Trong một lần phỏng vấn, một em sinh viên hỏi tôi: “Bạn trai em muốn học nghề cầu đường, nhưng cha bạn muốn bạn học y, vào làm bác sĩ. Cả nhà ai cũng là bác sĩ, dược sĩ, rất dễ xin việc. Bạn bị ép quá, bỏ nhà đi, hung hăng cãi cha mẹ. Em không biết làm sao để giúp bạn?”
Con thi bên trong, cha mẹ dõi theo hồi hộp ở bên ngoài - Ảnh:Độc Lập
|
Cuộc chiến của những người thương yêu nhau
Câu hỏi của bạn sinh viên đó có lẽ sẽ không ai trả lời được. Một người trẻ mới vào đời, cái bình khát vọng và những mong ước với con đường của bản thân thường rất lớn. Ở Việt Nam, kỳ thi đại học/THPT 18 tuổi đã đẩy những người trẻ lớn xác nhưng tâm hồn chưa chín chắn vào cuộc lựa chọn “một mất một còn”. Ở đây, cả phụ huynh cũng nhìn nhận cuộc chọn nghề này là “một sống hai chết”. Không bố mẹ nào muốn con chết, nên như bản năng che chở của phụ huynh, họ lao ra và bắt con chọn một cái nghề theo các tiêu chí: Bố mẹ có thể dễ dàng xin việc, dễ làm, dễ thuổng được tiền, dễ cưới chồng/vợ sau khi có việc.
Điểm mù trong cuộc xung đột này đã làm nhiều cuộc đời trẻ tan nát bầy nhầy trước khi kịp bắt đầu. Người ta chứng kiến cuộc thất nghiệp của đội quân lao động khổng lồ theo xu hướng “dễ xin việc” mà không dựa vào khả năng hay trình độ của người làm việc. Có thời, người trẻ nào cũng đua đi học quản trị kinh doanh cho bằng được xong ngồi trơ đầu không ai thèm gọi làm việc. Những giáo viên chọn nghề giáo vì được miễn học phí, sau đó dở khóc dở cười xung đột với Sở Giáo dục khi bị điều động đi dạy ở nơi không như ý. Nhiều giáo viên (vốn chọn nghề chỉ vì cha mẹ dễ kiếm việc giùm, chứ tuyệt nhiên không yêu trẻ con) đã trở thành kẻ sẵn sàng đấm đá học trò ngay trong lớp học. Những điều dưỡng học đại nghề ở một ngôi trường cẩu thả nào đó vì cha mẹ “có gốc” trong bệnh viện, đã hóa thành những người không quan tâm đến y đức và nhầm cả lọ thuốc khi bơm tiêm, làm bệnh nhi chết tức tưởi.
Sự sụp đổ giá trị nghề nghiệp có thể đổ lỗi từ nhiều nguyên do. Nhưng một nguyên do lớn trong số ấy bắt đầu từ bước đầu tiên chọn lựa sự nghiệp, người trẻ không được chọn thứ họ thực sự yêu, cần và vừa sức, mà phải bóp méo bản thân theo nhu cầu của những đối tượng khác – bên ngoài họ.
Những cha mẹ độc tài
|
Cho đến ngày phải chọn nghề nghiệp để con cái bước vào đời, họ vẫn ứng xử và coi đứa trẻ ấy như thằng nhỏ lên ba. Nếu con không chọn nghề cha mẹ muốn, cha mẹ sẽ không cho tiền học. Nếu con không vào đại học Y được, thì nghỉ ở nhà luyện thi 1 năm nữa, cấm đi học ngành khác. Nếu con học làm thầy giáo, nhà mình khỏi lo học phí, bác làm ở sở, sẽ có ngay việc cho con khi ra trường. Áp lực trong các cuộc “làm giá” nghề nghiệp này đôi khi tàn bạo với người con đến mức tưởng như ngoài chợ tôm, chợ cá hay một đòn trừng phạt thằng nhóc đòi kẹo khóc ngằn ngặt lúc 3 tuổi. Con muốn ăn kẹo à, mẹ không muốn, xòe tay ra cho mẹ đánh. Và bà thoải mái tát vào bàn tay thằng bé đang khóc đòi kẹo. Trong phiên bản người lớn của câu chuyện, bà mẹ và ông bố biết mình có gì. Họ có tiền và quyền cha mẹ. Họ chỉ cần cắt tiền. Đứa con sợ ngay. Tệ hơn, họ nói nếu đi học ngành nó thích, thì khỏi nhìn mặt cha nữa. Chẳng đứa con 18 tuổi nào đủ can đảm xách gói rời khỏi nhà, nó chưa biết làm gì ăn, nó cũng không dám từ cha từ mẹ. Nó sẽ cắn răng đi học cái ngành cha mẹ mong muốn.
Sau 4 năm đại học, nhiều thằng “nổi loạn” bỏ học ngang xương vì rõ ràng có phải ngành nó muốn đâu, càng học càng rối. Coi như đời thằng nhỏ bơi lại từ đầu cái quãng mà bạn bè nó đã bơi qua, phải học lại ngành gì đó, ngồi trong một lớp học toàn “bạn con nít” – nhiều người không chịu nổi, bỏ ra đời lông bông, mãi là đứa trẻ không lớn của cha mẹ, không nghề nghiệp, không đam mê. Tiền thì cứ ngửa tay xin cha mẹ như thuở lên ba đòi kẹo.
