Luật 1999
Thụy Điển đã có bí quyết gì mà chính phủ nhiều nước muốn học hỏi đến vậy? Theo Hãng tin AP, đó là Luật Mua dâm được ban hành vào năm 1999 của Thụy Điển. Theo đó, những ai bị phát hiện đã thực hiện hành vi mua dâm sẽ phải đóng tiền phạt hoặc chịu 6 tháng tù giam. Ngoài một trong hai hình phạt này, họ còn phải đối mặt với việc bị bêu riếu trước công chúng. Thế còn gái mại dâm thì sao? Không sao hết, họ được xem là nạn nhân bị bóc lột, vốn bị đối xử như một món hàng trong ngành công nghiệp tình dục. Hàng hóa thì không bao giờ có tội cả. Cũng theo luật này, cò dẫn khách và chủ chứa gái mại dâm sẽ bị khởi tố.
Để bắt quả tang các quý ông "đi ăn đêm", cảnh sát Thụy Điển dùng hệ thống camera giám sát, theo Hãng tin BBC. Sau đó, một lá thư sẽ được gửi đến "torsk" - tiếng lóng của người Thụy Điển chỉ những khách hàng nam "đi tìm của lạ". Nếu "torsk" không thừa nhận mình phạm tội, họ sẽ bị đưa ra tòa. Tại Malmo, thành phố lớn thứ ba của Thụy Điển, mỗi "torsk" có thể bị phạt đến hơn 5.000 USD, số tiền này có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc vào thu nhập của họ. Nếu "torsk" bị phát hiện còn phạm thêm một số tội khác thì họ có thể chịu thêm vài tháng bóc lịch trong nhà đá.
Những con số ấn tượng
Giới chức Thụy Điển cho biết từ khi ban hành Luật Mua dâm đến nay, nhu cầu tìm gái mại dâm ở nước này đã giảm hẳn. Nhận thức của người dân về nạn mại dâm cũng thay đổi. Từ một thỏa thuận giữa phụ nữ và đàn ông, việc mua dâm hiện bị xem là lạm dụng phụ nữ. Theo Báo Daily Record của Anh, cứ 5 người Thụy Điển thì có tới 4 người ủng hộ luật này. Mọi học sinh tại Thụy Điển đều được học mua dâm là hành vi bất hợp pháp và trái đạo đức. Vào năm 2006, một cuộc khảo sát ở nam giới tại 30 quốc gia cho thấy, đàn ông Thụy Điển là những người ít tìm đến gái mại dâm nhất vì họ cho rằng điều này là không thể chấp nhận được. Hãng tin AP dẫn lời bà Kajsa Wahlberg, một quan chức thuộc Cơ quan cảnh sát quốc gia Thụy Điển, cho biết số liệu ước tính của chính phủ cho thấy số gái mại dâm tại nước này đã giảm từ 2.500 người vào năm 1998 xuống còn 1.500 người vào 5 năm sau. Và hiện nay chỉ còn khoảng 100 người.
Trước những con số ấn tượng trên, nhiều nước đã cử chuyên gia đến Thụy Điển tìm hiểu về mô hình này. Bà Wahlberg cho biết, mới hôm 14.3, bà đã gặp giới chức cảnh sát đến từ Hà Lan, nơi việc mua bán dâm được xem là hợp pháp. Cách đây hai tháng, một đoàn quan chức cấp cao Anh cũng đã đến Thụy Điển để học hỏi về mô hình này khi họ đang xem xét lại các luật về mại dâm của mình. Chính phủ Na Uy cũng lên kế hoạch đề xuất một luật tương tự sau lễ Phục sinh sắp tới...
Từng bị chế giễu
Luật Mua dâm kể trên của Thụy Điển đã được đưa áp dụng vào thời điểm nhiều nước châu u theo đuổi một xu hướng khác. Chẳng hạn như nước láng giềng Đan Mạch đã hợp pháp hóa hoạt động mại dâm vào năm 1999 sau hai thập niên âm thầm chấp nhận điều này. Hầu hết các nước châu u đều ban hành luật cấm cò dẫn khách hoặc điều hành nhà thổ, song không hề trừng phạt khách mua dâm cũng như gái bán dâm. Việc kinh doanh nhà thổ là hợp pháp ở Hà Lan và Đức nếu những người kinh doanh có giấy phép hoạt động hẳn hoi.
Nghị sĩ Thụy Điển Marianne Eriksson cho biết, bà đã bị các ông nghị khác chế giễu khi lần đầu tiên đề nghị thay đổi luật về mại dâm tại Nghị viện châu u hồi năm 1997. "Đối với họ, đó là điều ngớ ngẩn nhất mà họ từng nghe đến. Nhiều người còn cười ré lên", bà Eriksson nhớ lại. Kể từ đó, bà này rời Nghị viện châu u để làm chủ tịch một chi nhánh của đảng cánh tả đối lập tại Stockholm.
Điều đáng nói là nếu như ngày trước, bà Eriksson bị chế nhạo thì hiện nay, sự thành công của Thụy Điển đã trở thành tấm gương cho nhiều nước học tập.
Châu Yên
Bình luận (0)