Chống mất điện trên diện rộng

07/11/2014 07:02 GMT+7

Trong tháng 9.2014, EVN ghi nhận có 2 sự cố liên tiếp trên đường dây 500kV gây mất điện trên diện rộng. Vậy làm thế nào để khắc phục, hạn chế, đảm bảo an toàn trên hệ thống điện 500kV?

Công nhân EVN sửa chữa vận hành đường dây tại Đà Nẵng
Công nhân EVN sửa chữa vận hành đường dây tại Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Trà

Sự cố bất khả kháng

Do đặc điểm phân bố không đồng đều cũng như chế độ hoạt động khác nhau của các nguồn điện tại VN, nên lưới điện 500kV thường xuyên phải truyền tải một lượng công suất rất lớn, đặc biệt ở các đường dây Nho Quan - Hà Tĩnh - Đà Nẵng trên giao diện Bắc - Trung, các cung đoạn từ Pleiku - Phú Lâm trên giao diện Trung - Nam nên rất dễ gây ra sự cố gây mất ổn định trên hệ thống. Vào khoảng 12 giờ 15 ngày 2.9, tại Trạm 500kV Đà Nẵng đã xảy ra sự cố kháng điện làm nhảy đường dây 500kV 572 Đà Nẵng - 571 Pleiku. Sự cố trên đường dây này đã tác động đến cả đường dây 500kV Đà Nẵng - Dốc Sỏi - Pleiku và đường dây 500kV 574 Đà Nẵng - 547 Hà Tĩnh, làm mất liên kết hệ thống điện 500kV Bắc - Nam.

 

Theo EVN, năm 1994 đường dây 500kV mạch 1 được đưa vào vận hành kết nối hệ thống điện Bắc - Trung - Nam có chiều dài 1.488km. Từ 1994-2000, tổng điện năng trao đổi giữa các miền đạt 40 tỉ kWh, đạt 13,8% tổng sản lượng điện Quốc gia. Cũng theo EVN, đến cuối năm 2013, toàn bộ hệ thống 500kV tại VN có tổng chiều dài 4.887km và 20 trạm biến áp với tổng công suất 19.350MVA.

Ngay khi sự cố xảy ra, EVN đã chỉ đạo Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, Tổng công ty truyền tải Quốc gia và các tổng công ty điện lực... khẩn trương khắc phục sự cố, đến 12 giờ 55 ngày 2.9 toàn bộ phụ tải đã được khôi phục. Sau đó, ngày 20.9, lại thêm một sự cố khác gây ảnh hưởng đến vận hành đường dây 500kV Đà Nẵng - Hà Tĩnh khi rừng keo lá tràm ở xã Sơn Hải (H.Hải Lăng, Quảng Trị) bị cháy, may nhờ đường dây 500kV mạch 2 “tiếp sức” nên hệ thống điện quốc gia vẫn đảm bảo.

Cũng theo EVN trong năm 2013 đã xảy ra 3 sự cố lớn trên đường dây 500kV. Nặng nhất là sự cố xảy ra ngày 26.4.2013 gây nhảy 2 mạch đường dây Hà Tĩnh - Đà Nẵng làm tách mảng hệ thống điện miền Bắc với hệ thống điện miền Trung và miền Nam. Ngoài ra, trong ngày 22.5.2013 cũng xảy ra sự cố gây nhảy đường dây Di Linh - Tân Định khi đang truyền tải công suất cao vào miền Nam đã tác động lớn đến đường dây Đắk Nông - Phú Lâm làm tách mảng và gây mất điện toàn bộ hệ thống điện miền Nam. Cũng theo EVN, các sự cố lớn gây mất điện trên diện rộng trên đường dây 500kV được ghi nhận vào các năm 2006, 2008 và 2012.

Vận hành sao cho an toàn?

Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, các sự cố mất điện trên diện rộng có thể xảy ra khi hệ thống vận hành ở chế độ biên, xuất phát từ một hoặc vài phần tử bị tách ra khỏi vận hành và gây phản ứng dây chuyền dẫn đến việc một loạt các phần tử bị tách ra khỏi vận hành. “Hơn nữa, sự cố mất điện diện rộng có thể xuất hiện và diễn biến trong thời gian ngắn mà bản thân người vận hành không thể kịp phân tích hay tính toán nhằm đưa ra các quyết định hợp lý”, ông Ninh phân tích.

Chính vì vậy, hệ thống đo lường, giám sát và bảo vệ diện rộng khai thác các tiến bộ mới nhất trong các kỹ thuật về cảm biến, truyền thông, máy tính, thuật toán và đặc biệt là công nghệ đo lường được đồng bộ hóa. “Sự xuất hiện của các thiết bị đo góc pha được đồng bộ hóa - PMU chính là chìa khóa, là cuộc cách mạng toàn diện trong lĩnh vực giám sát, điều khiển và bảo vệ hệ thống điện”, ông Nguyễn Văn Ninh nói. Ông Ninh cũng cảnh báo: “Hệ thống điện 500kV của VN hiện nay và những năm tiếp theo thường truyền tải một lượng công suất lớn từ hệ thống điện miền Bắc, Trung vào Nam. Trong một số chế độ vận hành cực đoan, nguy cơ xảy ra mất ổn định là rất cao”.

Do đó, việc trang bị các bộ PMU nhằm cảnh báo tình trạng vận hành của hệ thống điện sẽ giúp cho người vận hành có được những phản ứng kịp thời, hiệu quả nhằm đảm bảo truyền tải an toàn trên hệ thống điện 500kV.

Hữu Trà

 >> Nỗi lo mất điện trong mùa mưa lũ
>> Đà Nẵng mất điện kéo dài trên diện rộng
>> Đèn vẫn sáng dù mất điện
>> Toàn tỉnh Quảng Bình vẫn mất điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.