Luôn luôn thay đổi để thích nghi với tình hình mới, Tập đoàn Tân Hiệp Phát (THP) đã làm điều đó như thế nào để hướng tới trở thành tập đoàn hàng đầu của châu Á trong lĩnh vực thức uống và thực phẩm?
Phó TGĐ Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương |
Ảnh: Tân Hiệp Phát |
Đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi số với khát vọng doanh nghiệp tỉ USD
Bà Trần Uyên Phương - Phó tổng giám đốc Tập đoàn THP cho rằng trong bối cảnh đó, nhu cầu giảm chi phí trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và THP đang nỗ lực rất lớn để làm được điều này, thông qua việc chuyển đổi số và liên tục nâng cao năng lực và nội lực của bộ máy để sẵn sàng đón nhận cơ hội đem đến cho THP. Việc đầu tư và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh có thể giảm được 3-5% chi phí sản xuất cũng là rất lớn.
Trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, THP đã quyết liệt chuyển đổi số để thích nghi với tình hình mới. Những dự án dự kiến năm 2023 đã được đẩy nhanh thực hiện trong năm 2021. Đó là dự án SAP Ariba. SAP Ariba là mạng lưới B2B lớn nhất toàn cầu cho phép các doanh nghiệp kết nối và hợp tác với hàng triệu nhà cung cấp một cách chủ động và cởi mở. Sau 157 ngày triển khai thử nghiệm hệ thống với hơn 2.000 nhà cung cấp, đến ngày 7.4.2022, THP đã chính thức đưa hệ thống SAP Ariba đi vào vận hành. Ông Trần Quí Thanh - nhà sáng lập Tập đoàn THP cho biết, việc vận hành SAP Ariba là một trong những dự án trọng điểm trong chiến lược số hóa giai đoạn 2021 - 2026 của tập đoàn để nâng cao năng lực tổ chức từ công nghệ đến con người, vươn xa hơn ra quốc tế và đạt mục tiêu doanh thu 1 tỉ USD trong thời gian tới. Với 3 module của SAP Ariba mà Tập đoàn THP vận hành trong thời gian sắp tới là: Sourcing, Contract, Supplier Lifecycle và Performance Manager, tích hợp cùng với hệ thống SAP ERP, THP tin tưởng dự án sẽ giúp tập đoàn đạt mục tiêu cải thiện chi phí, tuân thủ và nâng cao tính hiệu quả minh bạch trong quy trình mua sắm, và siết chặt hợp tác với các đơn vị cung cấp.
Không những vậy, THP còn vận hành hệ thống SAP trên Amazon cloud nhằm tăng tốc số hóa hoạt động để nâng cao năng lực vận hành.
Dây chuyền sản xuất Trà Xanh Không Độ |
Cũng giống như những doanh nghiệp khác phải đối mặt khi chuyển đổi số, đó là chi phí bỏ ra không hề nhỏ. Bà Trần Uyên Phương cho hay hệ thống SAP cũng giống như bộ Lego, có khả năng mở rộng ra nhiều module, còn một số hệ thống ERP mà tập đoàn đã tiếp cận thì khả năng mở rộng là rất hạn chế. Đã dùng SAP thì chi phí chỉ riêng cho phần mềm không dưới triệu USD. Nếu công ty phức tạp và nhiều chi nhánh thì chi phí cho SAP có thể lên tới hàng chục triệu USD, cũng là con số mà các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư. Mặc dù là tập đoàn tư nhân nhưng khi thuyết phục ban sáng lập bỏ ra hàng triệu, chục triệu USD để đầu tư vào chuyển đổi số cũng phải giải được câu hỏi: “Đổi thói quen đó thì kiếm được bao nhiêu tiền?”. Công ty càng lớn, mình càng phải uyển chuyển. Để uyển chuyển được thì phải sẵn sàng đập vỡ các hệ thống cũ, chấp nhận đổi qua hệ thống mới. Đó là lúc văn hóa sẵn sàng học hỏi, sẵn sàng thay đổi, cải tiến của nhân viên được phát huy cao nhất, là môi trường liên tục cải tiến và vượt qua các ngưỡng giới hạn bản thân, THP tạo ra sân chơi mà toàn bộ thành viên luôn cùng nhau cải tiến.
Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp đứng hàng đầu trong ngành sản xuất nước uống có lợi cho sức khỏe và đứng thứ 2 trong toàn ngành nước giải khát không cồn. Đây là doanh nghiệp Việt duy nhất trong 5 doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam, với 6 lần liên tục giữ vững thương hiệu quốc gia. Công ty tiên phong trong ngành đạt chứng nhận ISO 9001, ISO 14001, HACC, ISO 22000, ISO 17025. Năm 2019 đạt giải Vàng Chất lượng quốc gia.
