Mái ấm Hoa Hồng vi phạm những gì?
Hôm 4.9, Báo Thanh Niên có loạt bài điều tra "Tội ác trong một mái ấm" phản ánh tình trạng ngược đãi trẻ tại Mái ấm Hoa Hồng (TP.HCM), ngay sau đó cơ quan có thẩm quyền đã đến kiểm tra.
Tại thời điểm này, mái ấm có 15 nhân viên phục vụ và có 86 trẻ (vượt quá 100% trẻ em so với giấy phép đăng ký). Trong đó, có 85 trẻ thuộc diện trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 1 trẻ còn lại là con của nhân viên trong mái ấm này. Có 15 trẻ dưới 1 tuổi; 36 trẻ từ đủ 1 - 2 tuổi; 31 trẻ từ 3 - 5 tuổi; 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện.
Tính đến ngày 9.9, các trẻ đã được chuyển về 3 trung tâm bảo trợ xã hội trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM để chăm sóc nuôi dưỡng là 85/86 trẻ. Có 5 trẻ có bệnh lý cần được điều trị do viêm phổi nặng, viêm hô hấp, viêm tai giữa. Có 80 trẻ còn lại được tiếp tục theo dõi sát tình hình sức khỏe, biểu hiện tâm lý.
Công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 2 bảo mẫu để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Riêng Mái ấm Hoa Hồng thì bị thu hồi giấy phép hoạt động.
[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối sau mái ấm tình thương - Kỳ 1: Nỗi bất hạnh của trẻ sơ sinh
Vi phạm nào chủ cơ sở mái ấm mới bị xử lý?
Theo TS Trần Thanh Thảo, Đại học Luật TP.HCM: "Đối với chủ cơ sở để xảy ra tình trạng bạo hành, cần xem xét về việc người này có hành vi chỉ đạo, hay hỗ trợ về vật chất, hoặc tinh thần đối với những người trực tiếp thực hiện hành vi bạo hành đối với trẻ em hay không? Nếu có căn cứ, thì chủ cơ sở sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm cùng những người thực hiện hành vi bạo hành".
Nếu chủ cơ sở mái ấm "lợi dụng sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi" thì có thể xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng (khoản 1 điều 32 Nghị định 130 năm 2021).
"Nếu người chủ cơ sở mái ấm có hành vi gian dối để kêu gọi hỗ trợ từ những nhà hảo tâm, làm cho những nhà hảo tâm này tin tưởng và gửi tặng tiền, quà, sữa… rồi chiếm đoạt những tài sản này, thì bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật Hình sự", TS Thanh Thảo phân tích.
Cũng theo TS Thanh Thảo, nếu chủ cơ sở mái ấm không sử dụng thủ đoạn gian dối mà nhận được tiền, quà, sữa… từ những nhà hảo tâm một cách tự nguyện, để thực hiện việc chăm lo cho trẻ em, nhưng sau khi nhận được lại chiếm đoạt những tài sản này, thì có thể bị xem xét về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" (điều 175 bộ luật Hình sự).
[VIDEO ĐIỀU TRA] Bóng tối trong mái ấm tình thương – Kỳ 2: Hành hạ không thương tiếc
Đánh trẻ nhưng không để lại thương tích, xử lý được không?
Trẻ em bị bạo hành ở Mái ấm Hoa Hồng nhưng không để lại thương tích thì khi nào bảo mẫu bị xử lý tội "hành hạ người khác", khi nào là "cố ý gây thương tích"?
Về vấn đề trên, TS Trần Thanh Thảo cho rằng, đối với hành vi bạo hành trẻ em, thì tùy vào mức độ mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
"Nếu bắt trẻ nhịn ăn, nhịn uống, bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em… thì người vi phạm sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng tại điều 22 Nghị định 130 năm 2021", TS Thanh Thảo phân tích.
Nếu đánh đập, hoặc những hành động bạo lực khác thì tùy vào hậu quả xảy ra, có thể bị xử lý về tội "hành hạ người khác" (điều 140 bộ luật Hình sự), hoặc về tội "cố ý gây thương tích, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" (điều 134 bộ luật Hình sự).
TS Thanh Thảo phân tích, nếu đánh đập, hoặc những hành động bạo lực khác nhưng không gây thương tích, hoặc thương tích nhẹ, không xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể, thì có thể bị xử lý về tội "hành hạ người khác", có mức án cao nhất đến 3 năm tù. Còn trường hợp gây thương tích, và xác định được tỷ lệ tổn thương cơ thể, thì có thể bị xử lý về tội "cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác", có hình phạt cao nhất là tù chung thân.
Ngoài ra, người vi phạm còn phải bồi thường thiệt hại về vật chất và tinh thần cho nạn nhân theo bộ luật Dân sự 2015 như chi phí chữa bệnh...
Theo luật sư Mai Thanh Bình, Công ty luật TNHH Mai Thanh Bình, pháp luật hiện hành quy định khá chặt chẽ. Tuy nhiên, vẫn để xảy ra trường hợp vi phạm chỉ bị phát hiện sau khi xảy ra sự việc nghiêm trọng. Vì thế, cần bổ sung và tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ tại các cơ sở mái ấm để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm.
Để hạn chế bạo hành trẻ em, việc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở mái ấm là cần thiết để có thể theo dõi, quản lý hoạt động chăm sóc trẻ.
Thu hồi giấy phép hoạt động cơ sở thứ 2 của Mái ấm Chúc Từ
Tạm đình chỉ hoạt động cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ
Ngày 6.9, qua nắm bắt thông tin do người dân phản ánh, cơ quan có thẩm quyền đã kiểm tra đột xuất tại Chùa Phật Bửu (H.Củ Chi, TP.HCM) và cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em Chúc Từ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Do cơ sở Chúc Từ vi phạm quy định về các điều kiện quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng nên đã bị tạm đình chỉ hoạt động. Để đảm bảo án toàn cho trẻ, Phòng LĐ-TB-XH H.Củ Chi và Q.Bình Thạnh đã đưa 24 trẻ sơ sinh tại Chùa Phật Bửu, và 22 trẻ tại cơ sở Chúc Từ vào Trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân để tiếp tục chăm sóc và đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ vụ việc.
Bình luận (0)