Chọn ngành học cho tương lai: Ngành nào có thể tự tạo việc làm?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
08/03/2023 08:36 GMT+7

Không chỉ đi làm tại các doanh nghiệp, sinh viên tốt nghiệp các ngành như mỹ thuật, thiết kế, kiến trúc, kỹ thuật còn có thể tự tạo việc làm cao hơn hẳn nhiều ngành ở nhóm khác.

Đó là chia sẻ của các chuyên gia trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề "Chọn ngành học cho tương lai: Khối ngành kỹ thuật - mỹ thuật - kiến trúc - thiết kế" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 7.3.

Chương trình được phát trực tiếp trên website thanhnien.vn, fanpage facebook.com/thanhnien, kênh YouTube và TikTok của Báo Thanh Niên.

NHU CẦU CAO NHƯNG CÒN ÍT THÍ SINH LỰA CHỌN

Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, kỹ thuật - mỹ thuật - kiến trúc - thiết kế là nhóm ngành rất đặc biệt trong hệ thống đào tạo ĐH. Theo số lượng thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2022 có tổng cộng gần 2% thí sinh tham gia xét tuyển và trúng tuyển vào lĩnh vực này so với tổng thể toàn bộ hệ thống ngành học.

"Nhìn vào tỷ lệ này có thể chúng ta thấy rất thấp. Tuy nhiên đây là lĩnh vực hẹp nên con số này cũng không phải là quá nhỏ. Trên toàn quốc hiện có khoảng 40 trường đào tạo chuyên về kiến trúc và mỹ thuật. Điều đó cho thấy ngành này rất phát triển trong 10-15 năm qua. Bên cạnh nhu cầu đào tạo thì nhu cầu việc làm cũng rất lớn. Hiện có khoảng 8 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, xây dựng, kiến trúc và đến năm 2030 có thể lên đến 12-13 triệu. Số lượng lao động đào tạo ở VN hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, trong đó tỷ lệ tốt nghiệp ĐH chỉ 11% nên thị trường còn đang rất thiếu hụt nhân lực. Bên cạnh mỹ thuật, hội họa thì lĩnh vực thiết kế công nghiệp rất quan trọng, nhu cầu càng ngày càng lớn", tiến sĩ Hà Thúc Viên thông tin.

Chọn ngành học cho tương lai: Ngành nào có thể tự tạo việc làm? - Ảnh 1.

Các chuyên gia cùng trao đổi để chia sẻ những thông tin cần thiết cho thí sinh trong việc lựa chọn ngành nghề

NGỌC DƯƠNG

Mặc dù nhu cầu nhân lực của khối ngành kỹ thuật, mỹ thuật, kiến trúc rất cao, ra trường có việc làm ngay, nhưng theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, tỷ lệ các em chọn ngành kỹ thuật ngày càng có xu hướng ít lại. "Số lượng thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên ngày càng giảm dần, trong khi khối ngành kỹ thuật tập trung xét tuyển chủ yếu ở các tổ hợp môn có bài thi khoa học tự nhiên. Tỷ lệ chọi khối ngành này cũng thấp hơn so với sức khỏe, công nghệ thông tin, kinh tế quản lý", tiến sĩ Hải chia sẻ.

Hiện có khoảng 8 triệu lao động đang làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, xây dựng, kiến trúc và đến năm 2030 có thể lên đến 12-13 triệu. Số lượng lao động đào tạo ở VN hiện chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, trong đó tỷ lệ tốt nghiệp ĐH chỉ 11% nên thị trường còn đang rất thiếu hụt nhân lực.

Tiến sĩ Hà Thúc Viên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức

Tiến sĩ Hải cũng cho rằng đây là các ngành mà học xong sinh viên hoàn toàn có thể tự tạo việc làm với mức thu nhập rất cao.

CẦN TƯ DUY VÀ SÁNG TẠO

Trước thắc mắc về các ngành học liên quan đến mỹ thuật, kiến trúc, thiết kế cần các tố chất nào, PGS-TS Nguyễn Thị Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Kiến trúc - Nội thất - Mỹ thuật Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng những ngành học này rất cần khả năng tư duy và sáng tạo. Cụ thể, người học phải có khả năng sắp xếp không gian, bố cục thế nào để sản phẩm làm ra phù hợp và chạm vào cảm xúc, thẩm mỹ, có tính nhân văn, giúp khách hàng cảm thấy thoải mái, thư giãn khi sử dụng. Năng lực tư duy không gian và năng lực sáng tạo, yếu tố nghệ thuật quan trọng hơn là sử dụng công nghệ để vẽ 3D…

PGS-TS Hạnh Nguyên nhận định: "Nếu có năng khiếu vẽ thì các em sẽ thuận lợi hơn, tuy nhiên trong quá trình học các em vẫn có thể rèn luyện và nỗ lực. Quan trọng là các em có đam mê thực sự, có khả năng tư duy và sáng tạo, có tính thẩm mỹ vì từ ý tưởng đi đến bản vẽ và ra thực tế là cả một quá trình, là một chuỗi tư duy".

