Chọn TP.Thủ Đức thí điểm mô hình đô thị kiểu mới?

06/12/2022 06:35 GMT+7

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng cần mạnh dạn trao thêm quyền cho TP.Thủ Đức - mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên cả nước để giải quyết hiệu quả những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 1997, từ H.Thủ Đức cũ, TP.HCM tách thành 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Sau 23 năm, 3 quận sáp nhập lại thành TP.Thủ Đức - “thành phố trong thành phố” đầu tiên trên cả nước, với mục tiêu trở thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và kinh tế tri thức. Sau sáp nhập, TP.Thủ Đức rộng hơn 21.000 ha, dân số 1,2 triệu người (cao nhất TP.HCM, tương đương TP.Đà Nẵng).

“Nghẽn” hạ tầng

Tiềm năng, kỳ vọng phát triển rất lớn nhưng hiện trạng TP.Thủ Đức vẫn còn nhiều vấn đề bức bách. Đầu tiên phải kể đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, ngoài một số tuyến giao thông trục chính, đa phần đường phố nhỏ hẹp, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn là nỗi ám ảnh thường trực đối với người dân. Dự án “đói” vốn nên không triển khai đã đành, ngay cả dự án được bố trí vốn nhưng tiến độ triển khai cũng rất ì ạch. Trong năm 2022, TP.Thủ Đức được giao 3.460 tỉ đồng cho 36 dự án đầu tư công, đến cuối tháng 10 giải ngân chưa tới 1%.

TP.Thủ Đức cần nhiều nguồn lực và thẩm quyền để giải quyết bài toán về kẹt xe, ngập nước, hồ sơ hành chính

Nhật Thịnh

Bên cạnh đó, tình trạng ngập nước ở TP.Thủ Đức chưa được giải quyết căn cơ, nhiều nơi có địa hình cao vẫn ngập, như chợ Thủ Đức, đường Tô Ngọc Vân… Ông Nguyễn Huy Dũng, chuyên gia cao cấp về rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới (WB), đưa ra con số ước tính thiệt hại do ngập nước của TP.Thủ Đức mỗi năm khoảng 53 triệu USD (khoảng hơn 1.200 tỉ đồng), và dự báo tăng lên 84 triệu USD vào năm 2050. Đáng lo ngại hơn, đây chỉ là thiệt hại trực tiếp về cơ sở hạ tầng chứ chưa tính tổn thất gián tiếp đến các hoạt động kinh tế, dân sinh. Theo ông Dũng, tổn thất gián tiếp thường cao gấp 3 - 4 lần tổn thất trực tiếp.

Trong các buổi tiếp xúc cử tri, dù tại 3 quận trước đây hay TP.Thủ Đức hiện nay, vấn đề quy hoạch “treo”, dự án “treo” luôn là nội dung nóng bỏng, được đề cập nhiều lần nhưng vẫn chưa có lời giải rốt ráo.

Với hàng loạt thách thức mà thực tiễn đang đặt ra, TP.Thủ Đức cần được trao nhiều cơ chế đặc thù, vượt trội hơn quy định hiện hành để “giải” hàng loạt bài toán về hạ tầng, quy hoạch, đầu tư, nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội… Thế nhưng, như chính thừa nhận của lãnh đạo TP.Thủ Đức, đến nay thẩm quyền của TP.Thủ Đức chỉ tương đương cấp huyện. Hệ quả, sau gần 2 năm thành lập, TP.Thủ Đức không có thêm được tuyến đường mới nào, người dân phải đi xa hơn để giải quyết hồ sơ hành chính, thời gian xử lý cũng chậm trễ hơn, tốn thời gian điều chỉnh giấy tờ từ “quận” sang “thành phố”…

Sẽ là nơi thí điểm các chính sách mới ?

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - IPS, cho rằng TP.Thủ Đức là “thành phố trong thành phố”, song cơ chế cho Thủ Đức lại không có thay đổi nào. Theo ông, cần tư duy theo hướng Thủ Đức nên được chọn để thí điểm mô hình chính quyền đô thị kiểu mới, hiện đại “thay vì chỉ xin cơ chế, phân cấp, phân quyền kiểu nửa vời, nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay”.

Trong khi quá trình đô thị hóa của chúng ta đã diễn ra hơn 30 năm nay nhưng mô hình thì vẫn không có gì thay đổi, quá lạc hậu. Do đó, có thể chọn TP.Thủ Đức để thí điểm mô hình chính quyền đô thị mới theo hướng “sandbox thể chế” về chính quyền đô thị, chứ không chỉ là thí điểm một vài chính sách nhỏ lẻ.

