Theo số liệu tổng hợp từ Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các địa phương (PV Thanh Niên trực tiếp tại các địa phương vùng bão lũ), tính đến 18 giờ hôm qua 30.9, mưa lũ do bão số 9 gây ra đã cướp đi sinh mạng của 84 người (Quảng Bình 1 người, Quảng Trị 6 người, Thừa Thiên - Huế 6 người, Đà Nẵng 3 người, Quảng Nam 11 người, Quảng Ngãi 24 người, Bình Định 6 người, Phú Yên 1 người, Kon Tum 22 người, Đắk Nông 2 người, Lâm Đồng 2 người), 12 người mất tích và 179 người bị thương. Mưa lũ cũng đã làm 6.230 nhà bị sập và trôi, 171.095 nhà tốc mái và hư hỏng, 146.750 nhà bị ngập; 499 phòng học bị ngập và hư hỏng; 12.308 trạm y tế và trụ sở UBND xã bị hư hỏng; 17.003 ha lúa, 10.597 ha hoa màu, 164.664 ha cây công nghiệp và cây lâm nghiệp bị ngập và gãy đổ... Chỉ riêng ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Kon Tum, thiệt hại vật chất ước tính đã lên tới trên 2.165 tỉ đồng.
Quảng Nam: Đường vẫn chưa thông
Cùng với khắc phục hậu quả bão số 9, Quảng Nam tiếp tục ứng cứu, ứng phó lũ lụt ở các huyện cánh Bắc là Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Đại Lộc và Nông Sơn. Trong cả đêm 29 và ngày 30.9, lũ lụt tràn về đã gây ách tắc giao thông trên QL1A qua địa phận Quảng Nam. Tại Km 961 QL1A, địa bàn xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, nước lũ đầu nguồn đổ về gây ngập mặt đường khoảng 1,5 mét làm chia cắt giao thông từ 12 giờ khuya ngày 29.9 đến nay. Hàng trăm phương tiện giao thông từ miền Nam ra và miền Bắc vào đã bị kẹt tại đây gây ùn tắc đường nhiều km.
Lực lượng CSGT, Thanh tra Cục Đường bộ và quân đội đã có mặt kịp thời, túc trực thường xuyên để hướng dẫn cũng như đảm bảo an toàn giao thông. Do bị kẹt lại địa điểm này trong nhiều giờ đồng hồ, hàng trăm chủ xe khách cũng như các phương tiện giao thông khác đang lo lắng cho tình hình sức khỏe và sự an toàn cho hành khách.
Người dân chở heo chạy lũ - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Nhiều nhà dân hai bên quốc lộ đã chủ động bán thức ăn thường xuyên phục vụ khách đi đường trong khi chờ lưu thông trở lại. Đến chiều qua, các lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được khi nào sẽ cho lưu thông xe trên QL1A tại Km961. Tại khu vực miền núi, tuyến đường Hồ Chí Minh qua huyện Phước Sơn cũng hoàn toàn ách tắc khi tại Km1353+900 bị đứt một đoạn dài 50 mét. QL14E tại Km52+900 ta-luy dương bị sạt lở đổ chụp lên mặt đường dài 30m với hàng nghìn khối đất đá.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, bác sĩ Nguyễn Bá Hy, hôm qua cho biết do bị thương quá nặng nên nạn nhân Phạm Ngọc Sá (68 tuổi, nguyên Giám đốc Trung tâm y tế huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) đã tử vong. Ông Sá là một trong 16 người đi trên chiếc xe ô tô Mercedes Benz (BKS 49X - 5413) bị một cây thông cổ thụ ngã đổ và đè lên giữa thân xe khiến chiếc ô tô bẹp dúm vào chiều tối ngày 29.9 trên đường Trần Hưng Đạo (TP Đà Lạt). Những nạn nhân khác đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt, hiện cơ bản sức khỏe đã ổn định. Do ảnh hưởng của bão số 9, đến nay Lâm Đồng đã có 2 người chết, 25 người bị thương; 130 căn nhà bị sập và tốc mái; 2 trụ sở thôn và nhà văn hóa, 2 trường học bị tốc mái; 56 ha nhà kính, nhà lưới bị sập và tốc mái; hàng chục xe ô tô và xe gắn máy bị hư hỏng; nhiều diện tích chè, cà phê, hồng, hoa ly bị thiệt hại nặng... (Gia Bình) |
Trong khi đó, các địa phương cũng đang tiếp tục phải đối phó với nước lũ có khả năng lên cao, nhất là ở vùng hạ lưu các sông Thu Bồn và Vu Gia. Ngay trong chiều tối qua, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đến kiểm tra tình hình và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão, lũ tại Quảng Nam. Phó thủ tướng ghi nhận mức đề nghị của tỉnh Quảng Nam là xin Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ 200 tỉ đồng và 5.000 tấn gạo để giúp dân vượt qua hoạn nạn trước mắt.
