Lúa thơm bị… ùn ứ
|
Vừa qua, lãnh đạo ngành nông nghiệp 3 địa phương có diện tích sản xuất lúa chất lượng cao (CLC) và lúa thơm lớn nhất trong vùng là An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ đều than thở vì chuyện nông dân trồng lúa thơm, lúa CLC nhưng phải bán giá sàn sàn với lúa phẩm cấp thấp IR 50404. “Năm ngoái, lúa thơm Jasmine 85 giá bán gần 7.000 đồng/kg, nhưng nay doanh nghiệp chỉ mua khoảng 6.100 - 6.200 đồng/kg”, ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, so sánh.
“Ai cũng biết trồng lúa thơm sẽ chịu nhiều rủi ro hơn lúa thường, nhất là tính chống chịu và thích ứng của lúa thơm kém hơn lúa IR 50404. Nông dân chúng tôi phải bỏ công sức và chi phí nhiều hơn. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp định giá thu mua không rõ ràng khiến chúng tôi hết sức lo ngại”, ông Tư Nghiêm, một nông dân ở Q.Thốt Nốt (TP.Cần Thơ), chán nản nói.
Vụ đông xuân vừa qua, TP.Cần Thơ là địa phương có sự gia tăng “đột biến” về lúa thơm, với 40 - 60% diện tích sản xuất (khoảng 40.000 - 50.000 ha). Chính vì vậy, tình trạng lúa thơm ùn ứ, giảm giá cũng tập trung nhiều nhất ở đây. Hiện trên địa bàn có khoảng 20 công ty kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký thu mua lúa thơm để sản xuất gạo có thương hiệu tiêu thụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp lại không ký hợp đồng mà chỉ thu mua ở dạng “thường trực”.
Tập trung vào gạo trắng hạt dài
Theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay, ĐBSCL sẽ gieo sạ khoảng 1,68 triệu ha (cao hơn khoảng 100.000 ha so với vụ đông xuân), ước tính sản lượng đạt khoảng 9,3 triệu tấn. Mới đây, Cục Trồng trọt vừa đưa ra bộ giống khá “bắt mắt” cho vụ hè thu 2013 với tỷ lệ giống lúa cao sản chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu chiếm áp đảo như: OM 4900, OM 4218, OM 2517, VND 95-20…; lúa thơm - đặc sản gồm: Jasmine 85, VĐ 20, ST 5, Nàng Thơm Chợ Đào, Tài Nguyên, Nàng Hoa 9… Trong đó, không thấy sự hiện diện của giống lúa phẩm cấp thấp như IR 50404. Dù vậy gần đây, một lãnh đạo Cục Trồng trọt thừa nhận qua kiểm tra tại Trà Vinh đã ghi nhận tỷ lệ sản xuất giống lúa IR 50404 chiếm tới 40%; trong khi tỷ lệ khuyến cáo lâu nay của Bộ NN-PTNT chỉ dao động ở mức 15 - 20%. Cách định giá chưa sòng phẳng của doanh nghiệp đối với lúa CLC, lúa thơm như vừa qua có thể là nguyên nhân để lúa IR 50404 vẫn chiếm tỷ lệ lớn ở một số địa phương. Thực tế, ĐBSCL từng xảy ra tình trạng lúa IR 50404 tồn đọng do doanh nghiệp không mua, có lúc phải tính đến chuyện chế biến làm thức ăn.
Việt Nam đã là cường quốc xuất khẩu gạo hơn một thập niên qua, nhưng nhược điểm của gạo Việt Nam là sự pha trộn của hơn chục giống lúa trong lô hàng xuất khẩu nên đến nay vẫn chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới. Nhiều ngành chức năng đang cố gắng xây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu Việt Nam. Hiện nay, trình độ canh tác lúa của nông dân ĐBSCL đã tiến bộ rất nhanh và được giới khoa học trên thế giới ghi nhận. Nông dân có kinh nghiệm nên sản xuất lúa CLC, lúa thơm cũng không khó mấy so với lúa IR 50404. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam nên tập trung vào phân khúc nào trong thị trường xuất khẩu. “Nếu chú trọng vào xuất khẩu gạo thơm sẽ là cánh cửa hẹp. Nhu cầu gạo thơm trên thế giới chỉ từ 2 - 3 triệu tấn/năm; trong đó, Thái Lan đã chiếm khoảng 1,6 - 1,8 triệu tấn, Ấn Độ khoảng 300.000 tấn. Việt Nam đừng đi theo phân khúc này. Còn đối với gạo phẩm cấp thấp, nước ta chỉ nên sản xuất ít vì giá không cao, nếu sản xuất nhiều sẽ “đấu” không lại Myanmar, Ấn Độ… ĐBSCL nên tập trung vào sản xuất gạo trắng hạt dài để tìm hướng đi riêng”, GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, phân tích.
Cao Phong
Bình luận (0)