi"); không phải mã chứng khoán nào cũng tăng, mà có mã tăng, mã giảm, có mã tăng nhiều giảm ít và ngược lại, bởi có yếu tố đầu cơ, có yếu tố "cắt lỗ", "chốt lãi", bởi chênh lệch (cao hơn hay thấp hơn) giữa giá giao dịch, khớp lệnh với giá thực có sự khác nhau. Vấn đề đặt ra là cần có tiêu chí để chọn cổ phiếu để đầu tư.
Tiêu chí nào để chọn?
Trước hết, cần lướt qua những đề xuất của một số chuyên gia. Có chuyên gia đề cập đến phương pháp phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật; nhưng thời gian qua sai nhiều hơn đúng, do việc tăng giảm giá chứng khoán không hoàn toàn phụ thuộc vào các yếu tố được dùng làm thông số, tỷ lệ để đưa vào mô hình phân tích, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, đặc biệt là sự minh bạch thông tin, "chiêu" của các nhà đầu tư, tâm lý nhà đầu tư, sự thay đổi đột ngột trong chính sách vĩ mô... Có ý kiến đề xuất tránh các cổ phiếu thuộc lĩnh vực nhạy cảm hiện đã vượt qua đỉnh sang dốc bên kia, thậm chí có thể nằm im trong 4-5 năm như sau 2 cơn sốt giá trước. Qua theo dõi chung và theo dõi cụ thể các mã chứng khoán, có thể đưa ra một số tiêu chí lựa chọn như sau.
Thứ nhất, sử dụng phương pháp thống kê để so sánh sự biến động giá của các mã chứng khoán, lọc ra khoảng mươi mã giảm chậm nhất và tăng nhanh nhất so với chỉ số giá chung của từng sàn. Gốc so sánh có thể là mốc thấp nhất, mốc cao nhất hoặc cùng thời điểm cuối năm trước.
Thứ hai, trong số mươi mã của từng sàn, so sánh các mặt sau đây: Năng lực hoạt động, khả năng sinh lời, tiềm năng tăng trưởng được xem xét thông qua báo cáo tài chính, nhưng đã được kiểm toán của những công ty kiểm toán có uy tín. Thương hiệu thể hiện ở thời gian, lượng người biết đến... Tính thanh khoản của cổ phiếu hiện ở khối lượng giao dịch, khớp lệnh và giá trị giao dịch, khớp lệnh. Trên sàn TP.HCM, khối lượng giao dịch ngày 28.8 đạt từ 100 nghìn trở lên có 7 mã, cao nhất là STB, tiếp đến SAM, SSI, FPT, VTO, VIP, REE. Trên sàn Hà Nội có 28 mã, cao nhất là KLS, BCC, SD7, ACB, SD9, BVS, DBC, HPC, SDT, EBS. Ngoài ra còn tính đến năng lực và uy tín của cán bộ quản lý, tình hình tài chính và kết quả kinh doanh thông qua các chỉ số ROE, ROA... Cần theo dõi ngành nghề, quy mô vốn...
Thứ ba, theo dõi hằng ngày hoặc mấy ngày một lần để xem xu hướng biến động từ đó biết được chu kỳ tăng, giảm chung và tăng giảm giá của những mã đã được lựa chọn. Nếu có điều kiện thì theo dõi cụ thể trên bảng điện tử về giá bán mua, khối lượng mua, dư bán dư mua để đưa ra các quyết định cụ thể.
Ngọc Minh
Bình luận (0)