Chọn ngành học là đầu tư cho tương lai

Hà Ánh
Hà Ánh
23/02/2018 09:28 GMT+7

Tư vấn hướng nghiệp cho thanh thiếu niên là 1 trong 10 đề án mà Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI đặt ra cùng với nhiều giải pháp để hỗ trợ thanh niên chọn ngành nghề, nâng cao kiến thức, kỹ năng tạo việc làm...

Chọn ngành học chính là sự lựa chọn tương lai. Công việc này đòi hỏi sự đầu tư thực sự nghiêm túc mới mong có được lựa chọn đúng đắn.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho rằng quan trọng nhất khi bắt đầu chọn ngành học là phân biệt được ngành và nghề. Trong đó, ngành học để lấy kiến thức chuyên môn phục vụ nghề (những vị trí công việc cụ thể). Thông thường học một ngành có thể làm được nhiều nghề khác nhau. Ví dụ cùng tốt nghiệp ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông nhưng có người sẽ là kỹ sư giám sát trực tiếp các công trình, có người chọn theo hướng kỹ sư thiết kế làm việc trong văn phòng…
Nhưng trong một số trường hợp, làm một nghề có thể tốt nghiệp từ nhiều ngành học khác nhau. Ví dụ thực tế có nhiều nhà báo tốt nghiệp từ nhiều ngành học như: báo chí, ngữ văn, ngôn ngữ học, sư phạm, ngôn ngữ Anh, luật, kinh tế, thậm chí các ngành kỹ thuật…
Từ những phân tích này, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ cho rằng: “Để chọn một ngành học phù hợp cần tìm xác định được công việc yêu thích. Trong trường hợp chưa có sự xác định này thì có thể lựa chọn ngành học dựa trên một nhóm lĩnh vực nghề nghiệp. Sau 4 năm học tập, tùy vào nhu cầu thị trường lao động trong thời điểm cụ thể sẽ quyết định nghề mình theo đuổi”.
Tương tự, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cũng đồng ý rằng ngành khác nghề. Số lượng ngành học được đào tạo tại các trường ít nhưng thực tế nghề rất nhiều. Thậm chí có những nghề không có ngành đào tạo chính thức nhưng vẫn tồn tại như logistics nhiều năm trước đây. “Bậc ĐH đào tạo kiến thức tổng quát, sinh viên ra tốt nghiệp một ngành có thể làm được nhiều công việc khác nhau. Do vậy thực tế có những nghề người lao động có thể tốt nghiệp từ nhiều ngành khác nhau. Ví dụ làm du lịch có thể tốt nghiệp từ nhiều ngành: du lịch, lịch sử, xã hội học, Đông phương học…”, tiến sĩ Thông nói.
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nói: “Đào tạo ĐH hiện nay rất tổng quát, học một ngành nhưng có thể làm nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, một số ngành nghề phải học đúng ngành mới có năng lực chuyên môn để làm việc và gần như không có sự chuyển đổi công việc như bác sĩ, kỹ thuật…”.
Từ những phân tích trên, các chuyên gia rút ra rằng, vấn đề quan trọng là hiểu rõ ngành học và những cơ hội việc làm của ngành đó ngay khi bắt đầu lựa chọn.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ nhấn mạnh: “Theo đúng quy trình, thí sinh cần lựa chọn ngành học trước rồi đến bậc học, trường thi. Việc chọn bậc học và trường học phải căn cứ vào học lực so với điểm trúng tuyển các trường hằng năm. Trong trường hợp học lực ở mức vừa phải, thí sinh có thể lựa chọn bậc học thấp hơn rồi liên thông để theo đuổi ngành yêu thích chứ không nên bằng mọi cách để trúng tuyển ĐH”.
Những yếu tố chọn ngành học
Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, chọn ngành học chính là chọn tương lai vì nghề nghiệp sẽ gắn bó suốt cuộc đời con người. Do vậy, để lựa chọn ngành học phải đảm bảo 2 tiêu chí: Mong muốn và phù hợp. Nếu trong trường hợp bắt buộc phải chọn một trong 2 tiêu chí trên thì nên chọn ngành mong muốn để có động lực vượt lên mọi khó khăn. “Có những công việc bản thân người làm phải có sự đam mê chứ không chỉ đòi hỏi chuyên môn tốt. Chẳng hạn một kỹ sư phần mềm giỏi chưa hẳn là người được đào tạo bài bản, thạo nghề mà đòi hỏi phải thực sự say mê và sáng tạo. Do vậy ưu tiên đáng chú ý khi chọn nghề chính là sự say mê”, ông Hồng nói.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng quan trọng nhất khi chọn ngành học là phải biết mình thích gì và mong muốn làm công việc gì trong tương lai. Trên cơ sở đó mới lựa chọn ngành học, trường đào tạo phù hợp với năng lực và điều kiện kinh tế gia đình. “Thí sinh phải tìm hiểu thật kỹ thông tin ngành nghề muốn theo học, không nên nghe một chiều tránh tình trạng theo học ngành không phù hợp. Thực tế đã có không ít sinh viên sau một thời gian học đến xin chuyển ngành vì không phù hợp, trong đó có những ngành điểm trúng tuyển rất cao”, tiến sĩ Hạ lưu ý.
