Những ngày cận Tết Ất Mùi 2015, người dân làng nghề bánh đa Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng tất bật ngày đêm để kịp hàng phục vụ nhu cầu của khách.
Bà Thúy đóng gói bánh đa đỏ cho khách
|
22 giờ, xưởng sản xuất bánh đa của gia đình bà Nguyễn Thị Thúy, ngõ 152, đường Chùa Hàng vẫn khẩn trương cho những mẻ bánh đa đang chuẩn bị ra lò. Trong ánh sáng đèn hắt hiu rọi qua ô cửa, bóng những người thợ miệt mài bên bếp lò, máy xay ẩn hiện trong làn hơi nóng của bánh, của nước bốc lên nghi ngút. Chiếc máy tráng sấy bánh liên hoàn dài 32m chạy liên tục trong tiếng động cơ hối hả.
Những tấm bánh đa được tráng và sấy bằng máy liên hoàn
|
Bà Thúy cho biết, 10 thợ làm bánh trong xưởng phải chia ca làm liên tục để kịp hàng giao cho khách. “Ngày thường nhà tôi làm khoảng 3 tạ gạo nhưng ngày cuối năm khách đặt nhiều nên phải làm hơn 4 tạ gạo mới đủ. Mấy năm trước, khách đặt hàng cả ngày Tết nhưng không có sức mà làm. Năm nay nhà tôi chỉ làm đến 29 rồi nghỉ 5 ngày Tết”, bà Thúy nói.
Hiện nay, giá bánh đa khô khoảng 40.000 đồng/kg, bánh tươi thì rẻ hơn tầm 15.000 đồng/kg. Bà Thúy cho biết, ngoài khách hàng quen thuộc ở Hải Phòng thì xưởng của bà còn có nhiều người mua hàng ở TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu...Thậm chí có những Việt kiều Đức, Pháp, Mỹ...cũng đặt mua để mang ra nước ngoài ăn dần hoặc làm quà biếu. Chiếc máy sấy bánh dài 32m của nhà bà Thúy
|
Năm 2008, một doanh nghiệp Nhật Bản từng đến tận xưởng làm bánh đa cua của bà Thúy đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu. “Họ mang gạo, bột xay, rồi bánh thành phẩm về Nhật kiểm nghiệm xem có đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm không. Thấy được nên họ quay lại mang bao bì in sẵn và đặt mình 5 tạ hàng chuyển sang đó bán”, bà Thúy cho biết.
Một công nhân cho than vào bếp lò
|
Ngày nay, những người làm bánh đa ở làng Dư Hàng Kênh đã chuyển từ xay gạo bằng cối đá sang xay máy để tiết kiệm công sức. Bà con vẫn giữ cách tạo màu nâu sậm truyền thống là dùng đường mía cô thành thứ nước hàng sóng sánh rồi trộn vào gạo đem xay. Quá trình đô thị hóa đã khiến làng bánh đa Dư Hàng Kênh ngày càng thu hẹp dần khi chỉ còn hơn chục hộ theo nghề cha ông.
Nồi dầu dùng để phết lên bánh đa cho khỏi dính khi chồng lên nhau
|
Năm tháng trước đổi mới, nhà nước cấm lấy gạo làm bánh đa, người dân nơi đây vẫn làm trộm. Mỗi khi thấy có đoàn đi kiểm tra là quẳng hết nồi niêu, cối đá xuống ao, những phên bánh phải mang đi giấu. Câu chuyện về hoài niệm đã qua nhắc nhớ những thăng trầm của sợi bánh đa đỏ làng Dư Hàng Kênh góp vị cho món bánh đa cua Hải Phòng nức tiếng xa gần. “Người Hải Phòng thật thà như bánh đa cua...”, đó là lời trong một ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến. Loại bánh “thật thà” ấy đã trở thành niềm tự hào của người dân vùng đất cửa biển này.
|
>> Hối hả làng bánh tráng Túy Loan
>> Làng bánh vào mùa tết
Bình luận (0)