Chữ Châu của chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh gọi chệch để tránh phạm húy... chúa Nguyễn?

05/12/2021 10:46 GMT+7

Vấn đề “Phan Châu Trinh hay Phan Chu Trinh” [ 潘周楨 ] trước đây có nhiều thảo luận, phần lớn cho rằng chữ “CHU” [ 周 ] do kỵ húy tên chúa Nguyễn Phúc Chu [ 阮福淍 ] mà đọc chệch thành “CHÂU”. Thực hư ra sao ?

Báo Đà Nẵng Online từng có bài Phan Châu Trinh hay Phan Chu Trinh? đăng ngày 20.03.2016 (https://baodanang.vn/channel/6059/201603/phan-chau-trinh-hay-phan-chu-trinh-2475861/index.htm) có đoạn viết như sau:

"Theo nhà sử học Dương Trung Quốc (trên báo Hà Nội Mới Tin chiều ngày 30.3.2006), đúng là đương thời tên cụ Phan được gọi là Châu, do gọi chệch từ Chu để không bị phạm húy như đã nói trên. Sau này tuy có thêm biến đổi được chấp nhận rộng rãi là Chu, nhưng vẫn theo ông Dương Trung Quốc thì gia đình cụ đã có ý kiến nên dùng phương án là Châu. Ông cũng đề nghị và kêu gọi tôn trọng ý kiến của gia đình.

Chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh

T.L

Vấn đề ở đây là, âm “CHÂU” của chữ “周” có thực sự là âm “đọc chệch” hay không? Chúng ta thử tìm hiểu hiện tượng này từ góc độ diễn biến âm Hán Việt xem sao.

Chữ “周” thuộc vận mẫu VƯU 尤, thuộc tam đẳng, khai khẩu (âm không tròn môi). Vận mẫu VƯU 尤 đã được các nhà ngôn ngữ học: Klas Bernhard Johannes Karlgren, Vương Lực 王力, Lý Vinh 李榮, Thiệu Vinh Phân 邵榮芬, Trịnh Trương Thượng Phương 鄭張尚芳, Phan Ngộ Vân 潘悟雲, Edwin George Pulleyblank phục dựng âm tiếng Hán trung cổ như sau: [i̯ə̯u], [ĭəu], [iu], [iəu], [ɨu], [iu], [uw].

Theo dữ liệu thống kê chúng tôi có được, vận mẫu VƯU 尤tương ứng với vần YÊU > ƯU/ ÂU thuộc âm Hán Việt trung cổ, trong đó vần YÊU là âm cổ nhất (vì là chữ thuộc tam đẳng nên có giới âm [i]). Sang thời cận cổ, vần ƯU/ ÂU rụng mất âm Ư và Â, diễn biến thành vần U (có một số ít biến thành vần O, cả hai đều là âm tròn môi, tức “hợp khẩu”, không còn tương ứng với hệ thống âm vận trung cổ vốn là “khai khẩu”). Dưới đây xin liệt kê một số chữ thuộc vận mẫu VƯU 尤 để dẫn chứng:

LIỄU; KHIÊU > KHƯU > KHÂU; CỮU > CẬU > CỤ; SẦU; THÂU > THU; XẤU > XÚ; 油 DẦU > DU; 牖 DỮU > DŨ; BẬU > PHỤ; NHU/NHO; THỤ/THỌ; 壽 THỌ; PHÓ, v.v…

Các âm kể trên đều là những âm đúng với diễn biến về thanh điệu trong hệ thống âm vận. KHÂU, CẬU, SẦU, THÂU, XẤU, DẦU, BẬU thuật trên đây chắc chắn không phải là âm đọc chệch do kỵ húy. Do đó có thể thấy CHÂU là âm có trước, đây mới chính là âm đúng với hệ thống âm vận và phiên thiết (tương ứng với âm tiếng Hán quan phương giai đoạn Đường Tống) của chữ “周”. Còn “CHU” là âm diễn biến về sau, và được coi là âm Hán Việt “chính thống” hiện nay. Đây có thể là một trường hợp mượn âm gốc làm âm kỵ húy, chứ không phải “do gọi chệch từ Chu”, như nhiều người đã nói.

Một số âm Hán Việt ở Nam bộ (Đàng Trong) bị coi là âm gọi chệch do kỵ húy (hiện tượng này khá phổ biến và tùy tiện), thực ra chúng là những âm có gốc gác rõ ràng, ví dụ như mục từ “Sông Hàm Luông” trên trang web Wikipedia viết như sau: Sông có tên gốc là Hàm Long, nhưng dưới thời phong kiến Nhà Nguyễn, do "kỵ húy" để tránh chữ Long (Long là rồng, tượng trưng cho nhà vua), người ta gọi chệch là Luông và lâu ngày thành quen.

Tượng Phan Châu Trinh (ảnh trái) và bia xi-măng ghi ngày khánh thành tượng nhân kỷ niệm Đệ thập nhị chu niên ngày thành lập Trường Trung học Phan Chu Trinh, Đà Nẵng

V.T.L

Chữ 龍, âm phục dựng tiếng Hán quan phương thời thượng cổ là [b·roŋ > roŋ], tương ứng với “rồng” trong tiếng Việt; âm phục dựng tiếng Hán quan phương thời trung cổ là [li̯woŋ, lĭwoŋ, luawŋ], tương ứng với “luồng” (như trong “thuồng luồng”), là âm cổ Hán Việt. Vì chữ 龍thuộc thanh điệu “bình, thứ trọc” nên về sau biến thành không dấu, đọc thành “luông”, như trong “Hàm Luông”. Sang thời cận cổ mới diễn biến thành [luŋ˩], tương ứng với “long” trong âm Hán Việt hiện nay.

Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nhà sách Khai-Trí, 1970, tr. 1569, ghi nhận hai mục từ “thiềng”, chúng cũng bị xem là âm “nói trại vì kiêng-húy” một cách chung chung, do đó đã gây ra ngộ nhận trong việc tìm hiểu âm kỵ húy.

Trở lại vấn đề tên của chí sỹ họ Phan, chúng tôi cho rằng nên thống nhất viết/ gọi là PHAN CHÂU TRINH. Thứ nhất, vì là tên riêng, nên cần tôn trọng sự chọn lựa của cụ và ý kiến của gia đình; thứ hai, do cụ là người Quảng Nam, gọi CHÂU là đúng với tính địa phương, quê hương của cụ. Cuối cùng cũng cần xác định rằng: CHÂU không phải là âm gọi chệch từ CHU.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.