Nhiều phụ huynh cho con học tất tần tật các môn năng khiếu ở trường mầm non, trong khi đó nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng không nên.
Không bổ ngang cũng bổ dọc!
Hiện nhiều trường mầm non trên địa bàn TP.HCM dạy từ 3 - 5 môn năng khiếu để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh. Phần lớn các trường tổ chức học các môn như vẽ, nhịp điệu, võ thuật cho trẻ lớp mầm; âm nhạc, bơi và tiếng Anh cho trẻ từ lớp chồi trở lên… Học phí dao động từ 50.000 - 200.000 đồng/môn.
Qua trao đổi với nhiều phụ huynh, không ít người cho biết cho con học nhiều môn năng khiếu chỉ vì thấy người khác làm thì mình theo mà không xác định rõ nhu cầu thực của con. Chị Thanh Thúy, phụ huynh có con học tại Trường mầm non Họa Mi 3 (Q.5) cho biết, chị cũng đăng ký cho con học nhịp điệu và vẽ với mong muốn con mình nhanh nhẹn và cầm bút chắc. Tuy nhiên, chị Thúy thừa nhận, cho con học theo phong trào chứ không biết con có năng khiếu gì.
|
Tương tự, chị Mai Hương, phụ huynh có con học tại Trường mầm non Cô Giang (Q.1) cũng do dự trước nhiều chương trình học năng khiếu. Sợ con không được bằng bạn bè nên chị cho con học hầu hết các môn có ở trường. Chị Thanh Trúc, phụ huynh có con học tại Trường mầm non 15 (Q.11) thông tin rằng thấy con có năng khiếu về hát, nhưng trường không có môn thanh nhạc nên đành cho con học đàn.
Vì không biết chọn môn nào phù hợp với sở thích, năng khiếu của con nên nhiều phụ huynh quan niệm thôi thì cho con học hết, không bổ bề ngang cũng sang bề dọc.
Lợi bất cập hại
Không những thế, ngoài học năng khiếu ở trường, có phụ huynh còn cho con học thêm bên ngoài. Bà Lê Thị Lệ Vân - Hiệu trưởng Trường mầm non Họa Mi 3, cho biết: “Có phụ huynh vào khoảng 15 giờ (thay vì 16 giờ) rước con về cho đi học thêm môn năng khiếu bên ngoài, có người còn cho con học thêm toán dù tuổi bé chưa cần trang bị kiến thức môn này”. Nhiều phụ huynh nôn nóng, thấy con học đàn lâu quá mà không đàn được nên cho ra ngoài học thêm; học vẽ không đẹp lắm thì đến các nhà thiếu nhi để cho con rèn thêm…
Về vấn đề này, bà Lệ Vân khẳng định: “Trẻ trong độ tuổi mầm non, các chương trình năng khiếu chủ yếu giúp trẻ vui chơi và làm quen các kỹ năng cơ bản của môn học là chính chứ khó đòi hỏi kết quả cao từ các em. Phụ huynh không nên cho con học hết các môn năng khiếu vì sẽ khiến các em quá tải, rồi chán học. Tuổi các em cần nhiều thời gian vui chơi và phát triển tự nhiên”.
Ông Nguyễn Thanh Lương - Hiệu trưởng Trường mầm non 15 (Q.11) khuyên phụ huynh nên theo khả năng, sở thích của mỗi bé mà chọn cho phù hợp. Để trẻ tự nguyện học, sau đó quan sát thông qua giáo viên, nếu thấy bé không còn hứng thú thì không nên ép buộc bé học nữa.
Học tiếng Anh theo phong trào Suy đi tính lại nhiều lần, chị Phan Hoàng Anh (Q.Bình Thạnh) quyết định cho con đi học thêm tiếng Anh trước khi vào lớp 1 vì: “Chương trình tiếng Anh tự chọn nhẹ quá mà chương trình Cambridge lại sợ đường dài không kham nổi học phí. Thế nên chọn tiếng Anh tăng cường và cho cháu đi học thêm ngoài”. Khi con vào lớp 1, thấy các phụ huynh khác đều muốn cho con học lớp tăng cường tiếng Anh, dù chưa tìm hiểu và nắm thông tin về chương trình này nhưng chị Hoàng Ngọc Lương - phụ huynh Trường tiểu học Phan Văn Trị (Q.1) cũng "đăng ký luôn vì thấy ai cũng xếp hàng ". Chị Nguyễn Hoàng Châu đang làm việc tại ngân hàng ở Q.1 thì tìm mọi cách cho con được vào học chương trình tăng cường tiếng Anh vì "sĩ số ít, khoảng 30 - 35 học sinh, con mình được ngồi thoải mái, giáo viên có thời gian quan sát. Trong khi các lớp thường, sĩ số khoảng gần 50, chật chội quá". Trên diễn đàn của webtretho, anh Hoàng Hải Châu (Q.9) chia sẻ lý do khi cho con mình đi học thêm tiếng Anh bởi: "Theo xu hướng bây giờ thì các cháu nên học tiếng Anh từ bé bởi nhà trường không đáp ứng hết nhu cầu". (Bích Thanh) |
Hữu Tâm - Minh Luân
Bình luận (0)