Chọn nhiều người học hay chất lượng ?

24/04/2013 03:00 GMT+7

Trong khi phương thức tuyển sinh hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu tuyển chọn của các trường ĐH, nhiều trường đã đưa ra đề án thi hoặc xét tuyển riêng.

Chọn nhiều người học hay chất lượng ?
Các phương án tuyển sinh mà nhiều trường ĐH đề xuất không quan tâm đến điểm sàn như theo hướng “3 chung” hiện nay - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhìn chung, những phương án xét tuyển này hầu như không đề cập hoặc không xem điểm sàn là yếu tố quan trọng. Để rộng đường dư luận, Báo Thanh Niên làm cầu nối đăng tải phương thức tuyển sinh của các trường để bạn đọc đóng góp ý kiến xây dựng nền giáo dục nước nhà.

Thi theo kiểu Mỹ

Từ năm 2010, ĐH Quốc gia Hà Nội đề xuất việc đánh giá năng lực sinh viên nên tiến hành theo mô hình nhiều nước tiên tiến đang làm. Theo đó, việc tổ chức thi tuyển ĐH sẽ thực hiện theo hình thức của kỳ thi SAT, cao học theo hình thức thi GMAT (dành cho chương trình cao học ngành kinh tế), GRE (hình thức thi sau ĐH nói chung). Kỳ thi SAT gồm các môn thi: toán, từ vựng, kỹ năng viết, các kỹ năng và kiến thức đọc hiểu, lĩnh hội thông tin từ văn bản. Phương án này sẽ không có khối thi hay điểm sàn. Nhà trường sẽ lập thành các trung tâm ở 3 miền, mỗi trung tâm có ngân hàng đề thi và cứ hai tháng tổ chức thi một lần. Dù chưa áp dụng với tuyển sinh ĐH, nhưng phương án này đã được ĐH Quốc gia Hà Nội thử nghiệm ở kỳ thi cao học một số chuyên ngành với kết quả khả quan.

GS-TS Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Phương án này nếu được triển khai sẽ làm thay đổi cơ bản toàn diện hình thức thi, chuyển từ việc kiểm tra khả năng nhớ kiến thức phổ thông của thí sinh như hiện nay sang kỳ thi đánh giá năng lực học ĐH của thí sinh”.

Giao cho một tổ chức độc lập, chuyên nghiệp

Trong khi đó, ĐH Quốc gia TP.HCM đưa ra phương án cải tiến kỳ thi “ba chung” nhằm chọn được sinh viên có năng lực về cả kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với từng ngành đào tạo. Theo ĐH này, để đánh giá năng lực thí sinh, kỳ thi phải được một vài đơn vị chuyên nghiệp đứng ra tổ chức (xây dựng đề thi và tổ chức thi) và phải được mọi trường ĐH trong cả nước sử dụng. Đề thi cần được xây dựng chuẩn hóa nhằm đánh giá đúng năng lực (kể cả kỹ năng viết, suy luận...) học ĐH của thí sinh chứ không chỉ chú trọng kiến thức như hiện nay.

ĐH này đề nghị cơ cấu các môn thi gồm: toán, tiếng Việt, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, Anh văn, môn năng khiếu (dành cho trường nghệ thuật và thể thao). Trong đó, toán và tiếng Việt thi theo phương pháp trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận (phần thi tự luận ngắn, chiếm không quá 30% điểm của bài thi). Môn khoa học tự nhiên bao gồm các kiến thức vật lý, hóa học, sinh học. Môn khoa học xã hội gồm các kiến thức văn, sử, địa lý. Ba môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và tiếng Anh thi theo phương pháp trắc nghiệm khách quan. Kết quả thi của 2 môn toán và tiếng Việt là điều kiện tiên quyết để các cơ sở giáo dục xây dựng tiêu chí xét tuyển. Tùy theo đặc thù từng trường, từng ngành mà có thể đưa ra một hay nhiều môn thi còn lại vào tiêu chuẩn xét tuyển.

Ngoài ra, có thể sử dụng thêm các tiêu chí đánh giá khác nhau như: xét hồ sơ (học bạ THPT, kết quả thi tốt nghiệp THPT, thành tích khác); kiểm tra năng khiếu, viết bài luận về động lực học tập theo ngành đăng ký, thi vấn đáp... Dự kiến đến năm 2016 ĐH này áp dụng toàn diện hình thức đánh giá mới trong cả thi và xét tuyển.

Xét tuyển dựa vào kết quả  học và thi ở phổ thông

Theo ông Văn Đình Ưng, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, đã có 10 trường xây dựng đề án tuyển sinh riêng, gửi lên Bộ xem xét.

Thay vì lấy điểm sàn kỳ thi 3 chung làm ngưỡng đảm bảo chất lượng tối thiểu đầu vào, đề án của các trường ngoài công lập có điểm chung là chỉ hoàn toàn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp cũng như điểm học tập của bậc THPT để xét tuyển, không xem xét gì đến một kỳ thi tuyển sinh. 

