Chống ngập bằng phí?

03/06/2020 04:16 GMT+7

TP.HCM đang tính chuyện xã hội hóa chống ngập, nói đơn giản là tính chuyện thu phí chống ngập tới từng hộ gia đình, từng người dân.

Cách đây mấy năm, TP cũng tính chuyện thu phí thoát nước sinh hoạt. Theo đó, khách hàng sử dụng càng nhiều nước sạch thì phải trả phí càng cao cho dịch vụ thoát nước.
Với việc áp dụng thu phí dịch vụ thoát nước, mỗi năm ngân sách TP có thêm cả ngàn tỉ để chi trả cho các dịch vụ thu gom, vận hành, bảo trì hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn.
Mức thu cũng sẽ tăng dần theo từng năm. Thế nhưng đề án này chưa thuyết phục được người dân dù cũng nói rõ, nếu áp dụng thu phí thoát nước thì sẽ bỏ thuế bảo vệ môi trường (10% trên giá nước sinh hoạt).
Lý do là tỷ lệ thất thoát nước sạch sinh hoạt từ lâu đã được Tổng công ty cấp nước Sài Gòn Sawaco "cộng" vào giá nước hằng tháng rồi "bổ đầu" đến hàng triệu hộ gia đình để "bù" cho chi phí sản xuất nước sạch sinh hoạt, khiến giá nước luôn tăng đều hằng năm. Nếu thay thuế bảo vệ môi trường bằng phí thoát nước tính theo mét khối thì số tiền người dân phải đóng sẽ càng tăng mạnh.
Có một thực tế là ngập lụt đã trở thành vấn nạn của TP.HCM nhiều năm nay. Điều đáng buồn hơn là công tác chống ngập ngày càng trở nên bế tắc, trong đó thiếu vốn là lý do quan trọng nhất.
Ngân sách không kham nổi thì phải tính chuyện xã hội hóa. Thế nhưng vấn đề là nguyên nhân gây ngập thì do nhiều phía, nhiều đối tượng. Ví dụ do lỗi quy hoạch, nén cao ốc vào nội đô, bê tông hóa từ trên trời cho tới dưới đất khiến việc thoát nước bị ảnh hưởng; hay chuyện buông lỏng khai thác nước ngầm tràn lan khắp nơi gây sụt lún mặt đất khiến ngập lụt gia tăng.
Ngay cả chuyện ngập đâu chống đấy, không đồng bộ; rồi các dự án dở dang gây chặn dòng chảy và tất nhiên không thể thiếu nguyên nhân từ việc xả rác bừa bãi, thiếu ý thức từ nhiều người dân... tất cả đều góp phần gây nên tình trạng ngập lụt ở TP. Nhưng nếu "đổ" hết lên đầu người dân để thu phí thì chưa thực sự thỏa đáng.
Thực ra về lâu dài, chuyện thu phí thoát nước cũng là điều phải tính tới, ngân sách không thể kham hết được trong khi nhu cầu thì ngày càng cao. Hộ nào nước thải nhiều thì phải trả nhiều, hộ nào xài ít, trả ít. Nhưng trước khi tính chuyện này, cũng phải sòng phẳng và rạch ròi khoản chi phí do thất thoát nước sạch, không thể cứ đổ đồng lên đầu người dân phải chịu như hiện nay. Với tỷ lệ thất thoát đến năm 2019 vẫn trên 20%, tính theo đơn giá nước hiện hành, mỗi năm người dân TP.HCM cũng gánh cả ngàn tỉ đồng "oan uổng". Chuyện này cũng đã được "kêu" rất nhiều lần nhưng vẫn không thay đổi trong khi TP cứ loay hoay hết tính chuyện thu phí thoát nước tới thu phí chống ngập.
Vì vậy trước mắt, nên tập trung giảm tối đa tỷ lệ thất thoát nước sạch sinh hoạt, ngân sách cũng có một khoản tiền lớn để chi xài cho các nhu cầu thay vì tính chuyện chống ngập bằng cách thu phí tới người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.