Trong một diễn biến khác, sáng 30.9 Quảng Nam đã cứu được 2 thuyền viên là Bùi Văn Chúc (39 tuổi) và Trương Văn Sơn (21 tuổi, cùng trú ở Xuân Vi, H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa), trong tổng số 8 người bị nạn trên tàu Thành Minh 27 của Công ty vận tải tổng hợp Thanh Hóa, bị trôi dạt từ tối 27.9 do hỏng lái khi đang neo đậu tại Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Tàu BP 06-01 của Đồn biên phòng Cù Lao Chàm (Quảng Nam) được điều động và sau 2 giờ vật lộn với sóng to gió lớn (cấp 7) đã phát hiện 2 nạn nhân trên người có nhiều thương tích, sức khỏe yếu tại vùng đảo Hòn La (Hòn Lá).
Đây là đảo hoang, xung quanh đảo là vách đá, không thể tiếp cận trực tiếp mà phải thả phao bè theo chiều sóng lên đảo để đưa hai nạn nhân về chăm sóc tại Đồn biên phòng Cù Lao Chàm. Sau đó, tàu BP 06 - 01 tiếp tục tìm kiếm các hòn đảo khác của Cù Lao Chàm nhưng chưa phát hiện thêm nạn nhân nào. Như vậy, vẫn còn 6 người trên tàu mất tích, gồm Cao Xuân Thọ (52 tuổi, trú Hoằng Đức, Hoằng Hóa, thuyền trưởng) cùng các thủy thủ Nguyễn Phú Hường (49 tuổi), Hoàng Văn Nguyên (19 tuổi), Phạm Vi Bản (51 tuổi), Dương Văn Nhân (17 tuổi), Bùi Văn Mười (25 tuổi, cùng trú ở Xuân Vi, H.Hoằng Hóa).
Đà Nẵng: Ngập lụt nặng nề trên diện rộng
Ngày 30.9, đường phố Đà Nẵng ngổn ngang như một bãi chiến trường với bảng hiệu quảng cáo bị đánh sập và cây xanh gãy đổ, rác...
Tình trạng ngập lụt nặng nề trên diện rộng đã khiến giao thông trên QL1A đoạn đi qua Đà Nẵng bị ách tắc tại 2 điểm: cầu Quá Gián (Hòa Phước) và xã Hòa Châu (Hòa Vang). Lực lượng CSGT được huy động tối đa để chặn xe tại đoạn đường tránh Đà Nẵng và các điểm quốc lộ bị ngập lụt, khiến từng đoàn xe nối đuôi nhau đậu dài.
Công ty môi trường đô thị đã huy động tổng lực gần 1.000 cán bộ nhân viên ra quân dọn dẹp đường phố. Nhưng với lượng rác khổng lồ hiện nay, ít nhất phải 5 ngày nữa đường phố Đà Nẵng mới trở lại như cũ. Thành Đoàn Đà Nẵng cũng phối hợp với Sở TN-MT, huy động trên 1.000 đoàn viên tại các địa phương và sinh viên của các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên địa bàn triển khai công tác dọn dẹp vệ sinh ở các trường học, bãi biển, khu dân cư và những tuyến đường trọng yếu trên địa bàn. Ngoài ra, tại các xã ngập lụt của huyện Hòa Vang như: Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Xuân, Hòa Châu..., Thành đoàn cũng phối hợp với các đơn vị khẩn trương đưa lương thực, thực phẩm để cứu trợ cho đồng bào bị lũ. Đến trưa 30.9, phần lớn các khu vực nội thị của Đà Nẵng đã có điện, nước trở lại sau 2 ngày mưa bão.
