(TNO) Sáng ngày 28.4 trong cuộc gặp gỡ báo chí phía Bắc, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chủ động một số thông tin về chuyện tuyển chọn huấn luyện viên (HLV) trưởng cho đội tuyển Việt Nam. Nhưng, vấn đề khiến nhiều người vẫn lấn cấn chính là, ai chọn chứ không phải chọn ai bởi người chọn thật sự quan trọng lắm.
>> HLV Rajagopal không hay biết có lời mời dẫn dắt đội tuyển Việt Nam
>> HLV Calisto tái duyên cùng bóng đá Việt Nam, tại sao không!
>> Ứng viên HLV đội tuyển Việt Nam: HLV người Nhật áp đảo
HLV giỏi nhất, bị sa thải “nghiệt” nhất
|
Còn nhớ, ngày ký hợp đồng với HLV người Đức Falko Goezt, chính ông chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ đã hồ hởi phấn khởi tuyên bố: “Đây là HLV ngoại giỏi nhất mà VFF chọn từ trước đến nay”. Nghĩa là, từ ông Weigang đến A.Riedl hay Calisto đều không thấm tháp gì.
Để nhấn mạnh rằng sự chọn lựa của VFF có cơ sở, ông Hỷ nhấn mạnh: “Ông ấy đến từ một nền bóng đá tiên tiến, cũng như đã từng thi đấu và dẫn dắt cho những CLB tên tuổi”.
Và rồi ai cũng biết “thảm họa ngoại giao bóng đá” đã diễn ra khi sau thất bại ở SEA Games, “dụ” ông F.Goezt về nước nghỉ ngơi dịp lễ Giáng sinh, VFF đơn phương chấm dứt hợp đồng bằng cách nhờ Hội đồng HLV Quốc gia cho ý kiến chuyên môn.
Lý giải về quyết định của VFF, phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung nói: “Ở mọi quốc gia, việc một HLV phải chịu trách nhiệm sau thất bại của đội nhà là chuyện bình thường”.
Ông F.Goezt biết được tin mình bị sa thải qua báo chí ở Đức và ông đã nói, đây là cách cư xử thiếu tử tế của những người đàn ông.
Giờ, câu chuyện chọn HLV tiếp tục trở thành đề tài nóng và tất nhiên, câu hỏi muôn thuở vẫn được đặt ra nhưng có vẻ như chưa có lời đáp. Ai ở VFF đủ chuyên môn để chọn?
Quan chức VFF chỉ một người giỏi chuyện bóng đá
Nói thì nghe hơi buồn cười bởi VFF là tổ chức quản lý, điều hành cả một nền bóng đá mà hỏi chuyện ai đủ chuyên môn vẫn phải nhẩm tính mới lạ. Sau thời ông Hỷ, người có chuyên môn bóng rổ sang làm chủ tịch VFF, giờ bộ máy VFF còn khan hiếm người có chuyên môn hơn nữa.
Ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch VFF theo lý lịch tốt nghiệp cao cấp chính trị và đại học ngoại ngữ. Hiện ông đang làm về ngành ngân hàng. Phó chủ tịch Đoàn Nguyên Đức là ông bầu đội bóng HAGL nhưng lại nổi tiếng về chuyện kinh doanh chứ không phải là chuyên môn bóng đá.
Phó chủ tịch truyền thông, ông Xuân Gụ, người vừa phát biểu vào sáng 28.4 đầy mạnh mẽ về chuyện tuyển chọn HLV rằng: “Tôi có đọc báo thấy đề cập tới chuyện trung vệ người Pháp (Marcel Desailly). Tôi nói rằng chúng ta nên quên luôn chuyện này đi vì với những người như thế, chúng ta không bao giờ mơ tới. Tiền chúng ta chỉ mua được mớ rau muống mà lại muốn ăn thịt bò Kobe thì không bao giờ được”.
Dù phát biểu rất hoành tráng, nhưng ông Xuân Gụ cũng không phải là nhà chuyên môn, ông là phóng viên báo quân đội đã nghỉ hưu.
Ngay cả tân Tổng thư ký liên đoàn bóng đá nơi được coi là cần các mối hiểu biết chuyên về bóng đá thì ông Lê Hoài Anh cũng tốt nghiệp đại học thể dục thể thao, chuyên sâu… bơi lội. Người được coi là có chuyên môn nhất chính là ông Trần Quốc Tuấn nắm chức vụ phó chủ tịch VFF, phụ trách chuyên môn cũng xuất thân từ điền kinh rồi mới học bóng đá.
Cái khó ló cái khôn
Nhưng kể cả khi ông Tuấn giỏi bóng đá thật sự thì e rằng chuyện tuyển chọn HLV cho đội tuyển Việt Nam lần này cũng khó khăn khôn lường.
Khó bởi, trong sáng nay chính tổng thư ký Lê Hoài Anh đã lại nhắc lại “ý chí” mà ông Dũng đã chỉ đạo: “Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng nói rất muốn chọn một HLV Nhật Bản”.
Khó bởi, tiêu chí tuyển chọn HLV nghe cứ như tuyển nhà ngoại giao hay người mẫu, vì: “Nhật là nền bóng đá chuyên nghiệp hàng đầu châu Á. J-League là giải đấu thành công nhất châu Á. Năng lực của các HLV Nhật, khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật của họ ở trình độ rất cao. Yếu tố thứ ba được cân nhắc là sự tương đồng về văn hóa. Văn hóa Nhật Bản và Việt Nam rất gần gũi”.
Người ta vẫn chưa nghe một ai ở VFF dám hỏi lại, vậy người đến làm HLV cho đội tuyển Việt Nam cần đáp ứng tiêu chí nào về chuyên môn, cần thể hiện gì trong giáo án và đâu sẽ là nơi giám sát về mặt chuyên môn? Bởi lẽ, muốn nói chuyện chuyên môn phải biết chuyên môn mà giờ thì ai? Đừng nhắc đến Hội đồng HLV Quốc gia nhé, vì từ đó đến nay, hội đồng này có tồn tại một cách hiệu quả đâu.
Và trong cái khó ấy, cái khôn lại ló ra, đó là, các quyết định quan trọng sẽ được áp dụng đúng “sách” mà VFF vẫn hay làm. Quyết định tập thể và ban chấp hành phải họp để thống nhất chọn ai. Vậy nên, AFF Cup năm nay, trông hết vào may rủi, bắt đầu từ chuyện chọn HLV rồi, kiểu như rờ voi đoán trúng thì hên, vậy thôi.
Tất Đạt
Bình luận (0)