(TNO) Nhìn lại toàn bộ chuyến xuất ngoại của tiền đạo Lê Công Vinh, cũng như những tương đồng về cá tính sẽ thấy chẳng phải vô cớ mà cho đến lúc này, khi V-League 2015 kết thúc, đã và chỉ có mỗi mình Công Phượng nhận được lời mời sang Nhật Bản đá bóng.
Công Phượng chuẩn bị tiếp bước Công Vinh sang Nhật chơi bóng - Ảnh: Minh Tú
|
Về mặt bản chất, chuyến xuất ngoại của Công Vinh (đến CLB Consodole Sapporo theo dạng cho mượn ở lượt về J-League 2 mùa 2013) rất giống với Lê Huỳnh Đức gần 13 năm trước, khi HLV trưởng SHB.Đà Nẵng mở hàng cho khái niệm bóng đá thương mại bằng việc đầu quân cho CLB Chongquin Lifan năm 2001.
Thời điểm đó, Lifan đang cần tìm một điểm đột phá ở thị trường Việt Nam đã chọn thương hiệu số 1 khi đó là Huỳnh Đức, với lời cảm ơn là 3 cầu thủ và 60 chiếc mô tô đặc chủng trang bị cho Công an TP.HCM trước khi trúng lớn ở thị trường xe máy giá rẻ.
Trong trường hợp Sapporo, chỉ phải trả cho SLNA hơn 1 tỉ đồng, thương hiệu này dễ dàng, nhanh chóng phủ kín mọi ngóc ngách trên các kênh truyền thông Việt Nam. Siêu nhanh, siêu rẻ với tần suất và độ nóng bất kỳ ai cũng phải ghen tị.
Nhưng thành công của Công Vinh không chỉ đến từ tài chính mà còn ở ý nghĩa thể thao, chứng minh người Việt Nam có thể chơi bóng tại Nhật Bản, ít nhất là đẳng cấp J-League 2.
Anh đã giành được sự tôn trọng từ bóng đá Nhật từ chính năng lực trên sân cỏ, không chỉ là 2 bàn sau 7 trận mà còn ở việc đem đến cho người Nhật ấn tượng tốt lành về ý chí, tính chuyên nghiệp, khát vọng chiến thắng và cả ở thể lực, tâm lý.
Công Vinh đã đặt dấu ấn nhất định trong màu áo Sapporo - Ảnh: AFP
|
Đó là điều người hâm mộ đang chờ đón ở Công Phượng với cuộc phiêu lưu sắp tới tại CLB Mito Hollyhock, cũng đang chơi ở J-League 2.
Phượng giống Công Vinh, đều là một biểu tượng chói sáng, một sự đảm bảo về thương mại trong mắt những nhà tài trợ bất chấp tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng tin rằng, điều quan trọng nhất người Nhật chấm Công Phượng chứ không phải bất kỳ ai, chính là bởi anh sở hữu những tố chất thể thao thích hợp với dự án thể thao của họ như Sapporo nhìn thấy ở Công Vinh.
Huỳnh Đức, Công Vinh và nay là Công Phượng đều có điểm chung đều là những người tập luyện hết sức nghiêm túc, khắc nghiệt với bản thân và có ý chí vươn lên mạnh mẽ. Đó là điều giúp sau đó Lifan và Sapporo đều muốn tái hợp tác. Trong khi dù hay được đem so sánh với Văn Quyến nhưng về cá tính và ý chí, Công Phượng lại có nhiều điểm tương đồng với Công Vinh hơn.
Thêm nữa, trong khi các đồng đội cùng lứa tại HAGL lẫn các cựu tuyển thủ U.19 Việt Nam khác vẫn bị đánh giá là yếu, thể hình mỏng, sức bền kém thì duy nhất Công Phượng là người cho thấy sự tiến bộ về thể hình.
Đại diện CLB Mito Hollyhock đến làm việc cùng CLB HAGL trước thềm V-League 2015 - Ảnh: Minh Trần
|
Có một chi tiết đáng chú ý khác, đại diện của Mito Hollyhock đã đến Việt Nam từ rất sớm trước khi V-League 2015 khởi tranh. Sau hiệu ứng U.19 Việt Nam quá mạnh mẽ, đặc biệt trong các trận đấu với U.19 Nhật Bản, CLB này đã đặt vấn đề mời Công Phượng sang Nhật.
Đó không chỉ là một thư ngỏ, Mito Hollyhock đã cử hẳn một phái đoàn đến tận đại bản doanh của HAGL để kiểm tra từ điều kiện tập luyện, sân bãi, triết lý đào tạo trẻ và sau đó lặng lẽ quan sát mọi bước tiến của HAGL, trong đó đặc biệt là cá nhân Công Phượng.
Thỏa thuận hiện tại đạt được sau quá trình tìm hiểu dài hạn, cho thấy Mito Hollyhock không hề có ý đầu tư vào một dự án không chắc chắn. Ngược lại, họ tìm hiểu rất kỹ theo kiểu "đắt xắt ra miếng".
Tất nhiên, quá sớm để nói rằng Công Phượng sẽ thành công tại J-League 2 cùng Mito Hollyhock. Tuy nhiên, nhìn từ sự tương đồng giữa Công Phượng và Công Vinh, có niềm tin rằng Công Phượng sẽ có bước tiến khi sang Nhật chơi bóng.
Đơn giản, người Nhật rất kỹ tính và mỗi quyết định đều được cân đo đong đếm cẩn thận. Nói cách khác, họ rất biết cách kén cá chọn canh và vào thời điểm này, Công Phượng là cái tên duy nhất đáp ứng được những yêu cầu của dự án bóng đá - thương mại của họ.
Bình luận (0)