Hơn 2,9 tỉ USD nhựa rác bị lãng phí
Giá cả hàng hóa trên toàn cầu tăng cao do dịch Covid-19 gây đứt chuỗi cung ứng. Để phát triển bền vững, các doanh nghiệp càng cấp thiết chuyển đổi từ mô hình nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn được đánh giá có vai trò quan trọng trong sự phục hồi kinh tế sau dịch, có tính sẵn sàng và cạnh tranh cao đối với các doanh nghiệp. Nền kinh tế tuần hoàn là một hệ thống công nghiệp phục hồi hoặc tái tạo theo ý định và thiết kế. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong phạm vi này, là các mô hình kinh doanh. Hay nói một cách đơn giản kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn góp một phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Việc giải quyết các vấn đề liên quan đến khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế rác thải tối đa trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn,… đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, tăng tính cạnh tranh cho nền kinh tế. Là doanh nghiệp Việt duy nhất trong 5 doanh nghiệp nước giải khát hàng đầu Việt Nam, THP đang dần chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn. Đây cũng là xu hướng trên toàn cầu những năm gần đây. Theo báo cáo “Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa” do IFC và Ngân hàng Thế giới vừa công bố, khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE và PP được tiêu thụ mỗi năm tại Việt Nam. Trong số này, chỉ 1,28 triệu tấn (33%) được thu gom tái chế (CFR). Do đó, có tới 2,62 triệu tấn nhựa bị thải bỏ, dẫn đến mất 75% giá trị vật liệu của nhựa, tương đương từ 2,2 - 2,9 tỉ USD mỗi năm. Nếu tất cả được thu gom và tái chế thành các sản phẩm có giá trị nhất, về lý thuyết, tổng giá trị vật liệu giải phóng được, nhờ tái chế, sẽ tương đương 3,4 tỉ USD mỗi năm. Thế nhưng tình trạng quản lý chất thải nhựa không phù hợp từ các nguồn trên đất liền, đặc biệt ở dạng bao bì sử dụng một lần hoặc ngắn hạn, gây ra chi phí kinh tế và xã hội đáng kể trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, do làm giảm năng suất của các hệ thống tự nhiên quan trọng và gây tắc nghẽn hạ tầng đô thị.
Nguyên liệu nhựa được đưa vào dây chuyền |
Chính phủ Việt Nam đã có một số cam kết về giảm rác thải nhựa trên biển và đại dương thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Năm 2019, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 (Quyết định số 1746/QĐ-TTg). Tháng 12.2020, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa (NPAP), một nền tảng cho nhiều chủ thể của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhằm thực hiện các cam kết giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Khu vực tư nhân cũng tích cực tham gia các sáng kiến đang diễn ra như sáng kiến Hợp tác Công tư (PPC) Việt Nam, Liên minh Tái chế bao bì (PRO) Việt Nam, và từng doanh nghiệp cũng có nỗ lực riêng.
Ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn
Trong 5 năm qua (từ 2018 - 2022), THP đã giảm hơn 70.000 tấn nhựa, con số này cao hơn 20.000 tấn so với giai đoạn 5 năm trước đó (2013 - 2018). Để có thể giảm lượng nhựa, giấy, tập đoàn thực hiện nhiều ứng dụng như công nghệ chiết lạnh Aseptic (GEA Procomac - Đức) trong quá trình sản xuất, giảm trọng lượng chai còn 15,6g, 13,25g; giảm sử dụng thùng carton; giảm định lượng giấy ứng dụng công nghệ bế phẳng tự động thay vì giảm định lượng giấy và khổ giấy như thời kỳ trước. Đồng thời giảm bề dày màng block chai mỏng nhất xuống dưới 40 micromet. Tiếp tục tái sử dụng và tái chế túi nilon các loại dùng nội bộ; cải tiến tăng sức chứa, giảm số lượng thùng giấy và tái sử dụng thùng carton. Thế nhưng để đạt được mục tiêu đến năm 2027, sẽ giảm hơn 112.000 tấn nhựa, giấy, tập đoàn còn đưa vào hoạt động nhà máy tái chế HDPE để sản xuất pallet, làm thùng rác, thùng chứa, tái chế chai PET.
