Chữ nho

01/04/2012 03:14 GMT+7

Đọc bài Hành đạo ở Trường Sa của hai phóng viên Trần Đăng, Ngọc Minh trên Báo Thanh Niên, tôi rất xúc động. Nhưng thích nhất chi tiết này khi tác giả viết về những ngôi chùa trên đảo: "tất cả hoành phi, câu đối đều viết bằng chữ Việt".

Đọc bài Hành đạo ở Trường Sa của hai phóng viên Trần Đăng, Ngọc Minh trên Báo Thanh Niên, tôi rất xúc động. Nhưng thích nhất chi tiết này khi tác giả viết về những ngôi chùa trên đảo: "tất cả hoành phi, câu đối đều viết bằng chữ Việt".

>> Hành đạo ở Trường Sa

Tôi không phải là người ghét chữ Hán đến mức buột mồm như cụ Tú Xương "nào có ra gì cái chữ nho", mà cụ tú cũng giận lẫy thế thôi bởi thời cụ chữ nho vẫn còn thịnh lắm. Suốt bao thế kỷ, chữ nho độc tôn, là ngôn ngữ viết chính của nền văn hóa, và sau này khi đã có chữ quốc ngữ La tinh rồi chữ nho vẫn có vị trí đáng kể trong đời sống người Việt. Nói thế để thấy đừng nên cực đoan, đừng như vài ba vị cứ gặp nho gặp Hán là dè bỉu, bài bác. Nói cho công bằng, trong suốt hàng chục thế kỷ, không thể thiếu chữ nho để xây đắp nền văn hóa Việt. Chẳng phải vô tình khi nhiều bộ sử nước nhà đã chép công lao của Sĩ Nhiếp (thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên), thậm chí tôn ông là Sĩ vương, mà một trong những công tích rất lớn của ông là "phổ cập" chữ Hán cho hàng ngũ quan lại, trí thức đương thời. Biết bao di sản mà ông cha chúng ta nhiều đời truyền lại, để lại gắn với chữ nho, nhất là kho tàng Hán - Nôm, chúng ta đến giờ vẫn chưa khai thác hết. Tôi có những người bạn cả đời chỉ nghiên cứu Hán - Nôm, sống chết với chữ nho, và tôi luôn tôn trọng, kính phục họ.

Lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm gắn với sự cai trị của nước ngoài nên việc chữ Hán, chữ Pháp có những giai đoạn, thời kỳ dài ngắn khác nhau thống trị ngôn ngữ, phổ biến trong đời sống xã hội, văn hóa là không tránh khỏi. Nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm; các trang trí nội thất như hoành phi, câu đối; rồi những văn bia, mộ chí... đều ghi dấu tiền nhân bằng chữ Hán, có ai thắc mắc gì đâu. Thời như thế thì phải thế.

Điều đáng nói đáng bàn là giờ đây thời thế đã khác nhiều, khác căn bản nhưng vẫn còn rơi rớt những thói quen, cách nghĩ, cách làm quá xưa quá cũ. Một trong những tàn tích ấy là thói sính chữ Hán. Có ai đó bảo do tâm lý nô lệ, nhược tiểu, tôi cho rằng quy như thế hơi quá. Nhiều khi chỉ là thói đua đòi, hợm hĩnh, ra vẻ ta đây; cũng có khi là nông cạn, ngu dốt mà thôi.

Chả có lý gì khi xây ngôi chùa mới, chùa Bái Đính chẳng hạn, lại cứ phải rải chữ nho từ ngoài cổng vào đến tận bàn thờ Phật. Không dùng thứ chữ tượng hình ấy sẽ kém tôn nghiêm, kém đẹp, kém uy chăng? Hay là chùa cứ phải chữ nho, còn dùng chữ quốc ngữ hiện thời sẽ không hợp? Xin nhớ cho, đây là chùa Việt chứ không phải chùa Trung Quốc, của người Việt chứ không phải người Trung Quốc, dù đặt nó ở bất cứ đâu trên đất nước này. Cũng đừng lý sự chùa ngoài đảo mới cần thuần Việt, còn đất liền áp cho nó chữ nào chả được. Không đâu, dùng chữ này hay chữ kia là sự thể hiện ý thức văn hóa đấy.

Lại nhớ có nhiều vị ưa treo chữ trong nhà, mà phải chữ Hán, viết kiểu thư pháp, chữ tâm, chữ đức, chữ nhẫn... Trừ một số ít hiểu sâu sắc nghĩa của chữ đã treo, còn đa số chả hiểu gì, bởi thấy người ta chơi thì mình cũng chơi thôi. Tôi không ủng hộ việc đem chữ quốc ngữ ra viết loằng ngoằng gán cho nó mỹ từ thư pháp nhưng cũng chả ưa mấy ông bà chữ nhất bẻ đôi không biết vẫn dán chữ Tàu khắp trong nhà ngoài ngõ. Nực cười nhất là không ít ông to bà nhớn, lãnh đạo này nọ cũng mê cũng thích kiểu trưng diện này.

Sẽ có người cho tôi lắm chuyện,  nên mới giở giói vậy. Không, hoàn toàn không. Các vị cứ hình dung xem những ngôi chùa của nước Việt Nam độc lập tự chủ mà nhan nhản chữ Hán thì hay ho nỗi gì.

3.2012

Nguyễn Thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.