Chống ngập theo kiểu 'chạy đua, đối phó', tốn ngân sách, không hiệu quả

22/05/2018 20:35 GMT+7

Theo các chuyên gia, TP.HCM không nên đầu tư các công trình chống ngập theo kiểu “chạy đua, đối phó” chỉ ngốn ngân sách mà không mang lại hiệu quả.

“Ngập là do mưa lớn”
Hai trận mưa lớn vào ngày 7.5 và 19.5 vừa qua làm nhiều tuyến đường ở TP.HCM nước ngập sâu gần tới yên xe như: Lê Đức Thọ, Cây Trâm, Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp); Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh; Kha Vạn Cân, Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức)… ; giao thông bị ùn tắc kéo dài. Riêng tại các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương, Phan Anh… đến khoảng hơn 5 giờ sau khi kết thúc mưa, lượng nước ngập mới rút.
Lý giải cho tình trạng ngập úng triền miên, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng thoát nước Trung tâm chống ngập TP.HCM cho rằng, một trong những nguyên nhân là do thông số quy hoạch không còn phù hợp với thực tế, nên một số cống thoát nước được đầu tư trong thời gian qua trở nên quá tải. Ngoài ra, do việc chậm triển khai quy hoạch các dự án chống ngập có nguồn vốn lớn, trong khi nguồn lực TP hạn chế, không đủ đáp ứng. 
“Đối với trận mưa ngày 19.5, thời gian mưa diễn ra khoảng từ 60 đến 90 phút, với vũ lượng cao nhất khoảng 120mm. So với tần suất thiết kế trước đây, thì khoảng 30 năm mới xảy ra trận mưa có vũ lượng mưa lớn như thế này. Vậy nên trận mưa này đã khiến hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến đường trên địa bàn không thoát nước kịp. Hay tại tuyến đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), lượng mưa kéo dài đến 4 giờ sáng kết hợp với triều cường bắt đầu lên làm cho khu vực này ngập úng kéo dài”, ông Long lý giải.
Chống ngập theo từng tuyến đường là không hợp lý
Sau những trận mưa vừa qua, nhiều người đã đặt dấu hỏi về tính hiệu quả của những công trình chống ngập hiện hữu.
Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP, để nhận định những công trình chống ngập có hiệu quả hay không, trước tiên phải xem xét lại cấu trúc hệ thống. Hiện nay, một số khu vực bị lún so với các thiết kế trước đây, gây ảnh hưởng đến dòng chảy. Vì vậy, buộc phải kiểm tra lại xem cấu trúc đường cống đã đủ độ dốc hay chưa. Sau đó là xem xét việc khai thác, quản lý của TP.
Ông Cương cho rằng, nói hệ thống thoát nước được xây dựng trước đây, hiện không phù hợp khiến cho tình trạng ngập úng kéo dài là không chính xác. Dù dân số hiện nay có chiều hướng tăng, nhưng TP đã mở rộng và xây dựng mới thêm nhiều hệ thống thoát nước. Vì vậy không thể đỗ lỗi cho hệ thống thoát nước được xây dựng trước đây. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng kéo dài là do hiện tượng bê tông hóa, khiến lưu lượng nước thấm vào lòng đất ít, dẫn đến việc thoát nước dồn hết vào cống.
GS.TS Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và quản lý môi trường (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) nhận định, các công trình chống ngập hiện nay của TP không có chiến lược rõ ràng; ngốn tiền ngân sách mà vẫn chưa đạt hiệu quả ; chống ngập theo kiểu “chạy đua, đối phó”, khiến các công trình không được đầu tư đồng bộ, kém hiệu quả như: lắp máy bơm chống ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, nâng cấp đường Nguyễn Văn Quá, dự án chống ngập 10 nghìn tỉ đồng của Trung Nam giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2018, nhưng đến nay lại ngưng thi công do nguồn vốn chưa cấp đủ. Việc chống ngập theo từng tuyến đường như hiện nay là không hợp lý...
Theo PGS.TS Hồ Long Phi, chuyên gia trong lĩnh vực chống ngập cho rằng, việc giải quyết được tình trạng ngập úng là vấn đề lâu dài. Tuy nhiên, xét về cơ bản thì nằm ở 3 khía cạnh là kỹ thuật, tài chính và TP phải làm rõ các cam kết, đặc biệt phải có sự đồng thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.