Với dự báo giá vàng sẽ cán ngưỡng 2.000 USD/ounce của các hãng tài chính uy tín trên thế giới, khả năng thị trường vàng tuần này sẽ lên cơn sốt từ lực cầu bị "nén" lại của tuần trước.
Đó là lý do, không ít ý kiến lo ngại, kịch bản người dân đổ xô đi mua vàng, tình trạng khan hiếm vàng, sự rối loạn của thị trường vàng khi giá bị đẩy lên cao sẽ tái lập nếu cơ quan quản lý không chủ động trong các biện pháp căn cơ cho thị trường vàng. Cuối tuần qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẳng định, giá vàng trong nước tăng là do giá thế giới tăng, không có yếu tố bất thường. Nhưng thực tế thì giá trong nước vẫn đang cao hơn giá thế giới khá nhiều. Độ "vênh" này đương nhiên sẽ tạo ra các "khe", "cửa"... để các đối tượng tham gia thị trường vàng tìm đủ mọi cách để lách, để kiếm lợi, gây tác động tiêu cực lên thị trường vàng. Cộng thêm dự báo giá vàng sẽ tăng mạnh trong tuần này như nói trên, vấn đề đặt ra hiện nay là cách "ứng xử" của cơ quan quản lý như thế nào để hạn chế tối đa tình trạng rối loạn thị trường như đã từng xảy ra khi giá vàng tăng mạnh. Còn nhớ lúc đó, NHNN đã phải cấp quota nhập khẩu 5 tấn vàng để bình ổn thị trường. Biện pháp này được đánh giá là đạt hiệu quả khi tạm "cắt cơn điên" của giá vàng tại thời điểm đó. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế và cũng chỉ được áp dụng khi "sự đã rồi" nên vẫn gây nhiều tranh cãi. Đến lúc này, khi xu hướng tăng đang chiếm xu thế chủ đạo, có ý kiến cho rằng, việc nhập khẩu vàng (dù ồ ạt xuất trước đó) là chuyện bình thường. Điều này không sai nhưng trong bối cảnh VN không thiếu vàng, trong bối cảnh lạm phát cao, nguồn ngoại tệ eo hẹp... mà xuất ngoại tệ để nhập vàng... nghe cũng khó xuôi.
Chúng ta đều biết, thị trường vàng trong nước rất nhạy cảm, chỉ một tin đồn cũng khiến người dân hoặc đổ xô đi mua hoặc bán vàng. Đó là chưa kể, giá vàng còn liên quan mật thiết đến tỷ giá. Trong bối cảnh cầu ngoại tệ đang tăng trở lại những tháng cuối năm, đặc biệt, khi các kênh đầu tư khác đang khó khăn, mọi nguồn lực đều dồn vào vàng thì vàng càng trở lên nhạy cảm hơn bao giờ hết.
"Đặc tính" của thị trường vàng trong nước đã biết; thế giới dự báo giá vàng hầu hết không sai; hàng loạt các ý kiến "hiến kế" để tạo một thị trường vàng khỏe mạnh và ổn định như lập sở giao dịch vàng, tăng tính liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới... đã được đưa ra. Việc phải làm của NHNN là chủ động trong việc xây dựng các kịch bản, từ đó đưa ra các giải pháp tương ứng cho giá vàng trong những tháng cuối năm. Nếu không, căn bệnh mãn tính của thị trường vàng như sốt ảo, hiện tượng giới đầu cơ làm giá, sự rối loạn trong giao dịch; xuất ồ ạt rồi lại nhập khẩu vàng sẽ không bao giờ được giải quyết.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)