Chọn lọc hơn, chất lượng cao hơn

01/08/2011 17:15 GMT+7

Hè 2011, số học viên tham gia chương trình Học kỳ quân đội (HKQĐ) đã đạt mức kỷ lục tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam: hơn 3 ngàn người.

Chị Trần Thị Kim Liên - Phó giám đốc phụ trách trung tâm này chia sẻ:

Sau 4 năm triển khai, HKQĐ đã được đông đảo phụ huynh khẳng định là một trong những chương trình huấn luyện kỹ năng thực hành xã hội có uy tín, phương pháp giáo dục tiên tiến. Với tiêu chí “Thép đã tôi thế đấy”, HKQĐ bám sát 5 nội dung chính: Giáo dục tình cảm gia đình; Thể lực; Kỷ luật; Môi trường sinh thái; Cộng đồng xã hội.

Không chỉ được nhiều phụ huynh, học sinh tại TP.HCM tin cậy, chương trình này còn được Ban Bí thư T.Ư Đoàn cho nhân rộng ra 63 tỉnh, thành Đoàn và Ban Thanh niên quân đội. Đó là chưa tính đến nhiều du học sinh, Việt kiều ở gần 10 nước đăng ký tham gia. Chương trình cũng đã nhận được sự đồng thuận cao từ xã hội, trong đó có những đơn vị như Ngân hàng TMCP Quân đội đã đồng hành tích cực với trung tâm trong thời gian qua.

 
Dạy trẻ biết sống tự lập khi được rèn luyện trong môi trường quân đội - Ảnh: CTV

Tinh thần là không ôm đồm, mở đại trà nhiều lớp kỹ năng sống mà sẽ có sự chọn lọc, tập trung vào một số chương trình trọng tâm với chất lượng cao nhất

Chúng tôi xác định trong giai đoạn này vẫn lấy HKQĐ làm mô hình gốc, nền tảng để phát triển những mô hình khác mới lạ hơn, như: “Trui rèn và trưởng thành”; “Nông dân và tự lập”; “Tự tin và dũng cảm”; “Học làm người có ích”… Trong đó, tiếp tục thu hút hai độ tuổi: Từ 8 - 15 tuổi (lớp thiếu nhi); từ 12-20 tuổi (lớp Bộ binh, Hải quân sơ cấp và HKQĐ nâng cao). 

Làm thế nào để duy trì chất lượng những lớp kỹ năng sống tại trung tâm, trong khi có nhiều công ty, đơn vị khác cũng đua nhau mở, thưa chị?

Sau mỗi khóa đào tạo, học viên có sự thay đổi tiến bộ và cha mẹ ghi nhận sự thay đổi ấy thì có thể khẳng định là chương trình đó đạt hiệu quả tốt và chất lượng là có thật. Năm nay, dù số lượng các lớp học có quá tải nhưng hầu hết phụ huynh đều đánh giá cao. Theo tôi, để nhận xét một chương trình có thành công hay không phải dựa vào rất nhiều yếu tố: nội dung, phương pháp truyền đạt, hậu cần, chăm sóc sức khỏe, điều phối viên - tiểu đội trưởng hiểu tâm lý tuổi teen…

Những bài học kinh nghiệm nào được rút ra và điều chỉnh để những HKQĐ sắp tới có thể đạt kết quả cao hơn?

Năm nay có đến 60 chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội tại Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam. Chúng tôi thừa nhận đây đó đã có sự quá tải, dẫn đến công tác về nhân sự còn lúng túng. Rút kinh nghiệm, bắt đầu từ bây giờ, chúng tôi chủ động chuẩn bị kế hoạch kỹ lưỡng hơn. Tinh thần là không ôm đồm, mở đại trà nhiều lớp kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội mà sẽ có sự chọn lọc, tập trung vào một số chương trình trọng tâm với chất lượng cao nhất. 

Bên cạnh đó, nội dung “hậu chương trình HKQĐ” cũng sẽ được chăm chút để kết nối, tạo môi trường rèn luyện thường xuyên cho học viên sau khi các em kết thúc khóa đào tạo. Nhân đây, chúng tôi mong muốn quý phụ huynh cân nhắc chọn lựa khóa học phù hợp với tính cách, độ tuổi, khả năng… của con em mình. Mặt khác, sau khi các em trở về nhà, phụ huynh cần ghi nhận và khuyến khích tín hiệu thay đổi tích cực từ con em mình, dù sự thay đổi của một số em có thể còn chưa rõ rệt. Có sự hợp tác chặt chẽ từ phụ huynh thì việc huấn luyện, giáo dục các em mới đạt hiệu quả bền vững.

Nguyễn Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.