Chủ động chống dịch cúm S-OtrH3N2

21/12/2011 09:48 GMT+7

Bộ Y tế yêu cầu các viện Vệ sinh Dịch tễ chủ động phòng chống dịch cúm mới S-OtrH3N2 xâm nhập; giám sát các trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm tại cửa khẩu quốc tế.

Bộ Y tế yêu cầu các viện Vệ sinh Dịch tễ chủ động phòng chống dịch cúm mới S-OtrH3N2 xâm nhập; giám sát các trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm tại cửa khẩu quốc tế.

Dễ thấy nhất ở thời điểm này là sự gia tăng số ca bệnh do thời tiết trở lạnh như viêm họng, hô hấp ở trẻ.


Bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: Nguyễn Thạnh

Diễn biến khó lường

Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM, số bệnh nhi mắc các bệnh hô hấp đã tăng khoảng 10% - 20% so với bình thường. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, số bệnh nhi đến khám với các triệu chứng về hô hấp cũng chiếm hơn 50% tổng số bệnh nhi đến khám mỗi ngày.

Bác sĩ Trần Thị Thu Loan, Trưởng Khoa Hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết hiện trung bình khoa có 150 - 170 bệnh nhi điều trị nội trú, chưa kể mỗi ngày nhận thêm từ 30 - 40 ca mắc mới. Các bác sĩ cho biết thời điểm này, những bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính dễ xâm nhập vào cơ thể trẻ em nên phụ huynh cần phòng bệnh, tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Thai phụ, trẻ nhỏ cần cảnh giác

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho rằng nước ta có rất nhiều chủng virus cúm lưu hành. Vì vậy, không loại trừ sự kết hợp giữa các chủng virus cúm. Nguy hiểm nhất là chủng cúm A/H5N1 kết hợp với chủng A/H1N1 sẽ sinh ra chủng virus độc lực cực mạnh với khả năng lây lan nhanh.

Người có sức đề kháng yếu như thai phụ, trẻ nhỏ, người già, người mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch… dễ bị biến chứng viêm phổi và tử vong nếu bị nhiễm.

Sở Y tế TPHCM cũng cảnh báo người dân chớ lơ là với dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết. Hiện TP đã có gần 12.000  ca mắc tay chân miệng, tăng gấp 3,5 lần so cùng kỳ năm 2010. Số ca tử vong do sốt xuất huyết của năm nay cũng đã gấp 10 lần so với năm 2010. UBND TP Hà Nội cũng vừa yêu cầu Sở Y tế tăng cường khẩn cấp các biện pháp chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết do 2 loại dịch bệnh này phức tạp và diễn biến khó lường.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), toàn quốc đang có hơn 9.000 ổ dịch sốt xuất huyết, riêng các tỉnh phía Nam chiếm gần 99%. Giải thích tình trạng này, Cục Y tế dự phòng cho rằng do việc phun hóa chất diệt muỗi tại nhiều địa phương chưa đạt yêu cầu hoặc chưa bảo đảm kỹ thuật. Dự báo trong thời tiết thay đổi, sốt xuất huyết sẽ còn những diễn biến khó lường.
Chủ động đối phó với virus mới

TS Lê Thành Đồng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM, cho hay điều đáng lo ngại là hiện đã phát hiện ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị đặc hiệu trong chương trình sốt rét.

 Bộ Y tế cũng cho biết sự xuất hiện chủng virus cúm mới  đang là nỗi lo cho cộng đồng. Đó là virus cúm mới S-OtrH3N2 có khả năng lây từ người sang người và đã kháng với một số loại thuốc điều trị cúm. Chủng virus cúm mới này là tái tổ hợp từ virus cúm A/H1N1 đại dịch và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Thời tiết lạnh như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh do virus cúm gây ra.

Trước tình hình này, Bộ Y tế yêu cầu Viện Vệ sinh Dịch tễ các vùng miền và Viện Pasteur chủ động phòng chống dịch cúm mới S-OtrH3N2 xâm nhập và lây lan; giám sát các trường hợp viêm phổi nặng nghi nhiễm cúm tại cửa khẩu quốc tế.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.