|
Tôn trọng cá nhân
Giáo dục của Pháp dựa theo 2 nguyên tắc cơ bản là thuyết nhân bản (Humanisme), thuyết chủ trí và chủ lý (Intellectualism et Rationalite). Mục đích cốt yếu của khoa sư phạm Pháp chú trọng bồi dưỡng trí thức, sự hiểu biết rộng. Tổ chức giáo dục là để điều hòa các môn học nhằm làm cho thiếu niên có tài sản học thức “làm người”. Giáo dục nặng về lý thuyết hơn thực hành, giờ dạy trên lớp nhiều hơn giờ thực hành ở phòng thí nghiệm. Học sinh chủ yếu học qua sách vở, ít đi thực tế ngoài đời.
Nền giáo dục của Anh quốc đặt trên thuyết cá nhân tự do và thuyết nhân bản (Conception liberale et humanism). Nhưng nếu Pháp tập trung rèn trí não (Culture de l’espirit) thì Anh rèn tính khí (Culture du charater). Cho nên ở Anh, chương trình chú trọng các môn: vẽ, đàn hát, thủ công, thể thao huấn luyện, đưa học sinh tham gia các tổ chức công cộng có tính chất xã hội. Vì thế phương pháp giáo dục giữa 2 nước cũng khác nhau: Nếu Pháp nặng về lý thuyết thì Anh theo nguyên tắc thực tế dựa trên kinh nghiệm. Vì thế, giáo dục ở Anh lập theo hoàn cảnh, dựa vào nhu cầu luôn thay đổi. Đặc biệt bậc tiểu học ở Anh tối kỵ những tư tưởng không hợp với hoạt động tự nhiên của trẻ; không tập trung dạy kiến thức mà chủ yếu rèn tinh thần, tính khí mạnh mẽ.
|
Nền giáo dục của Mỹ cũng chủ yếu rèn đúc tính khí chứ không tập trung mở mang tri thức như Pháp. Giáo dục Mỹ có những tính cách rõ rệt như: Theo cá tính (Enseignment individualite) và thực tế (Enseignment et Practique). Nền giáo dục này không chuộng các môn học trừu tượng, nặng lý thuyết. Vì thế lối học rộng, phổ quát bị coi là kém hơn cách học dựa theo kinh nghiệm. Ví dụ dạy địa lý chẳng hạn, họ đưa học sinh đi tham quan quận, huyện, tỉnh, xứ hoặc cả nước, có khi cho học sinh đi bằng máy bay. Chưa cần xét đến bậc trung học và đại học, ngay ở tiểu học chương trình luôn bề bộn với 4 - 5 giờ/ngày dành cho thể dục, cả ngày thứ bảy dành cho thể thao. Không chỉ nhằm rèn luyện thân thể cường tráng, điều này nhằm tạo cho trẻ tính trọng kỷ luật, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, có lòng can đảm, tinh thần đoàn kết của đội nhóm…
Đặc điểm nổi bật của giáo dục Mỹ là tính thực dụng (Pragmatism). Do vậy họ không chuộng các môn học để tu dưỡng tinh thần, ra sức làm việc mãnh liệt và suy nghĩ chín chắn cho trí não.
Mỹ là nước đầu tiên có nền giáo dục không mất tiền, không theo tôn giáo nào. Giáo dục tiểu học là bậc giáo dục cưỡng bách cho trẻ từ 6 - 14 tuổi. Bậc trung học kéo dài 4 năm cũng không mất tiền, học sinh có thể thôi học sau 2 năm đầu, còn 2 năm cuối của bậc học này nằm luyện cho học sinh đi vào trường cao đẳng chuyên nghiệp. Bậc tiểu học không xếp lớp theo tuổi mà theo trí thông minh của trò. Trẻ có tinh thần kém thì học thủ công, trẻ có tư chất thông minh, lanh lợi thì giữa năm học có thể chuyển lên lớp cao hơn.
Hướng dẫn theo một chiều
Nếu ở 3 nước Pháp, Anh, Mỹ có nền giáo dục nhân bản và tự do với mục đích tôn trọng quyền cá nhân, tài năng và giải phóng tư tưởng cá nhân thì ngược lại trong nền giáo dục của các nước chuyên chế như Ý, Đức và Nga, tính cá nhân bị thủ tiêu trong đoàn thể. Giáo dục là lợi khí của chính phủ dùng quyền độc đoán rèn luyện thanh niên trở thành bầy tôi trung thành, công cụ đắc lực cho chính thể của mình.
Giáo dục ở các nước này đều chú trọng vào sự hoạt động của thanh niên. Nhưng ở Anh, Mỹ, đó là sự hoạt động tự do, được tự nhiên phát triển theo sở thích và tài năng của cá nhân, thì ở Ý, Đức và Nga luôn được hướng dẫn theo một chiều mà chính phủ đã định. Giáo dục ở Anh, Mỹ chú trọng rèn đức tính làm người, làm dân; còn ở Ý, Đức và Nga mục đích rèn luyện thanh niên thành lực lượng trung thành của một chủ nghĩa chính trị, một chính đảng, một chính thể nhất định.
TS Mai Văn Tỉnh
(nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT)
>> Một kỳ thi quốc gia: Các chuyên gia không chọn phương án nào
>> Năm 2030, giáo dục VN sẽ nằm trong top 5 khối ASEAN
>> Nguyên nhân khiến giáo dục VN chưa hội nhập quốc tế
Bình luận (0)