Chọn học lớp 10 ở trung tâm GDTX

Bích Thanh
Bích Thanh
23/07/2018 09:14 GMT+7

Không còn cảnh phải mòn mỏi chờ học sinh đến đăng ký như những năm trước, mùa tuyển sinh năm nay, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tại TP.HCM đang tuyển được thí sinh.

Có bao nhiêu học sinh (HS) hay bấy nhiêu và thời gian nhận hồ sơ đăng ký nhập học kéo dài đến sát ngày khai giảng nhưng cũng không đủ chỉ tiêu là tình cảnh của các trung tâm GDTX của những năm trước. Thế nhưng, vào thời điểm này, hầu hết các trung tâm đều tuyển được nhiều hơn và nhanh hơn HS lớp 10.
Ông Huỳnh Tấn Thanh, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An (Q.5), cho biết năm 2017, đến ngày khai giảng, trung tâm có tổng số 7 lớp 10. Nhưng năm nay thì khác, hiện tại mới chỉ cách thời điểm công bố điểm chuẩn lớp 10 hơn 10 ngày, trung tâm đã nhận được tổng số 9 lớp, mỗi lớp 45 HS. Ông Thanh nói thêm, từ nay đến thời gian kết thúc việc nộp hồ sơ, ít nhất trung tâm sẽ nhận được số lượng tăng khoảng 30% so với năm trước.

Bà Trần Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.12 cho hay, hiện tại trung tâm đã nhận được 550 HS và số lượng tăng hơn so với năm trước. Tuy nhiên, trung tâm vẫn tiếp tục tổ chức nhận hồ sơ, dự kiến đến ngày 10.8, để đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho HS.
Tương tự, lãnh đạo các trung tâm Q.Tân Bình, Q.Phú Nhuận... đều thông tin, tốc độ tuyển sinh năm nay nhanh hơn những năm trước. Những ngày đầu, sau khi Sở công bố điểm chuẩn lớp 10, biết không trúng tuyển, thí sinh đã nhanh chóng đến nộp hồ sơ đăng ký nhập học để ổn định. Ngoài ra, do số lượng HS lớp 9 năm nay tăng cao, dẫn đến tỷ lệ thí sinh không trúng tuyển 3 nguyện vọng lên đến khoảng 20.000 thí sinh cho nên nguồn tuyển vào hệ GDTX khá dồi dào.
Khi tư vấn cho HS về việc lựa chọn mô hình học tập phù hợp nếu không trúng tuyển lớp 10 công lập, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nói rằng việc học ít môn hơn hệ thống phổ thông giúp HS có nhiều thời gian nâng cao trình độ cũng là lợi thế của mô hình GDTX. Còn bà Trần Thị Huyền nói thêm, điều kiện vào học chỉ cần giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS, giấy tạm trú... Chương trình học nhẹ nhàng, không áp lực học thêm và được hưởng các chế độ, chính sách miễn, giảm học phí như HS trường công. Mặt khác, nếu cần, các em có thể vừa học văn hóa buổi tối, vừa làm thêm ban ngày để tăng thu nhập.
Ông Lâm Kế Chí, Giám đốc Trung tâm GDTX Q.1, cho rằng nếu xét về tính thực dụng thì học GDTX, trong chương trình không học một số môn như thể dục, công nghệ… HS có điều kiện tập trung vào ôn thi văn hóa hướng đến mục tiêu mà mình định ra. Nhưng xét về tính toàn diện thì HS có phần thiệt thòi vì không có nhiều hoạt động như trong các trường phổ thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.