Để bảo vệ môi trường trước tình trạng nhựa dùng 1 lần bị thải tràn lan, theo bà Trần Uyên Phương câu trả lời không nằm ở nhựa mà đó là nỗ lực tái chế nhựa như thế nào. “Chúng tôi vẫn chưa quyết định đưa nhựa tái chế để làm thành chai nhựa nhưng có thể làm được những vật dụng khác. Đó là dùng làm đầu vào cho ngành công nghiệp khác cụ thể như pallet (phục vụ vận chuyển sản phẩm) hoặc bao rác, những thứ đóng vai trò khá quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của THP”, bà Phương chia sẻ. THP đã đưa vào vận hành nhà máy tái chế nhựa trị giá 100 tỉ đồng trong khuôn viên tổ hợp sản xuất tại Hậu Giang. Những tấm pallet đầu tiên cũng ra lò trong giai đoạn doanh nghiệp cả nước chật vật với mục tiêu vừa phải đảm bảo sản xuất, vừa ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Pallet thành phẩm chuẩn bị hoàn thành |
Nhà máy tái chế bao bì nhựa có công suất thiết kế nhựa HDPE mỗi tháng cần 300 tấn phế liệu HDPE ép phun (pallet gãy, két nhựa gãy, nắp chai, khay nhựa…) để đáp ứng năng lực tái chế nhựa HDPE 3.600 tấn/năm. Ngoài ra, nhà máy còn tái chế màng LDPE/LLDPE tạo hạt nhựa tái sinh/ màng co khoảng 1.050 tấn/năm. Các nhóm nhựa trong chiến lược kinh tế tuần hoàn của tập đoàn đóng góp vào lộ trình tái chế quốc gia. Tái chế xanh hướng tới đạt chuẩn quốc tế Efsa và FDA. Nhà máy tái chế tại Hậu Giang không chỉ giúp tái chế nhựa cho THP mà còn có thể phục vụ nhu cầu của nhiều doanh nghiệp khác. Sản phẩm tạo ra lại tiếp tục đóng góp cho quá trình sản xuất dù chúng không còn đủ tiêu chuẩn để trở thành nguyên liệu cho ngành bao bì của THP.
“Chúng tôi tạo ra một quy trình mà thông qua nó có thể mang đến một cuộc đời không giới hạn cho nhựa. Sẽ không có rác thải nhựa mà nó là nguyên liệu của một ngành công nghiệp khác nếu được ứng xử đúng cách”, Phó tổng giám đốc Tân Hiệp Phát Trần Uyên Phương cho biết thêm. Từ những chiếc vỏ chai đã qua sử dụng, THP có thể tạo ra những tấm pallet. Khi pallet hỏng, chúng có thể tiếp tục được tái chế hoặc tạo thành một sản phẩm khác như xô, chậu, bàn, ghế… Đây cũng được xem là yếu tố then chốt trong hành trình theo đuổi kinh tế tuần hoàn của THP. Một chu trình khép kín sẽ giúp không chiếc chai nhựa nào bị vứt ra môi trường để rồi đe dọa cuộc sống con người, các loài động, thực vật.
Trong quá trình triển khai kinh tế tuần hoàn, bà Trần Uyên Phương cho hay đã phát sinh những thách thức khó khăn. Đó là chưa có điểm mua phế liệu tập trung tại một số địa phương: người thu gom không có đầu ra; hộ dân chưa phân loại rác tại nguồn, người thu mua nhỏ lẻ, tự phát: nguồn cung và giá bán rác nhựa không ổn định; người mở nhà máy chưa có đầu vào ổn định, số lượng nhập khẩu rác nhựa còn nhiều; chưa có sự liên kết mạng lưới thu gom, phân loại, tái chế: Nhà nước tốn ngân sách lớn để xử lý. Dù vậy tập đoàn sẽ tiếp tục mở rộng mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần giảm tác động đến môi trường, giảm hiệu ứng khí nhà kính thông qua việc cắt giảm nhựa sử dụng một lần và tái chế xanh.
“Với khát vọng trở thành tập đoàn hàng đầu châu Á trong lĩnh vực thức uống, thực phẩm, THP phải đạt được những tiêu chuẩn mà cả khu vực đang tuân thủ. Để có được điều này, không những tập đoàn bỏ ra đầu tư hàng triệu USD mà cả những con người của THP cũng liên tục được đào tạo để thích nghi với môi trường mới. Sứ mệnh của tập đoàn là sản xuất kinh doanh các sản phẩm tốt cho sức khỏe người tiêu dùng châu Á với mùi vị thích hợp, chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, thỏa mãn nhu cầu hiện có và tiềm ẩn của khách hàng để trở thành đối tác được ưa chuộng hơn trong kinh doanh”, bà Trần Uyên Phương cho hay.
Những khoản đầu tư hàng triệu USD
Ngoài việc đầu tư chuyển đổi số hàng triệu USD, nhà máy tái chế nhựa 100 tỉ đồng, thị trường nước giải khát biết đến THP khi nhiều năm trước mạnh tay đầu tư ứng dụng công nghệ Aseptic của Tập đoàn GEA (Đức) trong sản xuất nước giải khát tại các nhà máy với hệ thống 10 dây chuyền công nghệ vô trùng Aseptic với tổng trị giá lên 300 triệu USD. Công nghệ Aseptic được đánh giá là phát minh của thế kỷ 21, nổi bật với đặc tính tuyệt đối vô trùng và thân thiện môi trường. Một giờ dây chuyền cho công suất 48.000 chai sản phẩm, tương đương hơn 13 chai sản phẩm được xuất xưởng mỗi giây.
Bình luận (0)