Chủ quan dễ mất tinh hoàn

22/11/2010 08:53 GMT+7

Khi vùng nhạy cảm đột nhiên bị sưng và đau dữ dội, cần đến bệnh viện ngay vì đây có thể là dấu hiệu của bệnh xoắn tinh hoàn

Chị Nguyễn Thu Hải (ngụ TP Hà Nội) ngậm ngùi kể sáng sớm thay bỉm cho cậu con trai thấy một bên tinh hoàn ửng đỏ. Cứ nghĩ là con bị hăm do đeo bỉm nhiều nên mua thuốc bôi. Đến trưa thấy con quấy khóc, không chịu ngủ, phần bìu sưng to, chị đưa con đến bệnh viện (BV) thì được chẩn đoán là xoắn tinh hoàn, nguy cơ hoại tử cao. Mặc dù được mổ cấp cứu nhưng vẫn không kịp. Cháu bé đã vĩnh viễn mất một bên tinh hoàn. 

Cần điều trị sớm
 
Theo bác sĩ Trịnh Hoàng Giang, Khoa Phẫu thuật tiết niệu BV Việt Đức, bệnh xoắn tinh hoàn không phải hiếm gặp nhưng do bệnh phát ở khu vực nhạy cảm nên phần đông người bệnh âm thầm chịu đựng với hy vọng sẽ tự lành. Do được can thiệp muộn nên số người may mắn giữ được tinh hoàn không nhiều, phần lớn phải cắt bỏ một bên tinh hoàn đã hoại tử để bảo toàn phần còn lại. Không chỉ người bệnh thiếu thông tin về bệnh này mà ngay cả một số BV và phòng khám cũng thường chẩn đoán nhầm thành viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, viêm thừng tinh...
 
GS-TS Trần Quán Anh, Tổng Thư ký Hội Tiết niệu - Thận học VN, cho biết tất cả nam giới đều có khả năng mắc bệnh xoắn tinh hoàn. Bệnh gặp ở cả trẻ nhỏ, người lớn song nhiều nhất là độ tuổi từ 12 đến 18. Triệu chứng đầu tiên là đau đột ngột vùng bìu, khởi phát vào ban đêm và thường đau một bên, có thể lan lên bẹn. Kể cả khi nghỉ ngơi, nằm im một chỗ thì cảm giác đau cũng không giảm.
 
Nguy cơ vô sinh
 
Cũng theo GS-TS Trần Quán Anh, đây không phải là bệnh mắc từ xã hội như việc quan hệ tình dục bừa bãi, tình dục không an toàn... mà là do sự bất thường của cấu tạo tinh hoàn xuất hiện một cách tự phát hoặc sau chấn thương, thậm chí tập luyện thể lực quá độ. Bình thường, tinh hoàn được cố định chắc chắn ở trong bìu nhưng một số trường hợp, các điểm cố định này lỏng lẻo. Sự bất thường này khiến ống dẫn tinh dễ bị xoắn hơn và khi tinh hoàn tự xoay sẽ làm tắc nghẽn một phần hay toàn bộ mạch máu nuôi tinh hoàn dẫn đến tinh hoàn hoại tử và phải cắt bỏ.
 
Bác sĩ Trịnh Hoàng Giang cho biết thêm nếu ai đã bị xoắn một bên thì bên kia cũng có nguy cơ bị xoắn. Vì thế, sau khi phẫu thuật, phần tinh hoàn còn lại sẽ được cố định vào mạc bìu. Với trường hợp đã từng bị cắt bỏ một tinh hoàn thì phải thận trọng với những va chạm mạnh ở vùng nhạy cảm để tránh tổn thương. Nếu lỡ bị vỡ nốt tinh hoàn còn lại mà không đến BV điều trị kịp thời cũng sẽ làm tinh hoàn bị hoại tử và không còn khả năng sinh sản.
 
“Về mặt lý thuyết, một người có một tinh hoàn vẫn có thể có đời sống tình dục và sinh sản bình thường nhưng rõ ràng mất một bên tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đáng kể các chức năng này và không loại trừ nguy cơ vô sinh. Điều quan trọng là khiếm khuyết ở vùng nhạy cảm sẽ tác động đến tâm lý khi trưởng thành và cảm giác tự ti khi đến tuổi lập gia đình”- bác sĩ Giang lưu ý.

Thời gian tháo xoắn rất ngặt nghèo

Theo bác sĩ Trịnh Hoàng Giang, các bác sĩ vẫn truyền nhau một nguyên tắc phải nghĩ đến xoắn tinh hoàn ngay khi có triệu chứng đau vùng bìu. Không như các căn bệnh khác, thời gian phẫu thuật xoắn tinh hoàn rất ngặt nghèo, chỉ trong vòng 6 giờ đầu tiên tính từ lúc có biểu hiện đau, bác sĩ có thể dễ dàng tháo xoắn, cố định tinh hoàn vào bìu. Nếu sau 6 - 12 giờ thì phẫu thuật được chỉ định nhưng khả năng giữ được tinh hoàn rất thấp và sau 24 giờ, tinh hoàn sẽ chết, buộc phải cắt đi.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.