Chẳng hạn, Trường ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) xét tuyển vào ĐH theo các điều kiện sau: điểm trung bình năm học lớp 12 từ 6 trở lên, điểm mỗi môn thi tốt nghiệp ứng với mỗi môn thi ĐH của từng khối thi tối thiểu từ 5 điểm trở lên. Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà cũng đưa ra phương án tuyển sinh với các yêu cầu: có điểm trung bình các môn học cả năm trong học bạ lớp 12 từ 6 trở lên; sau đó xét đến điểm trung bình cả năm trong học bạ lớp 12 và điểm thi tốt nghiệp THPT trùng với các môn thi ĐH (nhân hệ số 2 với môn thi liên quan đến ngành học đăng ký); kết quả thi ĐH theo đề thi của Bộ (điểm môn thi liên quan đến ngành học cũng được nhân hệ số 2).

PGS-TS Phạm Bá Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Yersin, cho biết trường đề xuất phương án phối hợp 3 hình thức: lấy kết quả thi ĐH, kết quả thi tốt nghiệp THPT và bảng điểm của 3 môn học lớp 12 theo khối thi tương ứng. Trường đề xuất sẽ áp dụng luôn cho kỳ tuyển sinh năm nay theo cách tổ chức tuyển sinh “ba chung”, nhưng sau khi xét tuyển nguyện vọng không đủ chỉ tiêu trường sẽ áp dụng thêm phương án xét tuyển này.

Vấn đề đặt ra ở đây là giá trị kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện còn gây nhiều tranh cãi, chất lượng giảng dạy phổ thông mỗi địa phương mỗi khác, nếu chỉ đơn thuần dựa vào các tiêu chí này để chọn người vào ĐH liệu có đảm bảo chất lượng? Trao đổi với PV Thanh Niên, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ, cho biết: “Bộ sẽ tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của dư luận. Cải tiến tuyển sinh cần có lộ trình để có thời gian chuẩn bị và đảm bảo công bằng cho thí sinh”. 

Đề án tuyển sinh riêng của 4 trường ngoài công lập

Tiêu chí

 ĐH

 Quang

Trung

 ĐH Phan Chu Trinh

ĐH Yersin

ĐH

Trưng Vương

Kết quả học THPT

Điểm trung bình 3 năm THPT của 3 môn học ứng với các môn thi của mỗi khối thi đại học, cao đẳng tối thiểu từ 16,0 điểm trở lên.

Điểm trung bình năm học lớp 12 từ 6,0 điểm trở lên để xét tuyển vào đại học; 5,5 điểm trở lên để xét tuyển vào cao đẳng

Điểm trung bình năm học lớp 10, 11 và 12 của môn học ứng với các môn thi của mỗi khối thi đại học, cao đẳng tối thiểu từ 5,5 điểm trở lên

Điểm trung bình năm học lớp 10, 11, 12 từ 6,0 điểm trở lên để xét tuyển vào đại học; 5,5 điểm trở lên để xét tuyển vào cao đẳng.

 

Kết quả thi tốt

 nghiệp THPT

Điểm môn thi tốt nghiệp tương ứng với mỗi môn thi đại học của từng khối thi tối thiểu từ 5,0 điểm trở lên

Điểm môn thi tốt nghiệp tương ứng với mỗi môn thi đại học của từng khối thi tối thiểu từ 5,0 điểm trở lên.

 

Điểm môn thi tốt nghiệp tương ứng với mỗi môn thi đại học của từng khối thi tối thiểu từ 5,5 điểm trở lên.

 

Điểm môn thi tốt nghiệp tương ứng với mỗi môn thi đại học của từng khối thi tối thiểu từ 5,5 điểm trở lên.

 

Cách tính

A

Điểm trung bình tổng kết 3 năm học THPT đối với 3 môn tương ứng với các khối thi

Tổng điểm tổng kết 3 năm học THPT, trung bình mỗi môn tối thiểu 5 điểm

Điểm trung bình tổng kết 3 năm học THPT đối với 3 môn tương ứng với các khối thi

Tổng điểm tổng kết 3 năm THPT, trung bình mỗi môn tối thiểu 5 điểm

B

Tổng điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (đối với khối A, A1) và 3 môn (đối với khối B và D1)

Tổng điểm thi tốt nghiệp THPT, trung bình mỗi môn tối thiểu 5 điểm

Tổng điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (đối với khối A, A1) và 3 môn (đối với khối B và D1)

Tổng điểm thi tốt nghiệp THPT,  trung bình mỗi môn tối thiểu 5 điểm

Điểm xét tuyển

Điểm xét tuyển = A+B lấy từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu cần tuyển

Nguồn: Bộ GD-ĐT

 Hà Ánh - Đăng Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.