Chồng mất trước vợ, khi nào người con được mở thừa kế di chúc?

Ngân Nga
Ngân Nga
07/09/2023 08:25 GMT+7

Cả hai vợ chồng lập di chúc chung căn nhà cho con, nếu chồng qua đời trước thì người con chỉ được mở thừa kế tài sản phần của người cha; người vợ vẫn được hưởng thừa kế từ chồng.

Cha mẹ tôi có 5 người con đều trên 18 tuổi và đã có gia đình riêng. Do tôi và em út khó khăn nhất nên được cha mẹ di chúc cho thừa kế căn nhà, mỗi người được hưởng 1/2 giá trị. Cha tôi mới qua đời cách đây 1 năm. Lúc này người em út muốn bán căn nhà để có vốn làm ăn nhưng tôi và mẹ không đồng ý.

Giờ mẹ tôi thay đổi ý định, không muốn di chúc tài sản này cho người em út, mà chỉ muốn để mình tôi được hưởng thừa kế, mục đích là giữ lại căn nhà này.

Mẹ tôi vẫn còn sống thì em tôi có được mở thừa kế để bán căn nhà? Mẹ tôi có thể hủy bỏ, sửa đổi di chúc được không?

Bạn đọc Lê Thiết.

Luật sư tư vấn

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền (Công ty luật TNHH HPL và cộng sự) tư vấn, căn cứ theo điều 624 và 643 bộ luật Dân sự, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế. Trong đó, thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết.

Chồng mất trước vợ, khi nào người con được mở thừa kế di chúc? - Ảnh 1.

Luật sư Đặng Thị Thúy Huyền

NVCC

Cha mẹ bạn đã lập di chúc chung, do đó khi cha bạn mất trước thì phần di chúc của ông lập đã phát sinh hiệu lực. Vì vậy, mẹ bạn chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình mà không có quyền thay đổi nội dung di chúc của cha bạn.

Căn nhà là tài sản chung của vợ chồng. Nếu không xác định được công sức đóng góp của mỗi người, thì cha và mẹ mỗi người sẽ được hưởng 1/2 giá trị căn nhà.

Ngoài ra, theo quy định tại điều 644 bộ luật Dân sự, thì con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động sẽ thuộc diện người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc.

Như vậy, mẹ bạn "vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn 2/3 suất đó".

Luật sư Huyền phân tích, giả sử giá trị căn nhà là 1,8 tỉ đồng. Nếu không xác định được công sức đóng góp, thì cha và mẹ bạn mỗi người được hưởng 1/2 giá trị căn nhà, tương đương với 900 triệu đồng.

Nếu cha bạn không có di chúc, thì căn nhà của cha bạn sẽ được chia theo pháp luật (gồm chia cho mẹ bạn và 5 người con), mỗi phần thừa kế sẽ có trị giá là 150 triệu (tức 900 triệu chia thành 6 phần). Tuy nhiên, do cha bạn đã có di chúc và phần di chúc này đã phát sinh hiệu lực, nên mẹ bạn sẽ được hưởng phần di sản từ cha bạn để lại bằng 2/3 phần của người thừa kế theo pháp luật, nghĩa là 150 triệu x 2/3 = 100 triệu đồng.

Như vậy, bạn và người em út sẽ được hưởng theo di chúc của cha bạn là 800 triệu đồng (tức 900 triệu -100 triệu). Vậy phần của em bạn là 400 triệu đồng.

"Theo tôi, nếu muốn giữ lại căn nhà thì mẹ và bạn nên định giá căn nhà trên. Từ đó đưa lại tiền cho người em út, tương đương với giá trị phần thừa kế mà người em này được hưởng. Nếu không thỏa thuận được, các bên có quyền khởi kiện ra tòa phân chia di sản thừa kế", luật sư Huyền nói.

Căn cứ điều 56 luật Công chứng, trường hợp di chúc đã được công chứng, nếu mẹ bạn muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần di chúc, đều có thể yêu cầu bất kỳ công chứng viên nào công chứng việc này.

Nếu di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng, thì người lập di chúc phải thông báo cho công chứng đang lưu giữ di chúc biết về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.