Chống sạt lở bằng cát không hiệu quả

22/08/2019 08:10 GMT+7

Về nguyên nhân sạt lở tái diễn nhiều lần trên tuyến QL91, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường đại học Cần Thơ, lý giải đây là khu vực yếu nhất trong đoạn sông, có chiều ngang hẹp.

Dòng nước chảy mạnh, tạt vào hai bên bờ tạo ra các hàm ếch khoét sâu dưới lòng sông, ăn vào bên trong bờ. Dòng chảy của sông khi tìm ra chỗ yếu nhất sẽ liên tục quật phá, gây sạt lở và khuynh hướng này sẽ còn tiếp tục diễn ra. Về nguyên tắc vật lý, việc này thực chất nhằm giảm bớt lực chảy và tạo ra sự cân bằng về năng lượng dòng chảy.
Tuy nhiên, nếu được tiếp thêm bùn cát thì tác động càng lớn, lực bào mòn càng mạnh.. Do đó, phương án thả bao tải cát với khối lượng cát tương ứng khoảng 26.000 m3 xuống sông để ổn định đường bờ mà UBND tỉnh An Giang vừa triển khai không những không giải quyết được vấn đề mà còn vô tình khiến trạng thái dòng chảy trở nên mất cân bằng, sẽ tiếp tục phá mạnh hơn hoặc dịch chuyển gây sạt lở vị trí khác.
Cũng theo ông Tuấn, phương án lấp cát để khắc phục sạt lở rất tốn kém, nếu “làm cho tới” ước tính phải mất hàng trăm tỉ, mà không ổn định lâu dài vì không thuận quy luật tự nhiên.
Đối với những đoạn sông không thể giải quyết được, nếu tiếp tục sạt lở thì phương án tốt nhất là nên “rút lui”. Theo đó, lãnh đạo tỉnh cần nhanh chóng tổ chức tái định cư cho người dân lùi dần vào phía trong. Đồng thời làm đường tránh, đường vòng thay vì chạy dọc sông để phương tiện lưu thông, vì tác động của xe cộ, đặc biệt là xe tải trọng lớn sẽ khiến cho nền đất càng thêm mất ổn định.
PSG-TS Lê Anh Tuấn nhận định tình trạng sụt lún tại ĐBSCL diễn biến phức tạp thêm thế nào phụ thuộc vào lượng phù sa từ sông Mê Kông chảy về. Khi các nước ở thượng nguồn xây dựng các công trình thủy điện, phù sa bị giữ lại, không thể chảy về bồi đắp cho ĐBSCL. Càng mất nhiều phù sa, càng không được bồi lắng thì sạt lở càng gia tăng.
“Trước mắt, cần rà soát lại bản đồ nguy cơ sạt lở để di dời dân càng xa càng tốt. Cần có cảnh báo, khuyến cáo những điểm nguy cơ cao, không cho xây dựng các công trình, khu công nghiệp. Đồng thời hạn chế tối đa việc khai thác cát trái phép”, ông Tuấn đề xuất.
Đồng tình, PGS-TSKH Nguyễn Tác An, Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, đánh giá các biện pháp hiện nay không giải quyết được triệt để tình trạng sạt lở tại QL91 nói riêng cũng như các vùng lân cận nói chung. Theo ông, trong quản lý thiên nhiên về cơ bản có 2 giải pháp là thích ứng và thích nghi. UBND tỉnh An Giang đang cố “chống lại tự nhiên” bằng cách lấy cát ở khu vực này lấp đầy khu vực sạt lở khác. Không những tốn kém, cưỡng ép tự nhiên mà hiệu quả cũng không cao vì có thể không chỉ sạt lở bờ, có thể nền móng đường còn sụt thì đổ bao nhiêu cát cũng không có ý nghĩa.
“Tạm thời, phải đánh giá sơ bộ phạm vi sạt lở và phải di dân ngay ra khỏi vùng sạt lở. Có thể sử dụng công nghệ mềm như làm đê “mềm”, đê sinh thái làm hạn chế động lực ở những vùng ven bờ để khắc phục sạt lở trước mắt. Song song đó, phải đánh giá, xem xét nhanh quá trình sạt lở xảy ra do đâu, do hoạt động khai thác của con người hay do sự thay đổi của tự nhiên, hoặc hoạt động kinh tế, sản xuất từ các vùng lân cận tác động? Chỉ khi tìm ra chính xác nguyên nhân thì mới có được giải pháp hiệu quả”, ông An kiến nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.