Chọn GDP hay giá trị gia tăng?

24/10/2017 07:07 GMT+7

13 chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội đều dự kiến đạt và vượt so với kế hoạch, là con số rất ấn tượng, thể hiện thành công trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cũng theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, “năm 2017 đã có chuyển biến trong công tác phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, giúp giải quyết tích cực nhiều vấn đề còn yếu kém, trì trệ trước đây trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và phòng, chống tham nhũng”.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cảnh báo việc thực hiện nội dung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế “một cách thực chất” còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện, chỉ số thu nhập quốc dân (GNI - chỉ tiêu đo thực lực của quốc gia) ngày càng giảm...
Đây thực sự là một thách thức đối với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, trong các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội hôm nay và các ngày tiếp theo. Quốc hội sẽ dẫn con tàu kinh tế VN đi theo cách như thế nào?
Tồn tại mà Ủy ban Kinh tế chỉ ra là hậu quả của một thời kỳ dài chúng ta lựa chọn mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, đuổi theo tốc độ tăng trưởng GDP mà không phải là con số giá trị gia tăng thực chất.
Tăng biên chế, tăng lương, xây cổng chào, tượng đài hay thậm chí tham nhũng... cũng có thể làm tăng GDP. Và chạy theo đầu tư hạ tầng một cách lãng phí hay tăng trưởng theo kiểu tăng sản lượng khai thác dầu mỏ, gia tăng khai thác tài nguyên để lấy GDP thực sự sẽ mang lại nhiều rủi ro.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân và nhà nước của VN đạt trung bình 5,7% GDP trong những năm gần đây, là tỷ lệ cao nhất trong các nước Đông Nam Á và gần bằng mức 6,8% của Trung Quốc. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của VN trong những năm gần đây luôn tăng nhanh chóng.
Nhưng như đã nói, nếu đánh giá thành công của nền kinh tế bằng tăng trưởng GDP thì sẽ có chuyện tính GDP tỉnh, GDP huyện, GDP xã. Và người ta sẽ có rất nhiều biện pháp hoàn toàn hành chính để tăng GDP (phổ biến ở VN là tăng vốn đầu tư). Hiện tại ở VN, đầu tư chiếm tới 60 - 65% tăng trưởng, năng suất lao động, và tất cả các yếu tố còn lại 35 - 40%. Bài học từ hậu quả “mỗi ngày một công trình” của Hà Giang để đổi GDP vẫn còn nguyên giá trị.
Đã đến lúc Quốc hội cần thẳng thắn dừng cuộc chạy đua tăng trưởng GDP, thay vào đó bằng các chỉ tiêu khác như: chỉ tiêu năng suất lao động, sản phẩm mới, chiếm lĩnh thị trường, đổi mới khoa học công nghệ, tỷ lệ giá trị gia tăng... Các chỉ tiêu này sẽ mang lại những thay đổi trong xã hội, chất lượng cuộc sống người dân rõ ràng hơn tăng GDP thuần túy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.