Ông Nguyễn Quang Đồng (Viện trưởng IPS)

Vị chuyên gia này khuyến nghị thay vì hôm nay xin phân cấp, phân quyền, ngày mai xin điều chỉnh quy hoạch, tài chính ngân sách…, thì cần phải xin “một cái áo” rộng hơn, tạo cơ chế thông thoáng đủ tính pháp lý để Thủ Đức quyết định các vấn đề của mình trong mô hình đã được cho phép. “Như “thành phố trong thành phố” thì quan trọng nhất phải là mô hình phát triển như thế nào. Trong khi quá trình đô thị hóa của chúng ta đã diễn ra hơn 30 năm nay, nhưng mô hình thì vẫn không có gì thay đổi, quá lạc hậu. Do đó, có thể chọn TP.Thủ Đức để thí điểm mô hình chính quyền đô thị mới theo hướng “sandbox thể chế” (cơ chế thử nghiệm áp dụng trong phạm vi hạn chế - PV) về chính quyền đô thị, chứ không chỉ là thí điểm một vài chính sách nhỏ lẻ”, ông Đồng đặt vấn đề.

Ông Đồng gợi mở TP.Thủ Đức có thể chủ động thiết kế mô hình tổ chức và vận hành bộ máy (số lượng cấp chính quyền, cơ quan hành chính trực thuộc, biên chế…) để đáp ứng hiệu quả chức năng chính quyền đô thị. Điều đó có nghĩa là TP.Thủ Đức phải được “rũ bỏ” khỏi “tấm áo đồng phục” của luật Tổ chức HĐND, UBND và nhiều quy định pháp lý khác. Thay vào đó, Quốc hội có thể có một nghị quyết riêng trao thẩm quyền cho TP.Thủ Đức.

Tương tự, đối với việc thí điểm của TP.HCM về chính sách tạo động lực phát triển mới, ông Đồng cũng cho rằng hoàn toàn có thể tư duy theo hướng mô hình mới để phát triển TP.HCM thay vì xin các chính sách đặc thù nhỏ lẻ trong các lĩnh vực quản lý đầu tư, tài chính ngân sách…

Đồng quan điểm, TS Thái Thị Tuyết Dung (Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng để “thành phố trong thành phố” là “cú hích” pháp lý và phát triển đúng tiềm năng, kỳ vọng thì cần thí điểm những thay đổi lớn dựa trên lý thuyết về chính quyền đô thị. Trong đó, có thể thí điểm HĐND TP.Thủ Đức được quyền quyết định những nội dung thuộc thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh. TP.Thủ Đức cũng có thể thí điểm thành lập các trung tâm tự chủ tài chính như Trung tâm phát triển quỹ đất, Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị để quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, thay vì giao về các sở: GTVT, Xây dựng, TN-MT như hiện nay.

Về lĩnh vực ngân sách, ThS Trần Thị Thu Hà (Trường đại học Luật TP.HCM) cho rằng cần phân bổ lại ngân sách và tỷ lệ phân chia theo hướng tăng cường để lại nguồn thu cho TP.Thủ Đức, nhằm đảm bảo sự tự chủ về ngân sách địa phương cho một TP đang cần huy động rất nhiều nguồn lực để giải quyết các bài toán tồn đọng.

Khó bứt phá nếu vẫn bó buộc cơ chế

Trong tờ trình gửi Chính phủ, UBND TP.HCM kiến nghị 4 nội dung dành riêng cho TP.Thủ Đức để tạo “cú hích” về cơ chế và nguồn lực. Cụ thể, TP.HCM kiến nghị Chính phủ cho phép phân cấp cho chính quyền TP.Thủ Đức một số lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc chức năng của HĐND và UBND TP.HCM; chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở, ngành cho UBND TP.Thủ Đức; quy định chế độ phụ cấp chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo của TP.Thủ Đức cao hơn thành phố thuộc tỉnh nhưng thấp hơn cấp tỉnh; ưu tiên phân bổ ngân sách cho TP.Thủ Đức để chi đầu tư phát triển.

Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy Thủ Đức, nhận định với những cơ chế trên, TP.Thủ Đức sẽ có thêm sự chủ động về nguồn lực đầu tư và con người để trở thành động lực tăng trưởng mới. Theo ông Hiệp, việc cần ưu tiên là định hình mô hình bộ máy tổ chức đáp ứng được các nhiệm vụ được giao.

Ông Hiệp cho biết, nhiệm vụ quy hoạch chung Thủ Đức được Thủ tướng xác định 20.000/21.000 ha là đất đô thị. Như vậy, với mục tiêu phát triển toàn đô thị thì HĐND TP.Thủ Đức cần có Ban Đô thị để thẩm định, giám sát về quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Hay Phòng Quản lý đô thị TP.Thủ Đức hiện quá tải do quản lý phạm vi rộng, nhu cầu xây dựng lớn, mạng lưới đường giao thông dày đặc (gồm cả quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên phường). Do đó, TP.Thủ Đức cũng cần có Phòng Giao thông công chánh nhằm giải quyết vấn đề giao thông thủy, giao thông bộ, thoát nước, cây xanh, chiếu sáng để nâng cao chất lượng cuộc sống thị dân.

Đối với lực lượng bộ máy hành chính, ông Hiệp nhìn nhận trước hết cần phải đủ số lượng công chức, bởi có phường ở TP.Thủ Đức hơn 100.000 dân nhưng biên chế không khác gì phường vài chục ngàn dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.