Chủ động nguồn hàng để bình ổn thị trường

15/03/2013 03:25 GMT+7

Sau khi Thanh Niên có bài viết đề xuất chương trình bình ổn giá của TP.HCM nên xem xét yếu tố giá đầu vào giảm để điều chỉnh giá bình ổn, ngày 14.3, bà Đào Thị Hương Lan (ảnh) - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM - đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này.

Như Thanh Niên đã phản ảnh, thời gian từ sau tết đến nay giá thịt, trứng tại các trại chăn nuôi đã giảm mạnh nhưng giá bán trong chương trình bình ổn chưa thấy điều chỉnh giảm. Vì sao thưa bà?

Bà Đào Thị Hương Lan: Trước tiên chúng tôi khẳng định đúng là giá bán thịt, trứng trên thị trường thời gian sau tết có giảm do nghỉ tết kéo dài, tháng giêng lại là tháng ăn chay nên sức mua giảm sút, dẫn đến giá thị trường giảm. Tuy nhiên, qua so sánh giá thị trường thì chúng tôi nhận thấy mức giảm này chưa đủ điều kiện để giảm giá theo quy định của chương trình. Ngoài ra còn phải xem xét rà soát xu hướng giảm giá hiện tại là kéo dài hay diễn ra trong một thời gian ngắn. Tình hình thị trường trước tết có một số doanh nghiệp (DN) giữ hàng để bán, nhưng do nhu cầu tiêu thụ giảm sút nên sau tết hàng tồn nhiều, dẫn đến giá giảm. Sau khi giải phóng hết lượng hàng này thì giá sẽ tăng lại, nếu chúng tôi điều chỉnh giảm giá sau đó thị trường tăng nhiệt trở lại thì lại phải tiếp tục điều chỉnh nữa. Do đó một số DN trong chương trình bình ổn đã chủ động giảm giá bằng hình thức khuyến mãi. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả. Nếu giá thị trường giảm nữa và đủ điều kiện thì sẽ yêu cầu DN giảm giá các mặt hàng này.

Hiện nguyên tắc điều chỉnh giá của chương trình bình ổn là được tăng giá bán khi giá nguyên liệu đầu vào tăng trên 10%, nhưng khi điều chỉnh giảm giá thì chỉ căn cứ theo diễn biến giá thị trường. Vì sao chúng ta không đưa thêm tiêu chí điều chỉnh giá giảm là giá đầu vào?

Theo nguyên tắc điều chỉnh tăng giá hàng bình ổn thị trường thì điều kiện là giá nguyên liệu đầu vào phải tăng trên 10%. Còn với trường hợp giảm giá thì điều kiện là khi giá thị trường giảm hơn 5% so với giá lần điều chỉnh liền kề. Chúng tôi nhận thấy việc áp dụng nguyên tắc này thì khi giảm giá sẽ nhanh hơn, có lợi cho người tiêu dùng. Nếu lấy tiêu chí giảm theo giá nguyên liệu đầu vào thì không bao giờ giảm được, do xu hướng giá nguyên liệu hầu như chỉ tăng không giảm. Chưa kể bên cạnh giá thu mua còn có các chi phí khác trong cơ cấu giá thành như chi phí vận chuyển, bao bì... hiện đều có xu hướng tăng. Chúng tôi điều chỉnh giá cũng căn cứ vào chi phí thực tế chứ không chạy theo diễn biến tăng giảm bất thường của thị trường, bởi nếu làm như vậy sẽ mất đi ý nghĩa dẫn dắt thị trường của chương trình bình ổn.

Một số chủ trại chăn nuôi có liên kết với các DN bình ổn cho biết họ liên tục thua lỗ nhiều năm nay. Các chủ trại này đề xuất các DN bình ổn có cách liên kết, hỗ trợ họ. Xin cho biết ý kiến của bà về đề xuất này?

Năm nay TP.HCM có nhiều đề án hỗ trợ để DN đầu tư có chiều sâu vào sản xuất, kinh doanh, ngày càng chuẩn bị nguồn hàng lớn. Nếu DN hoạt động sản xuất không tốt, giá thành cao, giá thị trường thấp hơn giá thành thì DN phải chịu và phải tiết kiệm chi phí sản xuất. Không được vì thế mà giảm giá thu mua nguyên liệu của nông dân. Có lẽ vừa rồi có DN gặp khó quá nên có giảm giá thu mua hai đợt, sau đó chúng tôi đã yêu cầu DN giữ giá, không được giảm giá thu mua nguyên liệu của nông dân. Ngoài ra, người chăn nuôi tại các địa phương đều có các hiệp hội, cơ quan quản lý ngành theo dõi, nếu gặp khó khăn hay ép giá gây thiệt hại thì những cơ quan này sẽ lên tiếng bảo vệ ngay.

Quang Thuần
(thực hiện)

>> Không được “ép” nông dân để bình ổn giá
>> Cần giảm giá hàng bình ổn
>> Có nên bán vàng dự trữ để bình ổn ?
>> Cho phép doanh nghiệp xăng dầu sử dụng quỹ bình ổn
>> “Quyền lực” của siêu thị trong bình ổn giá
>> Bán hàng bình ổn giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.