Thừa Thiên - Huế: Cố đô chìm trong biển nước
Đến chiều qua, lượng mưa đã giảm nhưng mực nước trên các sông Hương, sông Bồ và sông Ô Lâu vẫn còn trên báo động 3. Tại TP Huế, bốn phường nội thành và hệ thống di sản văn hóa Hoàng thành Huế vẫn chìm trong biển nước, người dân phải đi lại bằng thuyền. Các phường thấp trũng như Phú Bình, Phú Hậu, Phú Hiệp, Kim Long, Xuân Phú... nhiều khu dân cư vẫn còn ngập nước, mất điện và hệ thống thông tin liên lạc vẫn chưa thể khắc phục.
Mưa bão đã làm hệ thống cấp điện cho Nhà máy nước Vạn Niên bị hư hỏng khiến đêm 29 toàn TP Huế bị mất nước. Hôm qua, ngành điện đã tập trung nguồn nhân lực khắc phục hệ thống đường dây, sửa chữa các trạm biến áp... và đến trưa qua, khoảng 60% địa bàn dân cư thành phố đã có điện trở lại, Nhà máy nước Vạn Niên cũng đã hoạt động và cấp nước sạch trở lại phục vụ nhân dân và công tác vệ sinh môi trường.
Tuyến QL49A đi A Lưới sạt lở nghiêm trọng với hơn 1600m3 đất đá đổ xuống mặt đường; tuyến đường La Sơn - Nam Đông đến chiều qua mới tạm khắc phục thông xe trở lại; tuyến QL49B nhiều điểm vẫn còn ngập sâu từ 0,3 – 0,5m làm ách tắc giao thông; đường Hồ Chí Minh sạt lở nhiều đoạn, đặc biệt đoạn qua điểm xã Hồng Bắc (H.A Lưới) ở Km 323 sạt lở đã làm đứt hơn 15m đường, chưa thể khắc phục thông xe.
Tại các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền, Quảng Điền, Hương Thủy... nhiều khu dân cư vẫn còn ngập lũ sâu từ 0,3 đến 1,2m, gây cô lập, chia cắt.
Quảng Trị: Hơn 45.000 ngôi nhà bị ngập sâu
Đến trưa 30.9, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn có mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về làm ngập lụt rất nhiều nơi. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 45.319 nhà bị ngập nặng, hàng ngàn hécta hoa màu ngập úng... Trên đoạn QL1A từ TP Đông Hà đi Hải Lăng có nhiều đoạn nước dâng lên cao, các phương tiện không thể đi lại được. Đặc biệt đoạn đầu TP Đông Hà nước dâng hơn 1 mét, làm ách tắc một đoàn xe gần 2 km. Nhiều người dân tại TP Đông Hà lần đầu tiên phải dùng thuyền, bè để lưu thông.
Ông Nguyễn Văn Bài, Phó ban PCLB & TKCN tỉnh, cho biết: “Tất cả các huyện trên địa bàn đều bị thiệt hại nặng, hiện chúng tôi phải phân công nhau để đi đến từng nơi và thường xuyên liên lạc với địa phương để nắm tình hình. Đáng lo là có 30 hộ đang bị mắc kẹt ở khu vực sông Sê Pôn (giáp biên giới Lào) nhưng do nước xoáy chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được...”.
Thôn Trung Kiên, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong chìm trong nước lũ - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Tất cả các huyện trong toàn tỉnh đều có ngập lụt, nhất là tại hai huyện vùng trũng Hải Lăng và Triệu Phong. Khi chúng tôi có mặt tại huyện Triệu Phong, nước sông Thạch Hãn đã cao gần bằng với đỉnh lũ lịch sử năm 1999 (tại Thạch Hãn 6,89m, trên báo động III 1,49m) nước dâng làm ngập hàng ngàn ngôi nhà, chia cắt các xã trong huyện. Nước ngập nhiều đến mức không thể phân biệt đâu là sông, đâu là đoạn bị ngập... Nhiều đoạn đê bao vùng trũng này cũng đã bị nước lũ vượt qua hơn 3m, nguy cơ vỡ đê sẽ rất cao nếu tiếp tục có mưa và nước lũ từ thượng nguồn dội về. Tại đây, nhiều ngôi nhà chỉ còn thấy nóc. Nhiều người dân đã chọn những vị trí cao tại địa bàn chờ ghe thuyền cứu trợ chạy qua để kêu cứu.
