Ngày 22.1, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 1 Ngô Văn Tân (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3) cho biết, khai thác bệnh sử, chị T. cho biết chị đã tự mua thuốc điều trị nhưng không đỡ. Chị không tự đi lại được vì chóng mặt dẫn đến dễ té ngã, tình trạng bệnh không thuyên giảm, gây ảnh hưởng nhiều đến công việc hằng ngày.
Tại bệnh viện, qua thăm khám, chị T. được chẩn đoán chóng mặt kịch phát lành tính. Bệnh nhân được điều trị kết hợp thuốc y học cổ truyền và các phương pháp không dùng thuốc như hào châm, xoa bóp bấm huyệt. Sau quá trình điều trị, chị T. hết chóng mặt xoay tròn, giảm buồn nôn và nôn, có thể tự đi lại sinh hoạt cá nhân. Chị T. tiếp tục điều trị ngoại trú bằng thuốc y học cổ truyền sau khi xuất viện cho đến khi tình trạng bệnh ổn định.
Tương tự, nam bệnh nhân (35 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng đến khám với các triệu chứng tương tự như trên. Anh được bác sĩ chẩn đoán chóng mặt kịch phát lành tính, được chỉ định điều trị thuốc đông y và xoa bóp bấm huyệt.
Bác sĩ Tân cho biết, chóng mặt kịch phát lành tính là một tình trạng rối loạn thường gặp của hệ thống tiền đình xảy ra khi có sự thay đổi đột ngột vị trí của đầu, chẳng hạn như khi ngẩng đầu lên hoặc xuống, đứng lên hay ngồi dậy bất ngờ. Người bệnh có cảm giác bản thân mình hay đồ vật xung quanh chuyển động, xoay tròn; xuất hiện khi thay đổi tư thế hay xoay trở đầu trên giường, cúi xuống hoặc nhìn lên; không kèm ù tai hay giảm thính lực. Có thể kèm theo buồn nôn, nôn. Thường xảy ra ở người trung niên, nữ gặp nhiều hơn nam, triệu chứng có thể được kích hoạt hay nặng nề hơn khi có sự thay đổi áp suất khí quyển, mất nước, thiếu ngủ, stress…
Theo y học cổ truyền, chóng mặt thuộc phạm vi chứng Huyễn vựng, nguyên nhân có thể do cơ thể cảm phải ngoại tà hoặc rối loạn công năng tạng phủ trong cơ thể. Các phương pháp điều trị sẽ là dùng thuốc y học cổ truyền và các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, tập dưỡng sinh giúp điều chỉnh công năng của tạng phủ, đẩy lui ngoại tà.
Theo bác sĩ Tân, chóng mặt kịch phát lành tính tuy không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng gây cản trở hoạt động hằng ngày, giảm chất lượng cuộc sống. Nghiêm trọng hơn, cơn chóng mặt có thể gây té ngã, đặc biệt ở người lớn tuổi, dẫn đến những chấn thương nguy hiểm.
Mặt khác, nếu cơn chóng mặt xảy ra với tần suất thường xuyên hoặc kèm thêm các triệu chứng khác thì người bệnh cần đi thăm khám để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý kèm theo.
Bình luận (0)