Chồng lùi về hậu phương làm 'bố bỉm sữa': 'Không nghĩ đó là sự hy sinh'

24/10/2022 14:20 GMT+7

Sẵn sàng lùi về hậu phương để vợ được làm công việc ưng ý, nhiều ông bố giờ mới thấu hiểu cái cảnh ti tỉ việc không tên ở nhà và chăm con mọn cực đến thế nào.

Thức nguyên đêm trong 3 tháng đầu

Anh T.V (33 tuổi, ở Thừa Thiên-Huế) là một ông bố hai con. Chia sẻ với Thanh Niên, anh V. cho biết, vào năm 2017, khi vợ sinh xong bé đầu thì muốn đi học nghề. Ban đầu, anh V. không muốn để vợ đi học vì nghĩ mình có thể lo cho kinh tế gia đình được. Sau một thời gian vợ thuyết phục, anh đã đồng ý.

Cuối 2017, vợ anh V. mở được một tiệm spa nhỏ, duy trì kinh tế khá ổn. Đến năm 2019, công việc của anh V. không kiếm được tiền ổn định nữa, lúc đó anh mới thấy nếu lúc xưa không cho vợ đi học nghề thì có lẽ đó là một quyết định sai lầm.

“Trong thời gian vợ đi học rồi mở tiệm, mọi thứ về công việc, con cái trong nhà tôi đều lo hết. Công việc của mình thì vẫn làm nhưng chủ động hơn nên vừa làm vừa chăm con. Đến khi vợ sinh xong em bé thứ hai vào năm 2019 thì lúc đó tôi hoàn toàn để vợ tập trung vào công việc. Nhờ có ông bà giúp nên cũng đỡ vất vả”, anh V. nói.

Anh kể, trong 3 tháng đầu chăm con anh phải thức nguyên đêm. Hết cho con bú, rồi đến thay tã. 5 giờ sáng, anh mới có thể chợp mắt một tí. Cảm giác vui thích vì lần đầu làm cha đã khiến ông bố này không cảm thấy mệt mỏi.

Đến bé thứ hai, anh V. đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ. Anh tìm hiểu về tính cách, giờ giấc và xây dựng cho con một lịch sinh hoạt ổn định. Nhờ vậy, anh không còn tình trạng phải thức đêm để trông con.

Hiện tại, anh V. vẫn làm việc ở nhà để có thêm kinh tế, vừa chăm sóc con cái. Khi được hỏi về việc có quan tâm chuyện vợ kiếm được nhiều tiền hơn mình hay không, anh V. cho hay, vợ chồng anh đi lên từ tay trắng nên cả hai đều không quan trọng việc người kiếm ít kiếm nhiều. Mọi thứ trong nhà vẫn bình thường, chưa bao giờ phát sinh mâu thuẫn về chuyện tiền bạc.

"Tôi hoàn toàn không nghĩ đó là sự hy sinh, mà đó là trách nhiệm, là tình cảm mà mình dành cho gia đình"

Anh Vũ Tồn

“Quan trọng là cả hai vợ chồng biết tôn trọng và tin tưởng nhau trong mọi hoàn cảnh. Cả hai hạ được cái tôi của mình xuống mức thấp nhất, tôn trọng mọi quyết định của nhau thì khó khăn gì cũng sẽ vượt qua”, anh V. nhấn mạnh.

Ti tỉ việc không tên

Anh N.V.Q (30 tuổi, ở H.Quốc Oai, Hà Nội) cùng vợ mở tiệm bán hàng. Khi con ra đời, vì không nhờ được ông bà nên vợ chồng anh phải tự xoay xở. Anh Q. chịu trách nhiệm chăm con, lo mọi việc trong gia đình để vợ yên tâm buôn bán.

“Vợ phải đi bán từ 4 giờ sáng, mà trẻ con bám mẹ nên gần như một năm đầu toàn 4 giờ con dậy xong quấy. Tôi phải bế rồi dỗ dành chứ không đặt cho ngủ trên cũi được. Không nhờ được ai chăm thì mình phải chăm chứ sao giờ, chẳng lẽ để vợ vừa ôm con vừa bán hàng”, anh Q. cười.

Anh kể, quá trình chăm con là cả ti tỉ những việc không tên. Giai đoạn đó, anh từng bị stress vì có quá nhiều thứ phải chăm lo. Anh nhấn mạnh, đừng nghĩ ở nhà có mỗi việc chăm con là nhàn.

“Có thể do bản năng của phụ nữ họ bền bỉ và chịu đựng tốt hơn đàn ông. Không biết những người khác như thế nào, chứ tôi sợ đến mức mãi 6 năm sau, vợ chồng tôi mới có bé thứ hai. Khoảng thời gian đó thực sự ám ảnh”, anh Q. kể.

Động lực lớn nhất để anh Q. vượt qua những khó khăn trong vai trò một ông bố bỉm sữa chính là tình yêu thương vợ con. Đến bé thứ hai, vợ chồng anh đã thuê giúp việc để giảm bớt gánh nặng việc nhà.

Anh Vũ Tồn và con gái.

NVCC

Là trách nhiệm, là tình cảm

Anh Vũ Tồn (32 tuổi, ở Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng là một ông bố từng có thời gian chăm con cho vợ đi làm. Thời gian đầu, anh khá lúng túng với việc chăm trẻ, phải thường xuyên gọi video “cầu cứu” vợ. Thế nhưng gần một tháng sau, anh Tồn đã trở thành một ông bố bỉm sữa thành thục.

“Khi bé bắt đầu thời kỳ ăn dặm thì rất cực vì sợ thức ăn mình nấu con không ăn được. Tôi đã phải tham khảo nhiều ông bố khác, nghiên cứu trên mạng xem món ăn nào tốt cho con, món ăn đó nấu thế nào. Thêm nữa là nghiên cứu về những dấu hiệu gợi ý khi nào bé muốn ăn, ngủ, chơi… để có thể theo kịp con, rèn cho con một lịch trình sinh hoạt phù hợp”, anh Tồn nói.

Được biết, vào tháng 6.2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công ty anh Tồn gặp khó khăn, anh bị cắt giảm lương. Dù anh đã cố gắng làm thêm nhiều việc nhưng lương không cao. Trùng hợp khi đó vợ anh nhận được lời đề nghị làm việc của một công ty với mức lương khá ổn. Vợ đã bày tỏ nguyện vọng muốn đi làm trở lại và anh đồng ý.

Anh nói: “Khi đó, tôi nhìn thấy được sự nhiệt huyết, đam mê trong công việc của vợ nên sẵn sàng ở nhà. Đây cũng là lúc tôi cho mình thời gian để suy nghĩ lại mình thích làm việc gì. Tôi hoàn toàn không nghĩ đó là sự hy sinh, mà đó là trách nhiệm, là tình cảm mà mình dành cho gia đình”.

Được biết, vào đầu năm 2022, anh Tồn đã quay trở lại công việc tư vấn xuất khẩu lao động nhưng cũng chỉ làm việc tại nhà để tiện chăm sóc con. Anh luôn quan niệm: “Nam nữ bình đẳng, chúng ta đều có cơ hội như nhau, chỉ là ở mỗi thời điểm điều gì cần được ưu tiên”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.