Chống tham nhũng trong quản lý đất đai

23/10/2012 03:10 GMT+7

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, kể ông bị ám ảnh bởi bộ hồ sơ khiếu kiện của một nhóm công dân ngoại thành Hà Nội, họ bị thu hồi đất, đuổi ra khỏi nhà mà không được đền bù một đồng. Sau đó, họ đã khiếu nại khắp nơi nhưng không ai giải quyết, không ai trả lời họ dù chỉ một câu.

“Tôi biết có những lắt léo trong hồ sơ của nhóm công dân này nhưng vấn đề là đã không ai đứng ra giải quyết thắc mắc của công dân và họ cứ khiếu nại mãi”, ông Võ nói.

Câu chuyện của Giáo sư Võ không phải là cá biệt, sự vô cảm của chính quyền địa phương trong giải quyết các khiếu nại của công dân vốn là vấn đề nhức nhối không chỉ trong lĩnh vực đất đai.

Tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội (QH) đang diễn ra, có 2 nội dung chính liên quan đến đất đai, lĩnh vực chiếm tới hơn 69% các khiếu nại của công dân hằng năm, còn tham nhũng trong quản lý thì luôn được đánh giá ở mức độ cao nhất trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước. Đó là sửa đổi luật Đất đai và QH thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

QH ban hành một nghị quyết để đảm bảo việc thực thi pháp luật về đất đai, trong bối cảnh có đến 70% quyết định hành chính bị khiếu nại là cần thiết nhưng điều đó quá dễ, khó chính là các đại biểu QH liệu có được câu trả lời: ai sẽ là người đảm bảo nghị quyết đó được thực thi hay không.

Còn nhớ, năm 2006, Bộ TN-MT để phục vụ cho đợt kiểm tra về quy hoạch treo đã lập một tổ tiếp nhận thông tin. Chỉ trong vòng 10 ngày, 3.000 ý kiến phát hiện quy hoạch treo được gửi về bằng điện thoại, fax, thư điện tử... 30% trong số đó được chọn để kiểm tra đều cho kết quả là phản ánh của người dân hoàn toàn chính xác. Đây là manh nha của một phương cách quản lý minh bạch. Chỉ tiếc rằng, cách thức này sau đó không còn được tiếp tục, nó lại trở về thực tại, đó là sự thiếu minh bạch về thông tin, thiếu minh bạch về trách nhiệm, thiếu minh bạch về quy hoạch, thiếu minh bạch về giá trị, thiếu minh bạch về pháp luật. Và điều này không được đặt vấn đề khi sửa đổi luật Đất đai, dự kiến sẽ được trình ra QH vào ngày 29.10.

Cơ chế quản lý đất đai ở VN hiện nay, được mô tả là nhà nước bằng một quyết định hành chính lấy đất của một hay một số người giao cho người khác, tiền đất đền bù và tiền thu từ việc giao đất cũng do nhà nước quyết định, bao hàm nguy cơ tham nhũng cực kỳ lớn. Điều này cũng không được đặt vấn đề sửa đổi.

Dự thảo luật Đất đai được cho rằng có tới 17 điểm sửa đổi nhưng thực tế phần lớn trong đó là nhắc lại các quy định trong bộ luật Dân sự, hoặc luật hóa một số điều (về thu hồi đất) của Nghị định 69 hiện hành. Chỉ có 2 điểm có sửa đổi gồm bổ sung quy hoạch vùng vào nội dung quy hoạch sử dụng đất và áp dụng cơ chế cho thuê đất đối với các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thay vì giao như hiện nay.

Để khắc phục tình trạng khiếu kiện gia tăng và chống tham nhũng trong quản lý, luật Đất đai cần phải thiết lập được một hệ thống giám sát, đánh giá thật chặt chẽ, nhằm thu nhận thông tin về thực thi pháp luật đất đai. Trong đó người quản lý phải có trách nhiệm giải trình và cộng đồng phải được tham gia nhiều hơn. Bởi lẽ, chỉ có một nguyên tắc, muốn quản lý tốt phải minh bạch.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.