Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Thanh Đa và một thuở... có nhà nuôi heo ngay tại chỗ

Phan Diệp
Phan Diệp
31/05/2024 12:30 GMT+7

Cư xá Thanh Đa nằm giữa ốc đảo cùng tên (thuộc P.27, Q.Bình Thạnh). Dù cảnh quan xung quanh thay đổi nhiều theo thời gian nhưng người dân sống ở đây gần nửa thế kỷ vẫn thấy 'yêu như thuở ban đầu'.

Trời hửng nắng, bà Nguyễn Thị Mười (75 tuổi), ngụ ở lô C cư xá Thanh Đa chậm rãi bước trên những bậc thang đã mòn để xuống công viên đi dạo. Ngay góc lô C cũng là khu vực chợ, bà Mười rảo bước đến những sạp hàng quen mua thức ăn. Giữa lòng thành phố, chợ vừa đông nhưng bà Mười vẫn nghe được tiếng ve đầu hè trên những tán cây xanh

"Suốt 42 năm sống ở đây, tôi chưa từng có ý định chuyển đi nơi khác", bà Mười nói.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Thanh Đa và một thuở... có nhà nuôi heo ngay tại chỗ- Ảnh 1.

Cư xá Thanh Đa bạc màu theo thời gian nhưng vẫn là chọn lựa của nhiều người.

Phan Diệp


Một trong những chung cư đầu tiên

Cư xá Thanh Đa được xây dựng trên bán đảo cùng tên, với 3 mặt giáp sông Sài Gòn uốn lượn. Mặt còn lại giáp với kênh Thanh Đa dài 1,3 km. Thời Pháp thuộc, con kênh này được đào để rút ngắn thời gian di chuyển của tàu bè trên sông Sài Gòn. Người dân có thể di chuyển bằng đường bộ đến cư xá qua cầu Kinh Thanh Đa hoặc đi từ P.Linh Đông Thủ Đức sang phà Bình Quới (thuộc bán đảo Thanh Đa).

Được xây dựng từ những năm 1960, đến năm 1972 cư xá hoàn thiện với 22 lô, khoảng 4.300 căn hộ. Công trình là một trong những chung cư đầu tiên ở Sài Gòn trước năm 1975, là khu nhà ở tốt nhất thời điểm đó. Cư xá có quy hoạch theo kiểu nhiều khu nhà trong một không gian gồm các công trình công cộng như trường học, phòng khám, nhà văn hoá, chợ, công viên…

Năm 1975, cư xá được chính quyền bố trí làm nơi ở cho những gia đình có công với cách mạng, công chức, viên chức…

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Thanh Đa và một thuở... có nhà nuôi heo ngay tại chỗ- Ảnh 2.

Lô E nằm sát chợ Thanh Đa, phần lớn những căn hộ tầng trệt dùng cho thuê mặt bằng buôn bán.

Phan Diệp

Trong cuốn sách "Kiến trúc hiện đại Miền Nam Việt Nam – Chủ nghĩa bản địa giữa thế kỷ XX" của kiến trúc sư người Mỹ Mel Schenck và nhiếp ảnh gia Alexandre Garel do Phương Nam Book xuất bản năm 2022, cũng có phần giới thiệu về cư xá Thanh Đa. Nội dung có đoạn: "Cư xá Thanh Đa là một trong những dự án nhà ở quan trọng nhất do chính quyền Miền Nam Việt Nam xây dựng. Nhiều gia đình thích sống ở đây vì cảnh quan khuôn viên và căn hộ thông thoáng".

Cơ sở hạ tầng của cư xá trải qua hơn nửa thế kỷ không thể tránh khỏi những hư hỏng. Khách từ xa đến có thể dễ dàng thấy khung cảnh cũ kỹ, nhếch nhác ở một số lô thuộc cụm cư xá. Tuy nhiên, khi đặt chân đến lô C - nơi có căn nhà của bà Mười, từ hành lang cho đến từng cánh cửa, khung sắt… đều được sơn mới, giữ gìn sạch sẽ.

"Tôi đã gắn bó ở đây hơn nửa đời mình nên không thể không giữ gìn", bà Mười nói.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Thanh Đa và một thuở... có nhà nuôi heo ngay tại chỗ- Ảnh 3.

Bà Mười trong căn hộ gắn bó với gia đình 42 năm qua.

Phan Diệp

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Thanh Đa và một thuở... có nhà nuôi heo ngay tại chỗ- Ảnh 4.

Dấu thời gian hiện rõ trên những bậc cấp, nền gạch.

Phan Diệp

Bà Mười vốn là bác sĩ, chồng bà cũng làm việc trong một cơ quan nhà nước, được cấp nhà từ năm 1982, sau khi chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM sinh sống. Nhà bà rộng chừng 60 m2, ở tầng 2, có cửa chính và cửa sổ hướng ra công viên rợp bóng cây - nơi ngày trước có con mương nhỏ, 2 bên mọc nhiều rau muống.