TP Đông Hà ngập chìm trong nước - Ảnh: Nguyễn Phúc |
Các huyện vùng cao như Hướng Hóa, Đakrông vẫn bị ngập lụt, riêng tại thị trấn Lao Bảo nước nhiều nơi đã dâng cao hơn 1m, khu trung tâm thương mại đặc biệt cũng chìm trong nước. Sông Sê Pôn và Đakrông nước chảy mạnh, đục ngầu...
Quảng Bình: Lũ lên cao, lốc xoáy
Mưa to và rất to kéo dài liên tục trong những ngày qua khiến toàn huyện Lệ Thủy ngập chìm trong nước. Tỉnh lộ 16 nối từ QL1A vào trung tâm thị trấn huyện ngập sâu trong nước, giao thông bị tê liệt. Mực nước trên nhánh sông Kiến Giang chạy song song với tỉnh lộ 16 dâng cao gần 8m so với ngày thường. Hàng trăm ngôi nhà dọc bờ sông chìm trong nước, nhiều nhà ngập hết tầng 1. Người dân chỉ biết ngồi trên các điểm cao chờ đợi hoặc di chuyển bằng thuyền.
Theo thông báo của Ban PCLB huyện Lệ Thủy chiều 30.9, đã có 10.000 nhà bị ngập; nặng nhất là ở Vinh Quang (xã Sơn Thủy), Phú Thọ, Thạch Bàn, Tân Lệ (An Thủy), An Xá (Lộc Thủy)... bị ngập trên 2m. Hàng ngàn hécta diện tích hoa màu, cây dài ngày, ao cá, bị thiệt hại; sạt lở 100.000m3 đê điều. Cùng thời điểm này, thông tin từ huyện Quảng Ninh cho biết có 3.000 nhà dân bị ngập. Tại huyện Tuyên Hóa trời mưa rất to, nước sông Gianh tại Mai Hóa cũng lên báo động III. Nguy cơ ngập lụt tại các địa bàn thấp trũng như xã Văn Hóa, Châu Hóa, Thanh Hóa là rất lớn...
Trước đó, vào buổi sáng, một cơn lốc xoáy mạnh đã quét ngang qua địa bàn TP Đồng Hới gây tốc mái nhiều nhà dân và công sở ở phường Hải Đình, nhiều gốc cây bị quật ngã.
Hà Tĩnh: Nhiều tàu, thuyền bị đánh tan
Tại biển Vũng Áng, H.Kỳ Anh, hôm qua 30.9, tàu Vinashin – Inco 27 chở 3.330 tấn phôi thép từ Malaysia về cảng Hải Phòng khi vào tránh bão ở cảng này thì chết máy và bị gió lớn, sóng biển (cao gần 6m) đánh chìm. Cả 20 thủy thủ trên tàu được BĐBP giải cứu. Ngoài ra, 9 chiếc thuyền của ngư dân xã Kỳ Lợi, H.Kỳ Anh bị đánh tan hoàn toàn, nhấn chìm xuống biển, do triều cường dâng cao kèm gió lớn. Tại vùng biển Cẩm Lĩnh, H.Cẩm Xuyên, lúc 8 giờ sáng 30.9, khi triều cường dâng lên đến 7m, kèm theo sức gió mạnh cấp 8 có 4 chiếc thuyền đang neo đậu tại cảng đã bị vỡ tan...
