Chọn nghề giáo để trả ơn đời

Thúy Hằng
Thúy Hằng
23/11/2020 08:31 GMT+7

Chọn nghề giáo để thực hiện được ước mơ của mẹ và chị còn dang dở, theo sư phạm để truyền cảm hứng sống, làm người tử tế cho những em nhỏ trên quê hương. Đó là cách trả ơn đời của nhiều người trẻ .

Một trong những khoảnh khắc mà thầy giáo trẻ Lê Văn Nam luôn mỉm cười khi nhớ lại, đó là lễ tốt nghiệp, nhận bằng tốt nghiệp Trường ĐH Sài Gòn ngành sư phạm hóa học, có mẹ đứng ở bên.
Những năm tháng ấu thơ, thầy Lê Văn Nam (25 tuổi, giáo viên hóa học Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã luôn được nghe ba mình kể về mẹ. Mẹ học giỏi, có nhiều năng khiếu nhưng do bà ngoại quá nghèo không có tiền, nên mẹ có ước mơ làm cô giáo dạy văn mà không thực hiện được. Chị gái tôi cũng ước mơ làm cô giáo ngoại ngữ nhưng phải bươn chải giữa dòng đời để lo cho cuộc sống gia đình. “Vì thế, tôi càng nung nấu hơn ước mơ phải theo nghề giáo. Tôi nhìn thấy sự hy vọng trong ánh mắt của mẹ, sự trông mong trong giọt mồ hôi của ba và cả sự kỳ vọng trong tiếng la mắng của chị”, Nam nhớ lại.
Nam không ngừng đổi mới cách giảng dạy để học trò thấy môn hóa gần gũi với cuộc sống hơn bao giờ hết. Anh cho học trò thiết kế Facebook cho các nguyên tố hóa học, cùng học trò bắt “trend” trên mạng xã hội để tiết học nhiều tiếng cười hơn. Nam nói với các học trò, muốn học tốt thì điều đầu tiên là “đi học phải vui, xem trường là nhà”. Ở góc độ khác, chính anh cũng thấy mình “đi dạy luôn vui, xem trường là nhà”. Nam bộc bạch: “Mỗi tiết học, khi tôi được đứng trên bục giảng với cương vị một người thầy, trong tôi có cả hình bóng của mẹ và chị tôi”.
Ngày mà Bùi Thị Nhung, 18 tuổi, cựu học sinh Trường THPT Y Jút (H.Cư Kuin, Đắk Lắk) đậu ngành sư phạm ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, người vui nhất là cha mẹ cô, những người cả cuộc đời gắn chặt với những gốc cà phê ở buôn làng.
Nhung biết ơn thầy giáo chủ nhiệm, người dạy toán, luôn quan tâm hoàn cảnh học trò, động viên các em đi theo ngành mà các em có thế mạnh, Nhung mơ ước được làm nghề giáo như thầy. “Ngày trước, lớp của tôi luôn bị đánh giá là nghịch ngợm nhất, bướng nhất, nhiều thầy cô “ngán” nhất, nhưng thầy chủ nhiệm đã trò chuyện với từng em, khuyến khích các em học tập. 100% lớp tôi đã thi đậu ĐH năm vừa qua”, Nhung kể.
“Đằng sau mỗi học trò là một hoàn cảnh đặc biệt, nếu chúng ta chỉ quan sát bằng con mắt định kiến, phán xét bên ngoài, chúng ta có thể hiểu sai các em và có khi đã bỏ qua những người cần giúp đỡ. Một trong những điều thôi thúc tôi phải trở thành cô giáo là muốn có cơ hội được hiểu hơn về những em nhỏ quanh tôi, có thể giúp các em thực hiện được ước mơ của mình”, Nhung chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.