Chống ngập cho Tân Sơn Nhất

16/08/2017 08:30 GMT+7

Theo lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tình trạng kênh thoát nước A41 bị lấn chiếm là nguyên nhân chính dẫn đến việc sân bay bị ngập.

Hôm qua (15.8), UBND TP.HCM đã có buổi họp nghe báo cáo tình hình thoát nước tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo lãnh đạo cảng hàng không, tình trạng kênh thoát nước A41 bị lấn chiếm là nguyên nhân chính dẫn đến việc sân bay bị ngập.
850 m mương bị lấn chiếm
Tại cuộc họp, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (cảng hàng không), thông tin: Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) hiện có 3 hướng thoát nước chính gồm thoát nước phía bắc ra hướng kênh Tham Lương, phía đông nam thoát ra hướng mương Nhật Bản và phía nam thoát qua mương A41, qua Phan Thúc Duyện, ra Cộng Hòa. Trong 3 hướng này, hướng mương A41 đang là “nút thắt” lớn nhất và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến ngập cục bộ một số sân đỗ, đường lăn trong sân bay.
Theo thực tế khảo sát của cảng hàng không, cả đoạn mương dài 850 m từ đường Phan Thúc Duyện đến Cộng Hòa xuyên qua khu dân cư P.4, Q.Tân Bình (chiếm diện tích thoát nước khoảng 120 ha trong đó có 40 ha đất trong khu vực sân bay, 20 ha thuộc các đơn vị lân cận sân bay và còn lại của các khu dân cư thuộc P.4) đã bị lấn chiếm nhiều năm. Kết cấu bờ mương và lòng mương trước đây là 8 m và 6 m, sâu 3,5 m nhưng hiện nay có những chỗ chỉ còn chưa đến 0,5 m. Thời gian qua, TP cũng đã thực hiện nạo vét, khơi thông một số tuyến, tuy chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ngập tại sân bay dù thời gian thoát nước đã được cải thiện hơn rất nhiều.
Theo ông Đặng Tuấn Tú, để xử lý hoàn thiện kênh A41 này, ước tính chi phí hơn 300 tỉ đồng, thực hiện trong 2 năm bao gồm cả công tác giải tỏa và gây dựng lại lòng mương. “Chi phí như vậy là rất lớn trong khi nguồn lực của TP còn khó khăn để giải tỏa toàn tuyến. Trong 850 m mương có khoảng 6 nút thắt chính vì vậy nên dồn lực giải tỏa đền bù các hộ dân tại 6 nút này. Khơi thông mở rộng 6 nút thắt có thể khôi phục tương đối về dòng chảy”, ông Tú đề xuất.
Đại diện Q.Tân Bình cho biết: Hiện có khoảng 179 hộ dân cư khu vực P.4 cần giải tỏa phục vụ dự án cải tạo mương A41. Tuy nhiên việc giải tỏa tương đối khó khăn do hầu hết đất trong khu vực này đều là đất được cấp cho gia đình quân nhân nên rất phức tạp về vấn đề pháp lý. Hơn nữa, mức độ lấn chiếm cũng rất nặng, có nhiều trường hợp lòng kênh “nằm gọn” trong hộ dân.
Sau khi nghe báo cáo của đại diện cảng hàng không và Q.Tân Bình, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu ngay lập tức thông dòng, không hỗ trợ bồi thường đối với các trường hợp lấn chiếm kênh rạch. “Q.Tân Bình tiếp tục theo tiến độ dự án tái tạo mương A41, xử lý đúng pháp luật các trường hợp lấn chiếm. Bên cạnh đó, rà soát lại diện tích các phần kênh bị lấn chiếm, báo cáo lại với UBND TP kế hoạch chi tiết để thông nguồn. Không chờ dự án tổng thể, nút thắt nào làm được phải gỡ ngay”, ông Tuyến nói và khẳng định các dự án của TP sau này cần siết chặt quản lý, hạn chế tối đa việc lấn kênh, lấp rạch.
