Đó là những feuilleton (truyện nhiều kỳ) từng mê hoặc người đọc, đăng trên các báo trước năm 1975 của Bà Tùng Long gồm: Tình yêu và thù hận, Hồng nhan đa truân, Nghĩa tình ràng buộc, Người của oán thù, Một thoáng mây bay, Hành trang vào đời.
Bà Tùng Long (tên thật Lê Thị Bạch Vân) là mẹ của nhà văn Nguyễn Đông Thức. Bà chuyên viết truyện tâm lý tình cảm với hàm ý giáo dục đạo đức trong gia đình, cổ vũ mọi người vươn lên, sống thanh cao. Nữ văn sĩ từng đi dạy Pháp văn, Vfiệt văn ở các trường Tân Thịnh, Đạt Đức, Les Lauriers (Sài Gòn); rồi làm thư ký tòa soạn các báo Sài Gòn mới, Phụ nữ ngày nay, Phụ nữ diễn đàn… và bắt đầu viết văn từ năm 1953 với truyện dài đầu tiên Đứa con hoang (được in trên báo Sài Gòn mới). Cả cuộc đời viết văn dù chỉ với mục đích đơn giản “để kiếm tiền nuôi con”, nhưng bà đã có một gia tài đồ sộ với trên 60 tiểu thuyết, hơn 400 truyện ngắn đăng trên các báo và hàng nghìn bài Gỡ rối tơ lòng cho bạn đọc...
Nhà văn Nguyễn Đông Thức xúc động kể trong lời giới thiệu bộ sách: “Tôi nhớ lại ngày xưa, mỗi khi có truyện mới của má vừa khởi đăng trên báo, thậm chí vừa rao lên thôi, là đã có vài người làm sách (xưa, tất cả là tư nhân) chạy ngay đến nhà, giành nhau quyền đặt cọc để được in khi truyện kết thúc trên báo. Mỗi lần như vậy, họ đưa ngay một bọc tiền, và má lại kêu anh tôi ra nhà thuốc Vạn Hồi Xuân trên đường Phan Chu Trinh ở cửa Tây chợ Bến Thành mua thang Thập toàn đại bổ về ngâm rượu cho thầy, mua quần áo giày dép cho đám con, mua cả giỏ cần xé trái cây ngon về cho cả nhà ăn...”.
Phần lớn các sáng tác của Bà Tùng Long đều có quan điểm hiện đại, đi trước thời cuộc. Nếu như trong Một thoáng mây bay, nhân vật Tuyết quyết định đóng chặt cửa lòng trước 2 người đàn ông tử tế, có địa vị bởi cô thận trọng trước lòng người đảo điên trong xã hội kim tiền khi chứng kiến chị mình cùng những đồng nghiệp nữ bị lợi dụng, phản bội rồi đánh mất bản thân vì vật chất…., thì tới Tình yêu và thù hận, vì không cam lòng nhìn mối tình đầu của mình chết đi do cứu Thúy Lan, Lệ Nhung đã quyết ra tay để cứu Thúy Lan, nhưng có tình yêu nào còn vẹn nguyên khi đi qua thù hận. Đặc biệt, trong Người của oán thù, Bà Tùng Long đã phơi bày một xã hội mà ở đó lòng người đã tan hoang khi cơn lốc kim tiền ập đến, cuốn trôi những ràng buộc đạo đức, lễ giáo mong manh. Một cô Thu bất chấp và khinh ghét mọi thứ quy tắc đạo đức và bổn phận nên sống đố kỵ, thù oán và buông thả lại chứa đựng một sức mạnh hủy hoại ghê gớm. Dường như đó là hệ quả tất yếu của một thế hệ đã phải sống với quá nhiều sự kìm kẹp, bổn phận để rồi khi ra sức phá bỏ, giẫm đạp nó, họ chẳng biết làm gì với tự do mà mình có.
Điểm độc đáo trong những tác phẩm chưa từng in sách lần này của Bà Tùng Long là những câu chuyện gần gũi trong cuộc sống hằng ngày về quan hệ gia đình, thân phận người phụ nữ, trách nhiệm của đàn ông và đàn bà trong đời sống… được chuyển tải bằng lối hành văn giản dị nhưng hấp dẫn, lôi cuốn. Chính vì vậy, các tiểu thuyết của Bà Tùng Long thẩm thấu vào lòng người đọc một cách tự nhiên tựa như mạch nước ngầm len lỏi trong lòng đất.
Bình luận (0)