Ngày hôm qua là ngày cuối cùng ông Dế mèn - nhà văn Tô Hoài dạo chơi ở cõi dương gian. Ông đi rồi, để chú dế mèn ở lại...
|
Dế mèn phiêu lưu ký không phải là tác phẩm văn chương đầu tiên, nhưng lại là tác phẩm làm nên tên tuổi Tô Hoài khi ông mới ngoài hai mươi. Ở đó người ta nhìn thấy một tài năng đã bộc lộ, một phong cách đã được định hình rõ ràng. Tô Hoài viết bằng đôi mắt quan sát cuộc sống tỉ mỉ và tinh tế, bằng sự tích lũy và nhặt nhạnh từ kho tri thức cuộc sống. Và người ta còn nhận ra những tư tưởng và khát khao của chàng thanh niên Tô Hoài năm ấy được đặt trọn trong nhân vật dế mèn: mong muốn thoát khỏi cuộc sống bức bối thực tại, tìm con đường đi mới cho đất nước mình. Đó cũng là lý do vì sao ông tham gia từ rất sớm Hội Văn hóa cứu quốc do Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập.
Sau Dế mèn phiêu lưu ký, O chuột hay Nhà nghèo, đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Tô Hoài hoạt động nhiều ở vai trò của một nhà báo, tuy vậy ông không dứt khỏi duyên nợ với nghiệp viết văn. Tác phẩm nổi bật trong giai đoạn này có Truyện Tây Bắc. Người ta được chứng kiến tình yêu ông dành cho con người và mảnh đất Tây Bắc như ông đã viết: “Hình ảnh Tây Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc trong tâm trí tôi”. Đây cũng là tác phẩm đánh dấu những thay đổi lớn trong nhân sinh quan của nhà văn. Ông thoát khỏi những hình tượng nhân vật, những câu chuyện quẩn quanh để tìm đến những chiều sâu tư tưởng mới.
Sống để viết
Không phải vô cớ mà nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đã gọi Tô Hoài là nhà văn “sống để viết”. Trong khoảng thời gian cầm bút chiếm gần trọn quãng đời người 95 năm, Tô Hoài đã để lại hơn 160 tác phẩm ở nhiều mảng (thiếu nhi, miền núi, thành thị...) với nhiều thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài đến tiểu thuyết, hồi ký, tự truyện, bút ký... “Ông viết đều đặn và bền bỉ theo năm tháng”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhớ Tô Hoài với lòng ngưỡng mộ của một người thuộc thế hệ đi sau. Không mấy ai không nể phục một “ông già” đã ngoài 80 tuổi vẫn cần mẫn viết, cho ra đời những Cát bụi chân ai, Chiều chiều... khiến văn đàn xôn xao. Rồi đến khi đã ngoài 90 tuổi, “ông già” ấy vẫn kịp hoàn thành cuốn hồi ký dày gần 500 trang. Những năm tháng sức khỏe đã yếu đi nhiều, ông cặm cụi viết tay từng trang, từng trang một. Ông cũng không bao giờ coi nghiệp viết là dễ dãi, ngược lại rất cần trau chuốt: “Mỗi chữ phải là một hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm được, do phong cách văn chương của mình mà có".
Bằng tài viết của mình, Tô Hoài đã gắn bó mật thiết với đời sống của nhân dân, của đất nước, tham dự vào đời sống xã hội, văn hóa, tinh thần không chỉ của Hà Nội quê hương ông. Đời người là hữu hạn, nhưng đời sống các tác phẩm mà nhà văn để lại thì vô hạn. “Tôi tin rằng chú dế mèn mà ông “thả” ra hơn 70 năm trước đây sẽ vẫn tung tăng trên cánh đồng văn chương nước Việt, vẫn còn là bạn với các thế hệ thiếu nhi nước Việt, cũng như những trang văn của ông vẫn nằm trong đời sống tinh thần văn hóa của người dân Việt Nam” - lòng tin của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng là lòng tin của những người đã và sẽ yêu ông Dế mèn - nhà văn Tô Hoài.
Nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014) tên thật là Nguyễn Sen, sinh tại quê nội Thanh Oai, Q.Hà Đông, Hà Nội, và lớn lên tại quê ngoại thị trấn Nghĩa Đô, H.Từ Liêm, Hà Nội. Tô Hoài là một trong những nhà văn sáng lập ra Hội Nhà văn Việt Nam, là chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội. Các giải thưởng tiêu biểu của ông: Giải nhất tiểu thuyết với tác phẩm Truyện Tây Bắc của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1956, giải A với tiểu thuyết Quê nhà giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội năm 1967, giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi với tiểu thuyết Miền Tây năm 1970... Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt 1 năm 1996. Ông từ trần trưa 6.7 tại Hà Nội, là tổn thất lớn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nơi Tô Hoài là vị chủ tịch đầu tiên sẽ cùng với gia đình tổ chức tang lễ trọng thể cho ông. |
Minh Ngọc
>> Nhà văn Tô Hoài qua đời
>> Nhà văn Tô Hoài trao quyền sử dụng 17 tác phẩm cho Cty văn hóa Phương Nam
Bình luận (0)