Băn khoăn với phương án hồ điều tiết
Trước đó, Cục Hàng không đã đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với Bộ Quốc phòng, chấp thuận phương án xây hồ điều hòa tại khu vực đất quốc phòng (hiện là sân bóng mini Chảo Lửa), nhằm thoát nước cho sân bay TSN. Hồ điều hòa được dự kiến xây dựng với diện tích khoảng 1,3 ha, sâu 5 - 7 m để có thể giải quyết ngập úng cục bộ cho khoảng 20 ha sân đỗ máy bay.
Tuy nhiên, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), cho rằng xây hồ điều hòa, nếu không có tư vấn từ chuyên gia chuyên ngành sẽ trở thành dự án tốn tiền mà vẫn không giải quyết được vấn đề vì không có chỗ cho hồ thoát nước. “Việc cần làm là khơi thông mương A41, khơi thông dòng xong mà sân bay vẫn ngập thì mới tính tiếp các phương án bổ trợ”, ông nói.
Đồng quan điểm, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC - ĐH Quốc gia TP.HCM, kiến nghị TP nên ưu tiên những phương án khơi thông nguồn thoát nước về các hướng để giải quyết lượng nước mặt, giải quyết ngập do triều bằng hệ thống đê và cống. Đây mới là những giải pháp căn cơ dài hạn.
Liên quan đến vấn đề này, TS Lương Hoài Nam cho rằng: “Nếu không có những tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, hồ điều hòa rất có khả năng trở thành ao tù nước đọng, tốn đất, tốn tiền, nhưng có thể sẽ không mang lại hiệu quả mà có khi còn phản tác dụng, thành nơi tích tụ các chất thải gây ô nhiễm”.
Không để ùn tắc, kẹt xe quá 5 phút ở khu vực sân bay
Cũng tại buổi làm việc, ông Đặng Tuấn Tú đánh giá hiện ách tắc lớn nhất phía sân bay là khu vực nút giao Lăng Cha Cả. Ông đề xuất xây cầu vượt từ cuối đường Trường Sơn băng qua công viên Hoàng Văn Thụ, có 2 nhánh chữ y ra đường Hoàng Văn Thụ và Nguyễn Văn Trỗi để lượng xe từ phía sân bay ra sẽ không phải đi qua đường Trần Quốc Hoàn, nút giao Lăng Cha Cả.
Bên cạnh đó, ông Tú đề xuất hạn chế lượng xe qua lại đường Trường Sơn bằng cách phân luồng, cấm xe tải lưu thông... Phó giám đốc Sở GTVT Nguyễn Văn Tám cho biết đơn vị đã phê duyệt dự án mở rộng đường Trần Quốc Hoàn từ hẻm số 2 đến đường Thăng Long (nhánh rẽ phải từ Trần Quốc Hoàn về Cộng Hòa), tăng mặt đường từ 5 m lên 15 m nhằm xóa ùn tắc ở nút giao Lăng Cha Cả. Ngoài ra, Sở GTVT cũng đã lên kế hoạch khởi công dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám để giảm ùn tắc ở giao lộ Hoàng Minh Giám - Đào Duy Anh.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết đã giao Sở GTVT và Văn phòng UBND TP.HCM tham mưu, thành lập ngay hai tổ phản ứng nhanh gồm CSGT, thanh tra GTVT và lực lượng thanh niên xung phong để giải quyết hai điểm “nóng” về kẹt xe ở TP.HCM là khu vực sân bay TSN và cảng Cát Lái. Với những vụ va quệt, tai nạn dễ gây ùn tắc, thay vì mất thời gian lập biên bản, tổ phản ứng nhanh sẽ chụp ảnh hiện trường và điều các phương tiện tới giải tỏa ngay lập tức, chứ không để ùn tắc kéo dài quá 5 phút.
T.Hiếu - H.Mai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.