Bộ xây dựng đang chủ trì soạn thảo thông tư nhằm thống nhất quy định về đánh số và gắn biển số nhà trên toàn quốc. Theo đó sẽ có 7 trường hợp phải đánh lại số nhà, trong đó có trường hợp các ngõ, ngách, hẻm của tuyến đường, phố khác có lối ra đường, phố mới mở rộng và được đặt tên.
Thông tư dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 8.2024.
Không thể nhớ địa chỉ nhà vì… quá dài
Đường Huỳnh Tấn Phát đoạn đi qua các xã của H.Nhà Bè (TP.HCM), các ngôi nhà trong hẻm đều có ít nhất từ 3 xuyệt trở lên, có nhà có đến 7 xuyệt. Số nhà 1806/127/2/6/15/27/7 Huỳnh Tấn Phát là một ví dụ.
Bà Nguyễn Thị Linh (61 tuổi) cho biết không thể nhớ được chính xác địa chỉ nhà mình. Trước đây mắt còn sáng có thể xem được nhưng giờ mắt yếu dần, bà cũng không thể nhìn thấy rõ từng con số trên địa chỉ nhà.
Lạc vào mê cung nhà siêu xuyệt: Chủ nhà không nhớ nổi số, shipper khổ sở dò đường
"Mỗi lần ra bưu điện, ngân hàng nhân viên hỏi địa chỉ tôi trả lời không biết vì quá nhiều số. Mỗi lần đọc địa chỉ nhà ai cũng nói "trời ơi, dữ vậy cô, vậy sao mà kiếm được". Tuy nhiên, giờ sức khỏe tôi không còn được như trước nên mỗi lần đi làm thủ tục gì đều giao lại cho con gái", bà Linh nói.
Cũng theo bà Linh, sau này địa chỉ nhà đổi lại số mới, bớt đi vài xuyệt nên khi nhìn hoặc đọc lên thấy nhẹ nhàng, đỡ bị rối hơn trước. Tuy nhiên, ở khu bà sống nhiều người vẫn để địa chỉ cũ, không phải nhà nào cũng đổi số nhà.
Điều này đặt ra việc số nhà mới, nhà cũ ở cùng một khu nên việc tìm đường như trên số nhà chưa bao giờ là điều dễ dàng với những người lạ.
"Đổi lại số nhà mới nên việc làm giấy tờ cũng đơn giản hơn. Tuy nhiên, nếu ai không biết đường đi tìm nhà tôi giống như lạc vào mê cung. Nhiều người gọi điện hỏi đường tôi cũng không biết chỉ bằng cách nào, chỉ còn cách chạy tuốt ra đầu hẻm đón họ", bà Linh nói.
"Mắt chữ A miệng chữ O khi nghe địa chỉ nhà"
Chị Anh Thơ (34 tuổi) sống trong ngôi nhà có địa chỉ 1806/127/2/6/15/27/5 Huỳnh Tấn Phát, TT.Nhà Bè. Chị cho biết thường xuyên mua hàng online và được shipper giao về tận nhà. Với những shipper mới giao, nhiều người hỏi lại địa chỉ nhà nhiều lần vì phải đi sâu trong hẻm, rất khó tìm.
May mắn nhờ có ứng dụng chỉ đường nên việc tìm kiếm bớt đi phần nào sự vất vả. Người lạ khi thấy chị Thơ đọc địa chỉ nhà ai nấy đều mắt chữ A miệng chữ O vì quá dài.
"Khi thực hiện các thủ tục liên quan đến giấy tờ như ở bệnh viện, trường học, ngân hàng… cũng có chút bất tiện vì địa chỉ quá nhiều xuyệt. Nhiều nhà mới sau này đổi số địa chỉ ngắn hơn còn những người ở đây lâu năm vẫn để lại số cũ, dài dằng dặc. Tôi không bao giờ chỉ đường cho người khác như trên địa chỉ nhà vì số nhà ở đầu hẻm đã đổi số. Nếu tìm theo địa chỉ cũ không thể nào ra được", chị Thơ nói.
Cũng theo chị Thơ, sở dĩ chỗ chị sống có nhiều xuyệt là vì nhiều nhà được xây dựng từ đất vườn, cứ một hẻm được mở ra lại có thêm một xuyệt mới. Nhiều người gọi vui đây là hẻm "siêu xuyệt". Cách đây khoảng 8 năm, chính quyền địa phương đã hỗ trợ người dân rút gọn số nhà từ 7 xuống 3 – 4 xuyệt. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân vẫn để nguyên số nhà 7 xuyệt, sắp xếp không theo quy tắc chẵn, lẻ nên rất khó xác định vị trí.
Giữa mê trận số nhà dài lòng thòng, TP.HCM làm thế nào để 'nhà 5 xuyệt còn 2 xuyệt'?
Ông Nguyễn Ngọc Minh (69 tuổi) chia sẻ ở hẻm ông sống số nhà đều có 4 xuyệt. Càng đi sâu vào các hẻm khác số xuyệt càng tăng lên. Những năm gần đây, nếu người dân chuyển xây nhà mới ở khu này thì mới đổi số nhà, những người sống lâu năm vẫn để địa chỉ cũ.
"Vì vậy người lạ đi kiếm nhà thấy rất lộn xộn, không khớp với nhau, cùng một hẻm nhưng có nhà địa chỉ có 3 xuyệt, nhà lại 4 xuyệt. Tôi cũng không thuộc địa chỉ nhà mình, phải ghi vào giấy, ai hỏi thì móc giấy đưa ra cho họ. Chỗ tôi sống cũng không có bên chẵn, bên lẻ. Hồi xưa thì có nhưng riết rồi mọi người bán nhà, người khác mua mới lại để số kiểu khác", ông Minh cho hay.
Bình luận (0)