Chăm chút cho con đến từng chi tiết trước giờ vào thi là hình ảnh thường gặp của các bậc cha mẹ - Ảnh: Nguyển Tuấn
|
Kịch bản bớt bi kịch hơn là những thanh niên vẫn thành nghề, có việc làm (theo ý cha mẹ, theo chỗ cha mẹ sắp đặt), nhưng suốt ngày rên rỉ không yêu nghề, bất hạnh, không đam mê, cũng không biết… làm gì khác.
Kịch bản sáng sủa nhất dành cho những thanh niên mạnh mẽ nhất. Dù phải học lại nghề, làm việc trái ngành, chúng cũng cắn răng chạy theo những người mới mẻ trong ngành yêu thích, tự học lại từ đầu và lao lên phía trước làm việc mà không có bố mẹ nào cản được. Trong kịch bản này, bố mẹ dường như không hài lòng. Hên xui thì nó kiếm ra tiền và tự nuôi sống bản thân được, nhưng vất vả gấp đôi!
Vậy đây có phải là tương lai mà cha mẹ yêu con tận hiến mong ước không?
Những người trẻ không chủ động
Trong khi đó, những người trẻ làm gì khi phải “đập đầu” vào bức tường sự nghiệp trước mặt họ?
|
Một số bạn trẻ chọn nghề vì… không biết chọn cái gì, cha mẹ chọn cho thì chọn đại.
Một số khác chọn nghề vì được bọc dưỡng sẵn trong tham vọng của người lớn, họ sẽ là “cơ cấu” tiếp theo trong vị trí “con quan, sẵn tiền” mà chức vụ của cha mẹ đảm bảo cho họ.
Một số chọn nghề vì… không thể chống lại ý cha mẹ.
Rất ít thiếu niên, kể cả thành thị, được người thân, thầy cô chỉ dẫn, và chính bản thân ý thức phải tự tìm hiểu điều gì họ sẽ phải làm, khi tương lai ập đến sau kỳ thi đại học.
Những câu hỏi nặng cảm giác thiếu trách nhiệm với bản thân xuất hiện đầy rẫy trên các diễn đàn học hành: “Mấy điểm bách khoa thì dễ đậu các anh chị ơi? Học Nhân học là làm gì vậy ạ? Em muốn theo công nghệ sinh học, mà em không biết công nghệ sinh học để làm gì hết?” – Nếu những câu hỏi này được đặt vào khoảng 15 năm trước, người viết bài sẽ rất thông cảm cho các em, vì khi đó sự thiếu thông tin và công cụ đẩy những sinh viên trẻ vào con đường tù mù không biết phải chọn cái gì. Hệ quả có thể rất thảm thương, hoặc bức bối nếu bạn trẻ chọn sai nghề.
Nhưng giờ là năm 2015, hàng trăm người trẻ 18 tuổi vẫn lơ ngơ như gà đeo nơ, đi hỏi lung tung những thông tin truyền miệng về những thứ mình cần. Đã có internet để chơi Facebook, chơi Zalo, Google phim ảnh, truyện tranh cả ngày, họ vẫn không trang bị cho mình thói quen chủ động tìm kiếm một sự nghiệp vốn sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời trước mặt của mình.
Hãy để người trẻ được tự quyết định cuộc đời mình, mà bước đi đầu tiên là được chọn ngành nghề mình yêu thích - Ảnh: Độc Lập
|
Các trường đại học đăng điểm chuẩn đầy rẫy hằng năm. Nhiều ngành học hiếm còn cố gắng quảng cáo khắp nơi để người học biết đến họ. Cả các khóa học ít tiền, thời gian ngắn cũng xuất hiện khắp các ngành nghề để bổ trợ cho kiến thức đại học lỗi thời và ít ỏi. Nhưng người trẻ không đi tìm, dẫu họ đã chơi internet từ năm lớp 3, nhưng đến lớp 12 vẫn không truy tìm đâu ra sự nghiệp mình muốn theo đuổi. Họ hỏi những câu vu vơ, lười biếng, không định hướng. Họ chống cự với bố mẹ là: “Con không thích học ngành này, vì không hợp với con!” – nhưng cũng chẳng chịu đi tìm thông tin để chống cự lại những kỳ vọng ít ỏi của cha mẹ.
Tại sao những người trẻ lại kỳ lạ vậy? – Các bạn học rất nhanh về tự do yêu đương, tự do tình dục, tự do thể hiện, nghe đủ loại nhạc tìm từ khắp nơi trên thế giới, nhưng sao không tìm thấy công cụ chứng minh cho tự do của mình – là độc lập về tư tưởng khi chọn lựa nghề nghiệp với lý lẽ và thông tin thuyết phục trước phụ huynh của mình?
Cuối cùng, khi mở bài toán "sinh viên – phụ huynh – chọn nghề" ra, ai cũng có thể thấy đáp số: phụ huynh muốn con có nghề nghiệp, sung túc, hạnh phúc; bạn sinh viên cũng muốn mình tìm ra công việc yêu thích, tự nuôi sống bản thân được. Cả hai đối tượng có một đáp số giống nhau mà sao mãi chẳng thèm nhìn vào mắt nhau, mãi chẳng thỏa hiệp, chẳng chịu nói chuyện cho ra ngô ra khoai, để cuộc chọn nghề, định hướng sự nghiệp bớt vất vả và rắc rối hơn.
Chuyện nhỏ như vậy, chuyện trong nhà còn không giải quyết xong, sao phụ huynh, sinh viên cứ đi đổ lỗi cho trường, cho xã hội về sự thất bại trong sự nghiệp của con em mình?
Xã hội nào gánh cho nổi mớ người thất nghiệp bơi lềnh phềnh không mục đích ngoài kia đây?
Bình luận (0)