Chọn trường quốc tế hoàn toàn hay song ngữ luôn là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các bậc phụ huynh khi quyết định con đường học vấn lâu dài của con em mình.
Sự phân cấp của thị trường giáo dục
Hiện nay, ngoài hệ thống trường công lập đã được hình thành sau nhiều năm, môi trường giáo dục ở Việt Nam chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hệ thống trường quốc tế của các nhà đầu tư giáo dục trong nước và các tập đoàn giáo dục nước ngoài.
Nhóm trường quốc tế dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh theo chương trình đào tạo và chứng chỉ của nước ngoài có sự phân cấp khá rõ ràng. Nhóm đầu là những trường do nước ngoài đầu tư, điển hình như tổ hợp 3 trường quốc tế có truyền thống lâu đời với tên gọi chung là International School (International School Ho Chi Minh City, International School Ho Chi Minh City - American Academy và International School Saigon Pearl) thuộc Tập đoàn Cognita, đặc điểm của nhóm này là chương trình giáo dục được các tổ chức kiểm định quốc tế chứng nhận, giáo viên nước ngoài giàu kinh nghiệm, học sinh đến từ đa quốc gia, học phí hằng năm luôn ở mức cao so với đại đa số người Việt. Học tại những trường này, ngoài mức học phí cao ngất ngưỡng từ 400 triệu đồng/năm cho bậc tiểu học thì phụ huynh còn phải nằm trong danh sách chờ do trước đây Bộ Giáo dục quy định các trường quốc tế tại Việt Nam chỉ được phép tuyển giới hạn học sinh có quốc tịch Việt Nam không quá 10% (bậc tiểu học) hoặc 20% học sinh (bậc THCS).
Nhóm tiếp theo là một số trường tiêu biểu do chủ đầu tư trong nước thành lập nằm ở khu vực tập trung đông người nước ngoài sinh sống, với học phí chỉ thấp hơn các trường nhóm đầu khoảng 5-10% và chất lượng đào tạo cũng không có sự cách biệt quá lớn. Các trường này cũng giảng dạy chương trình quốc tế hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhưng không bị khống chế trong việc tuyển sinh học sinh Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội cho các trường song ngữ tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Trên thực tế, học tại trường song ngữ cũng sẽ giảm áp lực chi phí cho các gia đình một cách đáng kể, đáp ứng nhu cầu duy trì bản sắc văn hóa Việt Nam, cũng như giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ.
Cạnh tranh ngày càng cao
Thông qua Nghị định 86/2018/NĐ-CP, các trường quốc tế sẽ được “mở rộng” cửa tiếp nhận tới gần 50% học sinh người Việt Nam theo học chương trình nước ngoài. Do đó, sự cạnh tranh trên thị trường giáo dục từ bậc Mầm non đến THPT giữa 2 nhóm trường quốc tế và song ngữ được dự đoán sẽ khá gay gắt trong giai đoạn 2019-2020. Hiện tại, nhiều hệ thống trường quốc tế cũng đã có những mô hình song ngữ để nâng cao tính cạnh tranh.
|
Lời kết
Hơn 120.000 du học sinh Việt Nam có mặt tại trên 40 quốc gia trên thế giới, trong đó trên 90% du học sinh là tự túc, ước tính người Việt Nam mỗi năm sẵn sàng chi hơn 3 tỉ đô la Mỹ để có được nền giáo dục quốc tế và từng bước gia nhập làn sóng hội nhập. Khoảng 21.000 học sinh Việt Nam đang theo học tại các trường quốc tế ở Hà Nội và TP.HCM và 2019 được dự báo là năm bùng nổ các hệ thống trường quốc tế mới tại Việt Nam sau khi nghị định mới nhất đã "mở rộng" cửa cho các trường quốc tế trong việc thu hút học sinh Việt Nam.
Đứng giữa lựa chọn trường quốc tế và song ngữ, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng mỗi môi trường đều có thế mạnh riêng và không có môi trường nào là tốt nhất, các gia đình nên chú ý chọn trường vừa sức của con em mình, giao thông thuận tiện, và định hướng nghề nghiệp tương lai do học tập là cả một quá trình rèn luyện lâu dài và cần nhiều nỗ lực của cả hai phía học sinh và gia đình.
Bình luận (0)