Chọn ngành học có cần quan tâm giới tính?

Hà Ánh
Hà Ánh
24/05/2019 08:01 GMT+7

Nhiều ngành học ngay từ đầu không có quy định ràng buộc về giới tính nhưng thực tế trên giảng đường vẫn vắng bóng sinh viên nam hoặc nữ do đặc thù nghề nghiệp.

Những lớp học chỉ có... một giới

Tình trạng mất cân đối về giới tính vẫn diễn ra trong thực tế một số giảng đường. Chỉ riêng số liệu thống kê sinh viên (SV) hệ chính quy trong phạm vi ĐH Quốc gia TP.HCM tính đến đầu năm 2018 cho thấy tỷ lệ SV đang chênh lệch rất lớn về giới tính ở một số trường. Cụ thể, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn chỉ có 19,3% nam sinh trong khi nữ SV chiếm tới 80,7%.

Ngược lại, Trường ĐH Bách khoa có tới 81% nam và chỉ 19% nữ. Tỷ lệ này còn cao hơn ở Trường ĐH Công nghệ thông tin khi có gần 90% SV nam và chỉ hơn 10% nữ. Thống kê này còn cho thấy số nam sinh theo học tại Trường ĐH Bách khoa nhiều bằng tổng số nam sinh các đơn vị khác của ĐH Quốc gia TP.HCM cộng lại (với gần 16.000 người tính đến đầu năm nay).
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết ngành có tỷ lệ SV nam nhiều nhất của trường là cơ khí. “Có những lớp học chỉ toàn nam giới, không có bóng dáng của SV nữ nào. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ diễn ra với ngành kỹ thuật cơ khí, các ngành khác thuộc khoa cơ khí vẫn có SV nữ như: kỹ thuật logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật dệt may...”, ông Thắng cho hay.
Hộ sinh cũng là một ngành đào tạo đặc thù về giới tính. Thạc sĩ Hoàng Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, thông tin trước đây Bộ Y tế quy định rõ tên ngành đào tạo là “nữ hộ sinh” nên khi còn đào tạo bậc TC và CĐ trường chỉ tuyển thí sinh nữ. Nhưng hiện tại trong mã ngành mới của Bộ Y tế, tên ngành đã bỏ đi giới hạn giới tính chỉ còn “hộ sinh” nên trường không quy định giới tính. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay khi đào tạo bậc ĐH chuyên ngành này không có SV nam nào theo học.
Tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, giáo dục mầm non cũng có sự chênh lệch cao về giới tính người học. Mỗi khóa trường đào tạo khoảng 200 SV nhưng chỉ có 1 - 2 người là nam giới. Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho hay ngành học này không hạn chế giới tính, tuy nhiên vì tâm lý nghề nghiệp nên người học nữ giới chiếm đa số.

Cần lưu ý về đặc thù công việc

Ngành đào tạo không hạn chế về giới tính nhưng thí sinh vẫn cần cân nhắc đến đặc thù công việc khi lựa chọn ngành học, đó là lời khuyên của đại diện nhiều trường.
Theo tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt - Đức, dù quá trình học tập không trở ngại gì nhưng thí sinh nữ vẫn nên tìm hiểu rõ trước khi quyết định học ngành cơ khí. Bởi ngành này có nhiều kiến thức rất khó và khối lượng chương trình học nặng hơn nhiều ngành khác.
Lời khuyên chung cho thí sinh khi chọn ngành, thạc sĩ Lê Phan Quốc nói: “Ngành học không hạn chế giới tính nhưng với một số ngành nghề đặc thù, người học cũng cần có sự cân nhắc nhất định về những đòi hỏi giới tính trong việc đáp ứng yêu cầu công việc khi đi làm sau này. Đặc biệt là những công việc đòi hỏi sức ép lớn”.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng có góc nhìn khác khi cho rằng hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển đến mức cho phép nam và nữ đều có thể làm việc như nhau. Chẳng hạn, những ngành như cơ khí hạng nặng ngày nay cũng chuyển sang sử dụng máy móc để điều khiển. Ông Thắng nhấn mạnh: “Các ngành kỹ thuật hiện đòi hỏi năng lực về trí óc nhiều hơn cơ bắp nên sự phân biệt giới tính không còn nặng nề như trước đây”.
“Không có bất cứ sự phân biệt nam nữ nào trong thông báo tuyển dụng cho các vị trí kỹ sư kỹ thuật, tuy nhiên tùy theo đặc thù nghề nghiệp và môi trường làm việc ứng viên sẽ quyết định lựa chọn phù hợp với sở thích bản thân”, ông Thắng thông tin thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.