Chống nghiêng cho tháp “xỉn”

07/12/2013 12:59 GMT+7

Được kiến trúc sư Kazik gọi là “tháp xỉn”, từ lâu tháp B3 đã bị nghiêng và đối diện nguy cơ đổ sụp cao nhất tại khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn và hiện đang phải cấp tập chống nghiêng lẫn chống lún sau khi xuất hiện các vết nứt mới, thậm chí nghiêng nặng…

Chống nghiêng cho tháp “xỉn”

Chuẩn bị chống nghiêng, lún tại tháp B3 - ảnh: Văn Khoa 

Toàn thân B3 nghiêng 8 độ về hướng tây nam, trong đó có khe nứt sâu 7cm, rộng khoảng 4cm... khiến “tháp xỉn” B3 được quan tâm đặc biệt, sau hàng chục năm chống chọi với tình trạng nghiêng nhẹ. Cái tên “tháp xỉn” gắn với B3 từ khoảng năm 1992, khi cố kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski (tên thân mật là Kazik) trong một lần cao hứng đã gọi. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, người đã làm việc nhiều năm với Kazik, kể: Có hôm hai người ăn giỗ ở một làng gần Mỹ Sơn (H.Duy Xuyên), khi quay về ngang qua tháp Kazik chỉ ngôi tháp đang bị nghiêng và nói “cái tháp kia bị xỉn, nhưng chúng ta thì phải tỉnh táo để còn phải giữ cho nó khỏi nghiêng”.

Kazik gắn liền với công tác trùng tu, khảo cổ tại hoàng thành Huế, đô thị cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn và góp công lớn đưa các di tích này vào danh sách di sản thế giới của UNESCO; còn B3 thì lại “chết tên” tháp xỉn cùng với kiến trúc sư người Ba Lan ấy.

Lo bị lún hơn nghiêng

 

Sẽ tranh thủ kinh nghiệm bảo tồn của Ấn Độ

Ban quản lý Khu di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết rất quan tâm đến nội dung tuyên bố chung sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Ấn Độ (từ ngày 19 đến 22.11). Trong đó, đề cập cụ thể nội dung bản ghi nhớ về bảo tồn và trùng tu tháp Chăm do Cục điều tra Khảo cổ học Ấn Độ tài trợ tại khu di tích Mỹ Sơn. “Chúng tôi đang chờ chương trình hợp tác mới này để tiếp tục nghiên cứu xử lý tháp B3, vì chuyên gia Ấn Độ vốn có nhiều kinh nghiệm trùng tu tháp Chăm”, ông Nguyễn Công Hường chia sẻ.

Nhưng dù Kazik đã từng cho xây tường gia cố ở hướng tây bằng xi măng và kiềng chân tháp, gia cố để cứu vãn tháp từ hàng chục năm trước, thì B3 cũng không hết “xỉn”. Ông Nguyễn Công Hường - Trưởng ban quản lý Khu di tích và du lịch Mỹ Sơn cho biết sau nhiều năm, các mảng xi măng gia cố bị bong tróc, nên các khe nứt lộ ra nhiều hơn. B3 là tháp Chăm bị ảnh hưởng nặng nhất bởi bom đạn chiến tranh giai đoạn 1968-1969, dấu vết hố bom hiện nằm cách chân tháp khoảng 5m. Từ lâu được cảnh báo về nguy cơ sụp đổ cao nhất trong quần thể kiến trúc các đền tháp Chăm Mỹ Sơn, nên thông tin B3 nghiêng đã được Viện Khoa học công nghệ - Bộ Xây dựng quan tâm và tiến hành nhiều cuộc khảo sát từ cuối tháng 9 cùng với cơ quan chuyên môn của Quảng Nam. Các chuyên gia xúc tiến đào thám sát tại cửa tháp B3, khoan thăm dò khảo sát tại các điểm B3, B5 và khe suối…, từ đó hoàn thiện phương án chống đỡ và xây dựng dự án bảo tồn cấp thiết.

Trong khi chờ Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) phê duyệt phương án chống đỡ và dự án tu bổ, cơ quan quản lý di tích địa phương đang tập trung lo gia cố, xử lý ổn định địa tầng. “Các vết nứt có thể chọn phương án dùng lõi thủy tinh đưa vào để 2 vách nứt nối lại, nhưng trước mắt phải chống lún. Tháp B3 bị nghiêng từ lâu, không đáng lo bằng nguy cơ lún”, ông Nguyễn Công Hường nói. Kết quả khoan thăm dò địa chất vừa tiến hành buộc các chuyên gia sớm phải xử lý chống lún từ xa, đệm cát cách chân tháp 5-7m để chống đất sụt ra phía bờ suối, đồng thời bù lượng đất bị khoét trước đó.

Trên thực tế, các chuyên gia Italia đã sớm tư vấn, cảnh báo cho ngành văn hóa Quảng Nam về tháp “xỉn” B3. Năm 2006, các chuyên gia Nhật Bản cũng khoan địa tầng và phát hiện mạch nước ngầm từ suối Khe Thẻ (nhánh phía tây) gây thấm và ảnh hưởng đến chân tháp B3. Trao đổi với Thanh Niên, ông Hồ Xuân Tịnh - Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam đánh giá tháp B3 là công trình còn nguyên vẹn nhất về hình dáng tại quần thể tháp Chăm ở Mỹ Sơn và đang trong tình trạng nghiêng lún nhưng trong quá khứ chưa có giải pháp xử lý nền móng bền vững, vì thế hiện rất được giới nghiên cứu và địa phương đặc biệt quan tâm.

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.