Người dân sẽ phải trả tiền chống ngập ?

02/06/2020 00:00 GMT+7

Giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP.HCM được đề xuất là 3.668 đồng/m 2 /tháng đang gây nhiều tranh cãi. Bởi xã hội hóa đồng nghĩa với việc người dân TP sẽ phải đóng phí chống ngập .

Phí chồng thuế, người dân chịu thiệt

KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, không đồng tình với việc yêu cầu người dân phải đóng phí dịch vụ chống ngập vì 2 lý do: Thứ nhất, việc tính giá dịch vụ theo mét vuông là không hợp lý. Mỗi điểm ngập có những nguyên nhân khác nhau, không thể tính toán trên diện tích mét vuông, rồi áp dụng chung cho cả TP. Thứ hai, tác nhân gây ngập cho TP.HCM không phải người dân.

Nếu muốn huy động sức dân, TP có thể phát hành trái phiếu, công khai kế hoạch huy động, sử dụng nguồn lực này. Đồng thời, nên đấu thầu dịch vụ công. Đối với từng vùng, đưa ra đầu bài cụ thể, đấu thầu các dự án chống ngập từ khâu ý tưởng đến thiết kế kỹ thuật, thiết kế thi công. Làm cách này, các dự án minh bạch, hấp dẫn mà vẫn không phải bắt người dân trả phí để thu hút tư nhân tham gia.

Kỹ sư Lê Thành Công (Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C)

Ông Sơn phân tích: Tại Việt Nam mà đặc biệt là TP.HCM, nguyên nhân chính gây ngập là do phát triển thiếu bền vững, đô thị hóa tràn lan, nhà cao tầng bạ đâu “cắm” đấy, thiếu không gian dành cho nước và không nâng cấp hạ tầng. Bằng chứng là có rất nhiều khu vực như “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh, trước đây không ngập. Từ khi hàng loạt dự án, cao ốc mọc lên thì vừa mưa đã ngập. Mặt khác, việc các dự án được “cắm” vô tội vạ, bê tông hóa toàn TP gây ngập là hệ quả của việc buông lỏng quản lý trong cấp phép quy hoạch, xây dựng.

Nỗi ám ảnh trong ngôi nhà cứ hễ Sài Gòn mưa lớn lại ngập sâu

Theo ông Sơn, tại các nước phát triển, trước khi cấp phép quy hoạch và xây dựng cho 1 công trình, họ sẽ phải đánh giá tác động môi trường để tính toán phương án của chủ đầu tư đưa ra, với hạ tầng hiện hữu sẽ gây ngập, kẹt xe, ô nhiễm như thế nào. Chi phí này do chủ đầu tư bỏ tiền để nhà nước đứng ra thuê 1 đơn vị độc lập phân tích. Sau đó, cơ quan quản lý phải thương lượng, điều chỉnh quy hoạch để giảm tác động môi trường tới mức ít nhất. Nếu chủ đầu tư không muốn điều chỉnh phương án, gây ngập thì sẽ phải chịu trách nhiệm, đóng góp kinh phí cho nhà nước làm hạ tầng thoát nước. Trong khi đó tại Việt Nam, luật Đánh giá tác động môi trường có nhưng do chính nhà đầu tư tự thực hiện, thường đánh giá qua loa để được cấp phép. Như vậy, nguyên nhân gây ngập là do các nhà đầu tư hạ tầng, bất động sản và sự buông lỏng quy hoạch của chính quyền, không phải lỗi của người dân.
“Chống ngập là dịch vụ công. Người dân đã phải đóng thuế và nhà nước có trách nhiệm đảm bảo họ được sống ở nơi không có ngập lụt. Nay vì lỗi do chính quyền, do doanh nghiệp, người dân tự nhiên phải chịu ngập rồi còn phải trả tiền chống ngập nữa thì quá vô lý”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói thẳng và cho rằng thay vì chạy theo các dự án công trình tốn kém, thì TP trước tiên phải rà soát, thương lượng lại với các nhà đầu tư đã được cấp phép. Công trình nào đã xây rồi thì đánh giá lại tác động môi trường và yêu cầu góp chi phí xây dựng công trình chống ngập. Công trình nào chưa xây mà không đảm bảo phương án chống ngập thì tạm ngưng, không cho tiếp tục.

Gây ngập bao nhiêu đóng tiền bấy nhiêu

Chống ngập cho TP.HCM tốn bao nhiêu tiền 1 mét vuông?

Quan điểm trái chiều, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định việc thu giá dịch vụ chống ngập là điều hoàn toàn nên làm.
“Cũng như các dịch vụ công khác, chúng ta vẫn đóng thuế nhưng khi đi bệnh viện phải đóng viện phí, đi học phải đóng học phí, di chuyển đóng phí đường bộ thì tại sao chống ngập phải giữ bao cấp? Đối với tất các lĩnh vực, phải dựa trên quy luật kinh tế chung: Thu đủ bù chi. Nếu ngân sách không đáp ứng được thì phải thu thêm”, ông Phi phân tích và cho rằng việc nói TP.HCM ngập do lỗi quy hoạch là đúng, nhưng đây chỉ là một phần nguyên nhân. Các hiện tượng thiên tai như nước biển dâng, mưa nhiều hơn, sụt lún... đều nằm ngoài các giải pháp quy hoạch.
Theo vị này, các nước phát triển gộp chung phí thoát nước vào 1 sắc thuế liên quan đến nước đầu vào, đầu ra bao gồm cả xử lý nước thải, môi trường... Loại thuế, phí này thường cao gấp 2 - 3 lần tiền thu nước sạch. Tại TP.HCM hiện nay, trong hóa đơn nước, mỗi hộ phải đóng thêm 10% thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên phí dịch vụ chống ngập không nên gộp chung vào đây mà phải thu theo tỷ lệ mặt phủ không thấm để đảm bảo công bằng. Cụ thể, trên miếng đất 100 m2, có 60 m2 đất không thấm, không có chỗ cho nước mưa ngấm xuống thì chủ sở hữu phải trả tiền cho 60 m2 đất gây ngập đó. Nếu hộ nào điều tiết được, cái tạo được thành đất thấm thì không phải trả. Đối với 1 dự án cũng vậy, tỷ lệ mặt phủ không thấm tăng lên thì phần nước mưa thặng dư phải do doanh nghiệp trả tiền.
“Những người lên vùng đất cao xây nhà, không gây ngập thì không phải trả. Hiện nay cả xã hội ngưng trệ vì mấy chục năm chi phí đầu tư cho chống ngập không có. Giao thông, y tế, giáo dục đã tìm thấy lối ra. Nếu không mạnh dạn đột phá tư duy xóa bỏ “bao cấp” thì công tác chống ngập TP.HCM sẽ mãi lay lắt, không có lối ra”, ông Phi nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.