Nhu cầu đầu tư lớn nhưng vốn trong nước không đủ đáp ứng, chuyện vay nợ cũng là lẽ thường tình. Sở dĩ chúng ta phải đặt ra câu hỏi trên là bởi, việc sử dụng nguồn vốn vay trong những năm qua kém hiệu quả, dẫn đến rủi ro cho các khoản vay. Trong bối cảnh lần lượt nhiều nền kinh tế lớn tại châu u cũng đứng trước nguy cơ phá sản vì nợ công, cân nhắc vay tiếp hay ngưng lại các khoản vay nước ngoài là hết sức cần thiết và quan trọng. Bởi việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng, phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo.
Đặt trường hợp nếu chúng ta tiếp tục tăng vay nợ, đồng nghĩa với tăng đầu tư công, tăng chi tiêu của chính phủ... tất cả những điều này sẽ áp lực lên lạm phát, kéo theo hàng loạt các hệ lụy mà nền kinh tế đã và đang đối mặt. Quan trọng hơn, tăng vay nợ còn gia tăng thâm hụt ngân sách dẫn đến những rủi ro khó lường của các khoản nợ. Nhưng nếu chúng ta ngưng không vay nữa, chắc chắn mối lo về nợ công liên tục gia tăng theo từng năm đang gây tranh cãi sẽ giảm dần. Tuy nhiên, đi theo đó là nguồn vốn phục vụ cho đầu tư - phát triển đất nước sẽ bị hụt lớn.
Với một nước đang phát triển, "hổng" vốn cũng đồng nghĩa với việc "giậm chân tại chỗ", thậm chí là tụt hậu. Nói như vậy để thấy, cân nhắc vay hay không vay, là lựa chọn vô cùng khó khăn. Không chỉ VN, lựa chọn giữa tiếp tục vay hay không vay nợ nước ngoài cũng là vấn đề gây tranh cãi ở nhiều quốc gia trên thế giới như châu u, Mỹ với nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng tranh cãi cuối cùng vẫn phụ thuộc vào hiệu quả của các khoản vay. Thực tế đã chứng minh, nhiều nước có tỷ lệ nợ công lớn hơn nhiều so với GDP nhưng vẫn an toàn do chất lượng các khoản đầu tư cao. Trong khi không ít nước, tỷ lệ thấp hơn lại đối mặt với rủi ro bởi hiệu quả đầu tư thấp.
Năng lực quản lý kém, đầu tư dàn trải, phân bổ thiếu hợp lý... là những nguyên nhân khiến nợ công của VN dù vẫn an toàn về con số nhưng lại tiềm ẩn những rủi ro không thể coi thường. Vì vậy, trước khi có câu trả lời chính thức về việc tiếp tục vay hay không vay, chúng ta phải trả lời câu hỏi, liệu chúng ta đã sẵn sàng làm một cuộc cách mạng để thay đổi toàn bộ cơ chế quản lý, phân bổ, giám sát... đầu tư công hay chưa? Bên cạnh đó, phải có một đầu mối chịu trách nhiệm về hiệu quả đồng vốn đầu tư công. Nếu không, nợ công sẽ trở thành hậu họa khó lường mà cuộc khủng hoảng nợ công châu u đang diễn ra hiện nay là minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)