Còn ai học ở trung tâm dạy nghề?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
23/05/2018 08:02 GMT+7

Có chức năng tổ chức dạy nghề và bồi dưỡng nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động, góp phần giải quyết việc làm ở địa phương nhưng đến nay đa số các trung tâm dạy nghề đang hoạt động lay lắt vì không mấy người học.

Vừa dạy vừa làm… hành chính
Các trung tâm dạy nghề tại TP.HCM hiện nay đều được sáp nhập với Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), Trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp và được đổi tên thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX.
Tại Trung tâm GDNN - GDTX Q.Tân Phú, ông Lưu Thanh Tòng (giám đốc) cho biết nếu như ở mảng GDTX, trung tâm có số lượng học sinh (HS) theo học thuộc dạng đông nhất khu vực TP.HCM, thì mảng nghề từ đầu năm đến nay chỉ có 9 người đăng ký học sơ cấp, tập trung ở nghề sửa xe máy và ô tô. Vì quá ít người học, nên trung tâm chỉ có một giáo viên vừa dạy vừa làm thêm công việc hành chính. Ngoài ra, có một nhân viên làm công tác tuyển sinh, một làm công tác văn phòng và một phó giám đốc quản lý.
“Nếu có người đăng ký học các ngành khác thì chúng tôi mời giáo viên từ các trường CĐ, trung cấp về dạy theo dạng thỉnh giảng. Vừa rồi, trung tâm mở một số lớp học dạy miễn phí, như cắm hoa… nhưng cũng không ai tới học cả”, ông Tòng nói.
Ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Q.11, cũng chia sẻ, những năm vừa qua trung tâm tuyển không được nhiều do phải cạnh tranh với các trường trung cấp, CĐ ở các quận xung quanh. Các trường này cũng có bậc sơ cấp, học xong nếu muốn thì học tiếp lên trung cấp, CĐ rất thuận lợi.
Thiết bị dạy nghề cũ kỹ, lạc hậu
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Thành Hiệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nhìn nhận: “Ở một số quận, các trung tâm dạy nghề được nâng cấp lên trường CĐ, trung cấp như quận 2, 3, 5, 12… Các trung tâm còn lại khó cạnh tranh nổi do tâm lý người học vẫn thích vào trường trung cấp học hơn vì ở đó cũng có sơ cấp”.
Trong khi đó, giám đốc một trung tâm GDNN - GDTX cho rằng, lý do mà các trung tâm không thu hút được người lao động tự do đến học nghề vì thiết bị dạy nghề cũ kỹ, lạc hậu, trong khi những nghề đó luôn phải cập nhật những công nghệ mới. “Ví dụ nghề sửa xe máy, nếu muốn cập nhật mô hình phun xăng điện tử phải mất vài chục triệu đồng trong khi chỉ vài người học, tiền học phí phải tăng lên nên không ai đăng ký nữa”, vị này giải thích.
Các trung tâm cùng liên kết
 Hiện nay lãnh đạo các trung tâm GDNN - GDTX đang tìm cách tháo gỡ khó khăn. Ông Trương Minh Tuấn cho rằng, nếu đi đúng hướng thì đào tạo sơ cấp ở các trung tâm GDNN sẽ giúp người lao động giải quyết việc làm rất tốt và hiệu quả do học chuyên về kỹ năng, thời gian ngắn, chi phí thấp.
“Có 3 khâu gồm tuyển sinh, đào tạo và giới thiệu việc làm, thì cái nào cũng phải tốt mới thu hút được. Thời gian tới chúng tôi sẽ cố gắng đầu tư không dàn trải, nghĩa là tập trung vào những nghề đặc thù của địa phương. Các trung tâm gần nhau nên liên kết với nhau để bổ sung thế mạnh cho nhau. Ví dụ ở quận này tập trung vào nghề sửa xe máy, quận kia tập trung nghề điện lạnh, quận khác chú trọng nghề tóc… Học viên nào cần học nghề gì thì giới thiệu đến trung tâm có dạy nghề đó. Tránh việc quận nào cũng dạy chừng đó nghề mà mỗi nghề chỉ vài người học”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, năm 2018 trung tâm sẽ tập trung vào một số nghề, bộ môn như thương mại dịch vụ, kỹ năng bán hàng, điện lạnh, hàn công nghệ cao thay vì dàn trải 13 nghề/bộ môn như trước.
Ông Lưu Thanh Tòng cho biết: “Chúng tôi dự kiến sẽ phối hợp liên kết với các trường trung cấp để dạy nghề và văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS. Một hướng khác là sẽ liên kết với các doanh nghiệp trong quận để đào tạo nghề theo nhu cầu, hoặc với các trung tâm dạy kỹ năng sống. Liên kết với trường ĐH để mở trung tâm tin học - ngoại ngữ cũng là một giải pháp mà chúng tôi đang nghĩ đến”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.