Lời cảnh báo thứ 2
Lực lượng cảnh sát PCCC của TP.Hội An và Công an tỉnh đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ với 3 xe chữa cháy, cùng sự tham gia của người dân địa mới dập tắt vụ cháy lớn ở căn nhà cổ số 134 đường Trần Phú (P.Minh An) sáng ngày 9.7. Ngôi nhà thuộc sở hữu của bà Trần Thị Diễm Chi (trú tại TP.HCM), đang cho thuê lại. Ông Lê Viết Đức (người thuê nhà để kinh doanh vải, áo quần may sẵn) cho hay hôm ấy đến sớm, sau đó khóa cửa đi mua cà phê mà... chưa kịp thắp nhang cúng thần tài như thường lệ. “May là đã phát hiện và khống chế kịp thời, nếu không sẽ lan ra cả khu phố. Nếu gặp sự cố sập thì chỉ sập một nhà, chứ cháy là cháy sạch. Rất nguy hiểm!”, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An nói. Nhưng vụ cháy nghi chập điện tại ngôi nhà 2 tầng này không phải là lời cảnh báo đầu tiên. Hồi tháng 8 năm ngoái, đã từng xảy ra vụ cháy ngay trên đường Trần Phú, thiêu rụi phần nội thất của ngôi nhà đúc bê tông 2 tầng ở số 94. Vợ chồng chủ nhà và con gái bị bỏng nặng... Khi đó, vụ việc được quan tâm đặc biệt vì lần đầu tiên sau 15 năm xảy ra cháy lớn ở khu phố cổ, vốn đang “sở hữu” danh hiệu di sản văn hóa thế giới. Hàng loạt mối đe dọa đặt ra cho khu phố cổ chật hẹp này nếu phát hỏa: thiêu hủy quần thể di sản thể vô giá, nguy cơ mất an toàn tính mạng của hàng vạn người dân địa phương và du khách...
Phòng xa
|
Khu phố cổ Hội An luôn đối diện nguy cơ cháy lớn và thiệt hại nặng nề, một phần do 80% di tích làm bằng gỗ lại san sát nhau, bán các mặt hàng dễ gây cháy (vải, tranh ảnh, lồng đèn, hàng lưu niệm...), thêm phong tục đốt hương đèn, vàng mã cùng mật độ dân cư đông đúc. Kết quả điều tra hồi cuối năm 2011 đã ghi nhận mật độ dân số bình quân tại Hội An cao gấp hơn 6 lần so với bình quân mật độ dân số ở Việt Nam (1.562 người/km2 so với 243 người/km2), nhưng riêng khu vực I của đô thị cổ (gồm các phường: Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong) thì mật độ này còn cao hơn gấp 10 lần! Phường Minh An, nơi vừa xảy ra 2 vụ cháy, thậm chí có mật độ dân số lên đến 12.129 người/km2.
Trước nguy cơ cháy thường trực này, nhiều năm nay chính quyền TP.Hội An kiểm soát cao độ các nguy cơ cháy nổ và trang bị tối đa các phương tiện phòng bị. Hơn 1.500 tiểu thương ở chợ Hội An không chỉ được tuyên truyền về Luật PCCC qua hệ thống loa truyền thanh, mà hệ thống điện cũng được phân chia 3 nguồn (điện kinh doanh, điện chiếu sáng, điện để PCCC) để dễ quản lý. Còn trong khu phố cổ, hộ dân nào cũng chuẩn bị sẵn nhiều bình chữa cháy. Hệ thống ống nước ngầm phục vụ chữa cháy cũng đã lắp đặt...
Ở tầm nhìn tổng thể về bảo tồn và phát triển du lịch di sản văn hóa Hội An đến năm 2020, mối lo cháy nổ cũng được quan tâm đúng mức với khoản kinh phí 100 tỉ đồng trong tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỉ đồng (đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch). Tuy nhiên, đến hôm qua 12.7, lãnh đạo UBND TP.Hội An cho biết hệ thống chữa cháy tự động theo công nghệ tiên tiến của Mỹ (gồm hệ thống báo cháy sớm, lắp đặt đường ống dẫn nước áp lực cao ở trung tâm phố cổ) vẫn chưa được bố trí vốn.
Phố cổ Hội An tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy do đường phố chật hẹp, lại bày bán nhiều mặt hàng dễ gây cháy - Ảnh: H.X.H
Khống chế vụ cháy tại nhà số 134 Trần Phú sáng 9.7 - Ảnh: Q.H |
Hứa Xuyên Huỳnh
Bình luận (0)