Để xác định được ngành học phù hợp và đúng sở thích, theo thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, thí sinh có thể tham khảo các phần mềm trắc nghiệm ngành nghề. Bên cạnh đó là tham khảo ý kiến cha mẹ, thầy cô, người đi trước và đặc biệt là những người đang làm công việc mình dự định theo đuổi để có trải nghiệm thực tế.
Còn tiến sĩ Lê Chí Thông khuyên: “Chọn đúng ngành là phải thích và có khả năng. Khả năng ở đây là giỏi những môn học để có điểm thi tốt trúng tuyển đầu vào và cả những năng lực chuyên môn sau quá trình học ĐH để làm việc. Chẳng hạn học ngành kiến trúc nhất thiết phải vẽ đẹp và có năng khiếu về mỹ thuật. Ngoài ra cần tính thêm các yếu tố như điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội với công việc đó trong tương lai”.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, tư vấn: “Chọn ngành nghề là lựa chọn tương lai nên cần sự đầu tư nghiêm túc, không được làm theo cảm tính và thiếu suy nghĩ. Việc chọn ngành nghề không phù hợp sẽ không tạo động lực để có được sự tâm huyết và sáng tạo trong công việc.
Đừng ảo tưởng về ngành học
Chị Lương Thị Tiệp, 33 tuổi, thạc sĩ ngành khoa học cây trồng, Học viện Nông nghiệp VN, hiện đang công tác tại Phòng Nông nghiệp, UBND H.Việt Yên, Bắc Giang, cho biết: “Có đến hơn 50% sinh viên trong lớp ĐH của ngày trước hiện đã bỏ ngành nghề đã học để làm trái ngành vì “sốc”, thấy thực tế không giống những gì được học”. Chị Tiệp cho hay các sinh viên hiện tại khi chọn lựa ngành học liên quan lĩnh vực nông nghiệp không nên ảo tưởng công việc tương lai sẽ nhàn hạ mà cần xác định rõ sẽ phải vất vả, cống hiến để được thành quả nhất định.
“Học ngành nghề gì cũng cần yêu nghề, đặc biệt với nông nghiệp, nếu không yêu nghề rất khó để theo đuổi tận cùng. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng cần trang bị nhiều kiến thức các lĩnh vực, kỹ năng mềm để có thể gia tăng cơ hội nghề nghiệp cho mình khi ra trường”, chị Tiệp đưa lời khuyên.
Thúy Hằng
Giới thiệu việc làm cho thanh niên
Nhiệm vụ, giải pháp công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi nhiệm kỳ 2017 - 2022: Nâng cao nhận thức, năng lực của cán bộ Đoàn các cấp về công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên. Xây dựng và triển khai các giải pháp có tính đột phá trong tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh từ bậc THCS đến THPT. Tổ chức các ngày hội, hội chợ việc làm cho sinh viên; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, thanh niên khuyết tật, thanh niên hoàn lương, bộ đội xuất ngũ; thanh niên xuất khẩu lao động. Tăng cường giáo dục thanh niên có thái độ tích cực đối với công việc, chủ động rèn luyện kỹ năng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp. Hỗ trợ thanh niên nâng cao kiến thức, kỹ năng tạo việc làm. Tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm cho thanh niên, hỗ trợ và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm do Đoàn quản lý…
Khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm, vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và vận động các nguồn xã hội hóa để hỗ trợ vay vốn cho thanh niên làm kinh tế. Tăng cường phát hiện, hỗ trợ, nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả tại địa phương.
Trích Báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.