Kon Tum: Lũ lớn nhất trong vòng 100 năm qua
Đến 9 giờ sáng qua, tỉnh Kon Tum vẫn còn bị cô lập hoàn toàn với các tỉnh bên ngoài. QL14 bị sạt lở nặng tại đèo Lò Xo và điểm cách thị trấn Đắk Glei 10
Đắk Lắk: Đến cuối chiều qua, nhiều vùng thuộc các huyện Ea Súp, Lăk, Krông Bông vẫn còn ngập nặng. Mưa lũ làm hơn 7.100 ha lúa và hoa màu bị ngập úng; 700 ha rừng trồng, 14.330 trụ cây tiêu, 30.000 cây cao su, 26.850 cây cà phê đổ gãy; hơn 500 con gia cầm bị cuốn trôi; hơn 10 km kênh mương bị xói lở, bồi lấp, 9 công trình thủy lợi bị hư hỏng các hạng mục. (T.N.Quyền) Đắk Nông: Có 2 người ở huyện Đắk Glong bị lũ cuốn mất tích; 53 hộ dân ở huyện Đắk Mil bị ngập, phải di dời. Mưa lớn đã làm 85 ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp ở H.Cư Jút, thị xã Gia Nghĩa bị ngập, 22 hồ chứa có nguy cơ vỡ đập, hư hỏng nghiêm trọng hơn 100 km đường giao thông các tuyến tỉnh lộ... Ước tính sơ bộ thiệt hại trên địa bàn tỉnh hơn 120 tỉ đồng. (T.N.Quyền) |
Riêng tại TP Kon Tum hàng trăm gia đình ở các xã, phường: Trường Chinh, Quyết Thắng, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Duy Tân, Thắng Lợi, Thống Nhất... vẫn còn bị ngập nước nặng đi kèm với bùn lầy có nơi sâu gần cả mét. Nước lũ lên nhanh khiến nhiều hộ dân phía Nam cầu Đắk Bla (P.Lê Lợi) không kịp chuẩn bị ứng phó buộc dắt nhau chạy lên đồi cao để thoát thân.
Theo tính toán, thủy điện Ya Ly chọn mực nước dâng ở cao trình 523m thì 100 năm mới có một trận lũ lớn đến ngưỡng. Thế nhưng ở đợt lũ này, nước đã vượt đỉnh lũ cao trình trên 1m. Chính vì nước dâng nhanh đột ngột nên người dân trở tay không kịp.
"Bão đôi" lại xuất hiện Quang Duẩn |
Cơ hàn sau bão dữ Hôm qua, ở Quảng Ngãi trời hửng nắng, song cuộc sống người dân nhiều vùng quê nghèo hết sức lao đao trước thiệt hại nặng nề.
Tang thương nhất có lẽ là làng chài thôn Phước Thiện, xã Bình Hải. Cơn bão tràn qua đã 1 ngày nhưng dấu tích càn quét của nó vẫn còn y nguyên. Xóm làng cơ cực oằn mình chống chịu thảm họa thiên tai trong bộn bề khó khăn ngặt nghèo. Người già, trẻ con đều phải tất tả đi thu gom những gì còn sót lại sau khi cửa nhà bị sập đổ tan hoang, hư hỏng nặng nề. Nơi đây ba mặt giáp biển, ngày thường vẫn luôn đối mặt với triều cường đầy hiểm nguy. Những cơn sóng cao 6-7 mét trong bão tố đã giật tung nhiều ngôi nhà. 1.499 hộ dân có nhà thì đã có tới hơn 80% chịu thiệt hại, hầu hết rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Trên đống đất đá đổ nát, chị Võ Thị Liễu và 5 đứa con như chết lặng, nét mặt khắc khổ hằn sâu nỗi kinh hoàng. Chị Liễu không ngờ rằng, chỉ sau một đêm, gia sản lớn nhất của chị sau khi người chồng bỏ nhà ra đi lại bị sóng đánh tan tành. Hoàn cảnh cụ bà Huỳnh Thị Bé (77 tuổi) còn đáng thương hơn. Nhiều năm qua cụ đơn chiếc một mình trong ngôi nhà ven chân sóng ở xóm 1, thôn Phước Thiện. Bão tràn vào, cụ lật đật đi trú bão. Khi trở về, ngôi nhà của cụ chỉ còn lại vài viên đá chỏng chơ... Đình Phú |
Nhóm PV
Bình luận (0)