"Một số công trình như công viên, trường học hay nhà sinh hoạt cộng đồng có thể mới được xây thêm sau này nhưng các lô cư xá thì vẫn vậy", bà Mười chia sẻ.

Bình yên để níu chân người

Ngồi nhớ lại, những ký ức của bà Mười thuở mới đến đây tái hiện rõ mồn một. Bà kể, từ thời đi học đã quen sống trong những căn nhà tập thể, ký túc xá nên không quá lạ lẫm khi dọn vào cư xá.

Bà Mười có 3 người con trai. Nhắm chừng sau này con lớn, cưới vợ về không thể ở chung trong căn cư xá nhỏ này nên đã bắt đầu tính chuyện mua đất để dành. Lương cán bộ nhà nước tằn tiện chỉ đủ sống, bà Mười "tăng gia"... từ việc nuôi heo ngay trong chính căn cư xá của mình.

"Tận dụng khoảng trống phía sau nhà, tôi nuôi 2 con heo. Không gian nhỏ hẹp, nên cứ nuôi đến khi nào heo lớn, không thể quay đầu trong 'chuồng' được nữa thì gọi người tới bán, cũng được gần 1 tạ", bà Mười kể.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Thanh Đa và một thuở... có nhà nuôi heo ngay tại chỗ- Ảnh 5.

Trước mặt nhà, trên hành lang, người dân chăm chút cho không gian chung bằng chậu cây, hoa đẹp mắt.

Phan Diệp

Trong thời buổi khó khăn, bà Mười không phải hộ duy nhất nuôi thêm gia súc, gia cầm trong nhà. Nhưng chỉ được vài năm, khi người đến ở đông dần, bà cũng ngưng hẳn cách "tăng gia sản xuất này". Nhưng nhờ vậy, bà dành dụm được vài chỉ vàng, mua được mảnh đất nhỏ đủ để khi các con thành gia lập thất ra riêng.

Đến tuổi xế chiều, và đặc biệt là sau khi người bạn đời của mình khuất bóng, bà Mười vẫn chọn ở lại cư xá Thanh Đa.

"Nơi đây bước chân xuống có chợ, có công viên, xa hơn chút nữa là sông Sài Gòn ôm trọn, không khí trong thành phố đâu thể sánh bằng", bà giải thích.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Thanh Đa và một thuở... có nhà nuôi heo ngay tại chỗ- Ảnh 6.

Công viên này trước đây vốn là bờ rau muống.

Phan Diệp

Cũng tương tự bà Mười, bà Lý Thị Mai (70 tuổi) ở lô S có nhà "view sông Sài Gòn" quanh năm mát mẻ. Bà Mai từng dọn ra một căn chung cư hiện đại sống cùng con cái nhưng chưa đầy một năm, bà quyết định trở về chốn cũ. Vì với bà, nơi đây có những người bạn già hàng chục năm, có những con đường nằm dưới bóng cây cao, hai bên là hàng quán bán không thiếu món gì.

"Tôi không chịu được cảnh ngột ngạt khi di chuyển bằng thang máy. Ở cư xá đi bộ có vất vả chút xíu nhưng mà quen. Cư xá tuy có cũ nhưng ở đây có nhiều kỷ niệm", và Mai chia sẻ.

Những cư xá ở TP.HCM còn đến ngày nay: Thanh Đa và một thuở... có nhà nuôi heo ngay tại chỗ- Ảnh 7.

Hàng quán san sát dưới dãy căn hộ tầng trệt.

Phan Diệp

Sống ở nơi này hơn nửa đời người, những người già như bà Mười, bà Mai chẳng nỡ rời đi đã đành, nhưng cư xá cũ vẫn có sức hút với người trẻ. Mùa nắng nóng vừa qua, anh Thanh Hải (35 tuổi ở TP.Thủ Đức) có dịp dạo quanh cư xá, thấy không khí mát mẻ nên anh quyết định tìm thuê mặt bằng ở đây để mở quán bán cà phê.

Anh Hải tìm được nửa căn cư xá ở lô A, rộng 3m, dài 10 m đủ để đặt hàng hoá và còn ít không gian để sinh hoạt với giá 6 triệu đồng/ tháng. Nhà nằm ngay mặt tiền, gần chợ và đông người qua lại, đặc biệt có dãy bàng lâu năm cho bóng mát "cả ngày không thấy mặt trời".

"Nơi đây cho tôi cảm giác lạ lắm, dù gần chợ ồn ào, người ở cũng đông chứ không phải thưa thớt nhưng ở đây tôi thấy cuộc sống hối hả thường ngày như chậm đi một nhịp, nhẹ nhàng lắm", anh Hải cười, cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.