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tài chính, cũng cho rằng nếu không có tính sáng tạo, thẩm mỹ và tư duy thì sẽ rất khó phát triển nghề nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật, thiết kế. Chưa kể người học phải biết sử dụng các công cụ phần mềm hỗ trợ để giúp cho sự sáng tạo bay bổng hơn.

Chọn ngành học cho tương lai: Ngành nào có thể tự tạo việc làm? - Ảnh 3.

Thí sinh dự thi năng khiếu vào khối ngành mỹ thuật, kiến trúc

ĐÀO NGỌC THẠCH

Tiến sĩ Võ Thanh Hải lưu ý để xét tuyển vào ngành kiến trúc, mỹ thuật, thí sinh bắt buộc phải thi môn vẽ mỹ thuật. "Nếu được rèn luyện vẽ ít nhiều từ bậc phổ thông thì các em sẽ có thuận lợi hơn trong kỳ thi năng khiếu và điểm rất cao do các em biết được bố cục, ánh sáng, trình tự thể hiện, cảm nhận không gian… Nếu thí sinh chưa bao giờ đặt bút vẽ bất cứ lần nào thì cơ hội đạt điểm trung bình đã là khó. Vì thế, các em cũng nên tham gia một khóa luyện vẽ trước khi thi. Tuy nhiên, vẫn có những ngành ở một số trường các em không nhất thiết phải thi vẽ như thiết kế đồ họa, có thể xét các tổ hợp môn thuộc khối A, A1, D…", theo tiến sĩ Hải.

Nói về việc có cần năng khiếu vẽ khi chọn học ngành này, tiến sĩ - kiến trúc sư Trần Trung Hiếu, giảng viên khoa Kiến trúc - Mỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay cách đây 20 năm thì vẽ là yêu cầu tối thiểu phải có đối với một kiến trúc sư và nhà thiết kế nội thất. "Lúc đó phải sử dụng chính đôi tay để thể hiện bản vẽ. Nhưng hơn 10 năm nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển và có sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo…, việc vẽ bằng tay không còn quá quan trọng. Tuy nhiên các em vẫn được rèn luyện vẽ ở trường ĐH. Việc vẽ ở đây không phải là vẽ một bức tranh đẹp, mà chính là thời gian rèn luyện tính kiên nhẫn. Đây là phương pháp gần nhất để chạm tới cảm xúc thẩm mỹ", tiến sĩ Hiếu nhận định. 

Đào tạo theo hướng ứng dụng để tốt nghiệp làm việc được ngay

Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Trường ĐH Việt - Đức xét tuyển 7 ngành, trong đó có 5 ngành thuộc nhóm kỹ thuật, kiến trúc gồm kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện và máy tính, khoa học máy tính và kiến trúc.

"Cấu trúc chương trình đào tạo được thiết kế rất rộng và có tính chuyên sâu giúp kiến thức các em không bị mai một trong một thời gian dài sau khi tốt nghiệp. Dựa trên nền tảng kiến thức rộng đó, các em có thể tiếp tục học để phát triển nghề nghiệp trong một lĩnh vực chuyên sâu", tiến sĩ Viên chia sẻ.

Trường ĐH Duy Tân dành 1.200 chỉ tiêu trên tổng số hơn 6.000 chỉ tiêu để xét tuyển các ngành về kỹ thuật, mỹ thuật, kiến trúc, thiết kế như kỹ thuật điện, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, kiến trúc... với các phương thức xét tuyển như dùng điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ... Riêng khối ngành kiến trúc trường tổ chức thi tuyển môn vẽ mỹ thuật cho khối V (toán, lý, vẽ).

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển các ngành thiết kế nội thất, thiết kế đồ họa, kiến trúc và dự kiến mở ngành thiết kế cảnh quan. Trường xét tuyển dựa trên 4 phương thức: dùng kết quả thi tốt nghiệp THPT, kết quả học bạ, điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và xét tuyển thẳng.

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM xét các ngành kỹ thuật xây dựng, quản lý xây dựng, kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế thời trang… "Trường đào tạo mang tính ứng dụng cao và ngay từ khi bước vào giảng đường, sinh viên đã được tiếp xúc, kết nối với doanh nghiệp, nhằm mục tiêu các em ra trường sẽ làm được việc ngay", tiến sĩ - kiến trúc sư Trần Trung Hiếu, giảng viên khoa Kiến trúc - Mỹ thuật Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin.

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM xét tuyển ngành thiết kế đồ họa ở các tổ hợp môn toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, văn, tiếng Anh và toán, văn, lý với các phương thức xét điểm tốt nghiệp THPT, điểm năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm học bạ. Năm 2023 trường có học bổng doanh nghiệp trị giá 30% học phí toàn khóa học cho 13 ngành học, trong đó có ngành thiết kế đồ họa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.